.

Khi cán bộ Đoàn khởi nghiệp

Thứ Tư, 27/12/2017, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Chỉ sau ba năm khởi nghiệp, nhờ  phát huy được những thế mạnh kinh tế của địa phương, anh Nguyễn Thanh Tý, Phó Bí thư Đoàn xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh đã trở thành một trong 86 nhà nông trẻ trong toàn quốc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2017.

Sinh ra ở một địa phương thuần nông, cũng như nhiều bạn trẻ khác, tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thanh Tý tìm nhiều nghề để mong ra khỏi lũy tre làng. Thế rồi sau nhiều năm xa nhà theo nghề cơ khí, lái xe công trình, anh lại về quê, lập gia đình và quyết tâm bám ruộng đồng, bởi như anh chia sẻ: “Đi rồi mới nhận ra, không nguồn vốn nào bằng nguồn vốn từ đất quê hương”.

Nghĩ là làm, năm 2014, khi xã có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, Nguyễn Thanh Tý đã đề nghị xã được dồn điền đổi thửa, chuyển đổi toàn bộ đất trồng lúa của gia đình thành một thửa lớn gần 1,5 ha để cải tạo thành vùng sản xuất dưa hấu. Đồng thời, nhận thấy ven sông còn nhiều đất hoang hóa, anh đã mạnh dạn xin xã khai phá mở rộng 1 ha để đào ao thả cá và xây chuồng nuôi 10 con bò cái sinh sản.

Mô hình ruộng, ao, chuồng của anh được chính quyền địa phương và bà con tích cực ủng hộ, bởi đây là mô hình có hướng đầu tư phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế của xã. Đó là phát triển dưa hấu thành cây trồng chủ lực, thành thương hiệu đặc sản của quê hương Hàm Ninh.

Anh Nguyễn Thanh Tý nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2017.
Anh Nguyễn Thanh Tý nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2017.

Nhưng, "vạn sự khởi đầu nan", không chỉ khó khăn về nguồn vốn ban đầu, anh Tý còn thiếu kinh nghiệm trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc quả..., nên những vụ dưa đầu tiên cho sản lượng thấp, chất lượng không như ý, tiêu thụ chậm, bị thương lái ép giá. Dưa bán tại ruộng giá dưới 2.000 đồng/kg, ruộng dưa của Tý liên tục thua lỗ. Song với suy nghĩ lạc quan “vừa làm vừa học”, anh đã không nản lòng.

Anh đưa khó khăn của mình đi học hỏi những bà con trồng dưa có kinh nghiệm trong làng, rồi mày mò lên mạng, đọc sách báo tìm hiểu cách chọn giống, cải tạo đất, trừ sâu bệnh cho ruộng dưa của mình. Sự tìm tòi đó đã thôi thúc Tý thay đổi cách trồng dưa truyền thống.

Và như cá gặp nước, năm 2016, các lớp giảng dạy trồng dưa sạch theo tiêu chuẩn Viet Gap được Sở Khoa học - Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh liên tục tổ chức tại xã. Tý và bà con trồng dưa Hàm Ninh được tập huấn những kiến thức bài bản về “nông nghiệp sạch”, quy trình canh tác, sản xuất thử nghiệm theo quy chuẩn.

Hăng hái với cách làm mới, vụ dưa Viet Gap đầu tiên, 1,5 ha ruộng dưa của Tý cho sản lượng gấp 3 lần so với trước. Những đặc trưng nổi trội của dưa hấu Hàm Ninh dường như được phát huy tối đa. Giá dưa vì thế cũng tăng lên gấp 5-6 lần.

Xác định được hướng đi đúng và miệt mài bám đồng bám ruộng, đến nay, mỗi ha ruộng dưa của anh bình quân mỗi vụ thu hoạch được 21 tấn, thu về hơn 180 triệu đồng. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi ao cá cải tạo từ đất hoang ven sông và đàn bò sinh sản đều đã cho thu hoạch, nâng tổng thu nhập, hàng năm của gia đình lên tới 410 triệu đồng, tạo được việc làm thường xuyên cho 7 lao động và 12 lao động thời vụ.

Nhưng Tý cho rằng, đây chỉ mới là thành quả bước đầu, anh còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là trong việc kết nối, tìm đầu ra bền vững cho dưa hấu để bớt đi trăn trở cho người nông dân và góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản quê hương mình.

Không chỉ nhanh nhẹn trong làm kinh tế, Nguyễn Thanh Tý còn rất năng nổ, nhiệt tình trong vai trò một cán bộ Đoàn. Hơn 3 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi Đoàn thôn Hàm Hòa, năm 2015, anh được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Hàm Ninh.

Cùng với tập thể BCH Đoàn xã, anh đã tích cực vận động đoàn viên thanh niên phát huy sức trẻ làm nhiều việc có ích, đặc biệt là trong thời điểm địa phương đang tập trung cao độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, anh thường xuyên quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ có cùng chí hướng làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ mô hình làm giàu của anh, nhiều thanh niên trong vùng có thêm niềm tin trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại quê nhà.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Như Ngọc, Bí thư Huyện Đoàn Quảng Ninh cho biết: “Là một cán bộ trẻ, song đồng chí Tý là một tấm gương điển hình để thanh niên noi theo, nhất là về tính tiên phong, nỗ lực trong lập thân, lập nghiệp”.

Trở về từ Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2017, Tý ấp ủ dự định mở rộng mô hình của mình và thành lập tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế Hàm Ninh, trong đó tập trung phát triển thương hiệu dưa hấu sạch.

Lê Tâm
(Tỉnh đoàn Quảng Bình)