Vụ 5 phu trầm bị giết chết giữa rừng: Nước mắt người thân

Cập nhật lúc 08:27, Thứ Tư, 03/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau khi tiếp xúc với những người may mắn thoát chết, chúng tôi có mặt ở nhà các nạn nhân xấu số. Bao trùm không gian các xóm nhỏ là khung cảnh tang tóc, đau thương...

>> Vụ 5 phu trầm bị giết: Bắt được 2 nghi can gây án

Qua tìm hiểu từ chính quyền địa phương hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn được biết, trong số 5 người đi tìm trầm bị nhóm bắt cóc giết hầu hết đều là những gia đình thuộc diện hộ nghèo. Trong đó 2 người đã có vợ là anh Trần Văn Trị ở thôn Chay, xã Quảng Sơn có 3 đứa con nhỏ, và anh Trương Thanh Hiền ở thôn Bắc, xã Quảng Minh có 2 con nhỏ.

Ngôi nhà nạn nhân xấu số đầu tiên mà chúng tôi đến là nhà của anh Nguyễn Văn Thắng (44 tuổi, ở thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh). Trong căn nhà xây vội chưa kịp hoàn thiện, cụ bà Hoàng Thị Nhung (93 tuổi-mẹ anh Thắng) đang khóc ngất vì thương đứa con trai xấu số của mình. Trong nỗi đau tột cùng bà cụ chỉ biết gọi tên con và thốt lên câu: "Con trai tui hiền lành, có mần chi ai mô. Nó còn chưa lấy vợ, sinh con mà sao họ nỡ cướp đi tính mạng con tui dã man rứa không biết". Theo lời một người hàng xóm thì năm này qua tháng khác, anh Thắng lặn lội trong rừng sâu tìm trầm với hy vọng đổi đời, có tiền cưới vợ và để phụng dưỡng mẹ già.

Chị Hoàng Thị Hòe chỉ biết ôm 3 đứa con khóc than gọi tên chồng.
Chị Hoàng Thị Hòe chỉ biết ôm 3 đứa con khóc than gọi tên chồng.

Anh Nguyễn Văn Quang (cháu của anh Thắng), một trong những người vừa trực tiếp đi tìm và đưa thi thể của 5 nạn nhân xấu số vừa đỡ cụ Nhung vừa kể: Với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, phải mất một ngày 25 người trong đoàn tìm kiếm chúng tôi mới tìm thấy các anh, các chú ấy trong một hố chôn tập thể. Các vết thương trên mặt, đầu và ngực cho thấy các anh, các chú đã bị bọn chúng dùng cây đánh vỡ đầu, gãy cổ rất dã man. Trên người các anh, các chú còn nguyên dây trói.

Ông Hoàng Minh Hiếu, Trưởng thôn Minh Tiến ngậm ngùi: "Làng tui có đến 297 hộ, 1.504 nhân khẩu, nhưng chỉ có 40ha đất canh tác cả màu lẫn lúa. Thanh niên lớn lên không vào miền Nam kiếm ăn, thì cũng vô rừng tìm trầm cả. Hiện có 80% trai tráng của làng đang ở rừng sâu với nghiệp tìm trầm mà không hẹn ngày về. Bây giờ thêm việc 5 người bị giết chết, người làng chúng tôi hoang mang lắm...

Tại nhà chị Hoàng Thị Mỹ Lệ, vợ nạn nhân Trương Thanh Hiền, ở thôn Bắc, xã Quảng Minh. Ngồi bệt giữa nền nhà ôm hai đứa con nước mắt tuôn trào, chị Lệ cho biết: Thu nhập chính trong gia đình là nhờ chồng. Mỗi năm, chồng chị đi rừng khoảng 5-6 chuyến, mỗi chuyến khoảng 1 tháng. Từ ngày đi tìm trầm đến nay, chỉ có một chuyến đi trúng nhiều nhất được hơn 14 triệu đồng vào năm 2012. Còn lại đa phần chỉ được một vài triệu đồng/chuyến, rồi hòa vốn và lỗ nặng vì tiền mua lương thực, thực phẩm gùi theo đã hết khoảng 5 triệu đồng/chuyến. Giờ chồng mất, chi phí đưa thi thể chồng về mất mấy chục triệu đồng, mẹ con không biết lấy tiền đâu mà trả...

Cụ Hoàng Thị Nhung khóc gọi tên con.
Cụ Hoàng Thị Nhung khóc gọi tên con.

Ông Tâm, một người hàng xóm cũng là họ hàng của chị cho biết thêm, anh Hiền đi trầm đã gần chục năm nay, vận may đổi đời đâu chưa thấy, nay phải mất mạng giữa rừng thiêng, nước độc. Nhìn vào mẹ con chị Lệ, ông Tâm ngậm ngùi nói: Mất chồng, ruộng vườn không có, lại không có nghề nghiệp. Rồi đây không biết nó sẽ lo cho hai đứa nhỏ ăn học bằng cách nào.

Rời xã Quảng Minh, chúng tôi có mặt trong căn nhà nhỏ ở thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn của chị Hoàng Thị Hoè (32 tuổi - vợ nạn nhân Trần Văn Trị). Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà nhỏ và xóm nghèo này. Ngồi trước thềm nhà, ôm ba đứa con nhỏ (lớn nhất học lớp 5, nhỏ nhất đang học mẫu giáo), trong tiếng nấc nghẹn hòa nước mắt, chị Hòe kể: Nhà không có ruộng, cả nhà 5 con người chỉ biết bấu víu vào công việc đi rừng của anh. Anh nói sẽ cố đi trầm vài chuyến để có tiền trả nợ ngôi nhà đang xây dang dở, rồi sẽ ở nhà làm quanh quẩn cho đỡ hiểm nguy. Nhưng chưa kịp thì đã gặp nạn. Giờ anh ấy mất rồi, mẹ con em không biết dựa vào đâu để tiếp tục sống đây.

Ông Hoàng Văn Thuận, Trưởng thôn Tân Sơn, buồn bã nói: Đó như là định mệnh của vùng đất này. Cuộc sống hoàn toàn dựa vào rừng để tồn tại. Anh Trị đã là thợ rừng hàng chục năm nay, nhưng trước đó toàn làm nghề khai thác gỗ trồng ở gần nhà. Ba năm nay mới chuyển qua đi trầm vì rừng trồng khai thác mãi cũng hết. Cả nhà chỉ trông cậy vào sức vóc của anh. Chị Hòe lại bị gai cột sống chỉ làm được việc nhà.

.

                                                                              Nhóm P. V




 

,
.
.
.