.

Lệ Thủy: Phát triển kinh tế trang trại gắn với thị trường tiêu thụ

Thứ Hai, 25/12/2017, 09:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện, mô hình kinh tế trang trại được xem là một trong những mũi nhọn, tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương khiến loại hình kinh tế này gặp nhiều khó khăn và thiếu tính bền vững. Hơn lúc nào hết, tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang là đòi hỏi tất yếu.

Toàn huyện Lệ Thủy có hàng trăm mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động, trong đó có 129 mô hình đã được thẩm định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Với quy mô từ một vài ha tới hàng chục ha, các trang trại đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương; khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động; tạo ra sự liên kết trong sản xuất, thu hút vốn nhàn rỗi của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện.

Nhiều trang trại đã tự hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư đẩy mạnh xây dựng chuồng trại đồng bộ, khép kín; áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa lớn và tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, xã Cam Thủy, Lệ Thủy luôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên diện tích gần 8 ha, khu trang trại của ông Hùng được bố trí rất khoa học, chia làm nhiều ao, hồ đủ rộng để nuôi baba, cá giống và cá thịt, các loại cá ông chọn đều có giá trị kinh tế cao.

Ông Hùng cho biết: “Phương châm sản xuất của gia đình tôi là lấy ngắn nuôi dài, “đánh” vào thị hiếu người tiêu dùng, nhu cầu của thị trường. Làm trang trại bây giờ không thể theo lối cũ, không thể sản xuất những sản phẩm đại trà, dễ dàng được, như vậy rất dễ rơi vào cảnh “cung” vượt “cầu”, “được mùa rớt giá”. Đối với thủy sản thâm canh, tôi luôn thả ghép nhiều loại cá trong một ao, hồ  để tận dụng triệt để thức ăn, mặt khác khi xuất bán giá cá loại này sẽ bù loại kia.

Cũng chính nhờ sự linh hoạt trong làm kinh tế trang trại, mô hình của gia đình ông Hùng thời điểm nào trong năm cũng có nguồn thu, trung bình mỗi năm, trang trại mang lại cho khoảng 5 tỷ đồng tiền lãi. Điều quan trọng là những năm gần đây, gia đình ông đã có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm với các đầu mối uy tín trên địa bàn, chỉ sau vài cuộc điện thoại trao đổi về giá cả, sản phẩm là khách mua buôn đã đến tận trang trại thu mua.

Tuy nhiên, trên thực tế, số trang trại làm ăn ổn định và phát triển như gia đình ông Hùng trên địa bàn huyện không nhiều; phần lớn số trang trại còn phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương. Một số trang trại chăn nuôi chưa quan tâm đến việc xử lý chất thải nên còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các trang trại còn hạn chế.

200 triệu đồng là số tiền mà anh Trần Văn Hồng, xã Dương Thủy, Lệ Thủy đang nợ ngân hàng, anh em họ hàng sau hơn 5 năm gắn bó với mô hình kinh tế trang trại. Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại chỉ còn vỏn vẹn 3 con lợn nái và vài con lợn con, anh Hồng buồn bã cho biết: “Trước đây, trang trại của gia đình tôi thường xuyên duy trì chăn nuôi hơn 50 con lợn thương phẩm và hơn chục lợn nái. Tuy nhiên, do không có thị trường tiêu thụ ổn định, nên làm ăn rất bấp bênh. Dù lợn được nuôi đúng quy trình kỹ thuật, cho chất lượng thịt cao, song giá bán lại ở mức thấp khiến gia đình lỗ vốn”.

Anh Hồng chỉ là 1 trong số hàng trăm những trang trại đã và đang phải đứng bên bờ phá sản, trắng tay vì phát triển theo kiểu tự phát, không theo quy hoạch, định hướng rõ ràng của địa phương.

Được biết, thời gian qua, Lệ Thủy đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo đà cho kinh tế trang trại phát triển, như: tập trung rà soát, xác định vùng phát triển cho từng loại hình kinh tế trang trại bảo đảm theo quy hoạch; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển kinh tế trang trại; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại.

Huyện cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích xây dựng các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt an toàn dịch bệnh, chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm an toàn, sạch; phát triển các loại hình liên kết trong tổ chức sản xuất, giữa các hộ chăn nuôi và giữa doanh nghiệp với tổ chức của người chăn nuôi; tăng cường đào tạo, tập huấn đội ngũ quản lý, xã viên các hợp tác xã, hộ cá thể để trở thành người chăn nuôi chuyên nghiệp. UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các mô hình liên kết chuỗi, như: miễn, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm; đầu tư cơ sở giết mổ và chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ, nông sản và hỗ trợ sản xuất lúa giống.

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp căn cơ đã có, thiết nghĩ, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn phụ thuộc suy nghĩ, tầm nhìn của người nông dân, đòi hỏi người nông dân khi phát triển kinh tế trang trại cần gắn với thị trường tiêu thụ.

Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)