.

Lập nghiệp sáng tạo ở xã Hưng Trạch

Thứ Hai, 25/12/2017, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Hưng Trạch là xã miền núi nghèo của huyện Bố Trạch, đời sống nhân dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đa phần thanh niên lựa chọn làm ăn ở phương xa, thì một số ít người trẻ, bằng sự năng động và sáng tạo của mình vẫn quyết tâm gắn bó với mảnh đất quê hương để khởi nghiệp.

Sau 2 năm đi bộ đội và 3 năm học cao đẳng, anh Phạm Văn Khôi đã không ngần ngại trở về quê hương để lập thân, lập nghiệp. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất quê hương, anh biết mình phải làm gì để phát huy lợi thế của vùng đất đồi.

Năm 2012, anh đã mạnh dạn đầu tư trên 300 triệu đồng để san ủi mặt bằng và mở trang trại nuôi lợn rừng, nuôi dê và trồng keo lai. Khó có thể nói hết những khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp, song bằng nỗ lực của bản thân cũng như sự động viên từ người thân, bạn bè, đến nay, trang trại của anh đã bắt đầu cho “quả ngọt”.

Với 5 ha trồng keo (1,5ha đã cho thu hoạch) cùng việc nuôi thêm 50 con dê và khoảng 70 con lợn rừng, mỗi năm trang trại của anh cho thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi trên 80 triệu đồng. Theo anh Phạm Văn Khôi, mong muốn lớn nhất của anh là được vay thêm vốn để tiếp tục đầu tư, mở rộng và xây dựng trang trại theo một quy trình khép kín.

Thanh niên xã Hưng Trạch (Bố Trạch) sáng tạo với các mô hình phát triển kinh tế.
Thanh niên xã Hưng Trạch (Bố Trạch) sáng tạo với các mô hình phát triển kinh tế.

Hiện nay, trên địa bàn xã Hưng Trạch có trên 20 mô hình kinh tế của thanh niên. Nhiều nhất trong số đó là mô hình du lịch cộng đồng. Bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết, lòng đam mê, cũng như việc nắm bắt được định hướng của huyện Bố Trạch trong việc phát triển du lịch, nhiều điểm dừng chân, homestay, farmstay đã lần lượt mọc lên để phục vụ khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Anh Trần Quốc Hoàn, ở  thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch chia sẻ, sau khi đi xuất khẩu lao động Đài Loan, nắm trong tay số vốn khoảng 200 triệu đồng, anh đã tham khảo một số người có kinh nghiệm trong việc làm du lịch cộng đồng để xây dựng điểm dừng chân The Duck Stop phục vụ khách du lịch. Ngoài việc phục vụ ăn uống, điểm dừng chân của anh thực sự thu hút du khách bởi nhiều trò chơi mới lạ, độc đáo, như: cưỡi trâu, chăn vịt, tắm sông... Trung bình mỗi ngày, điểm dừng chân của anh thu hút khoảng 20 khách du lịch nước ngoài thường xuyên lui tới, đem lại thu nhập khoảng 3 triệu đồng.

Ngoài hiệu quả kinh tế, việc thường xuyên được tiếp xúc với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài cũng giúp cho anh Trần Quốc Hoàn và những người trẻ ở Hưng Trạch tiếp thu được nét đặc sắc của các nền văn hóa trên thế giới, đồng thời trau dồi kiến thức ngoại ngữ để đổi mới cách làm du lịch. Anh Liam Ferguson, khách du lịch đến từ New Zealand cho biết: "Đây là lần đầu tiên tối đến với Hưng Trạch, cảnh vật ở nơi đây rất đẹp, nhiều trò chơi cũng rất hấp dẫn. Có cơ hội, tôi sẽ trở lại đây thêm một lần nữa".

Với địa bàn một xã vùng núi, tỷ lệ thanh niên theo công giáo và thanh niên đi làm ăn xa khá đông, việc tập hợp thanh niên rất khó khăn. Đây cũng là một trở ngại lớn trong việc định hướng cho thanh niên lập thân, lập nghiệp trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hương, Phó Bí thư Đoàn xã Hưng Trạch cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền và Đoàn cấp trên tạo cơ chế, chính sách để thanh niên được vay vốn, tập huấn, đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó, những mô hình kinh tế mới đầy sáng tạo và hiệu quả trở thành động lực không nhỏ trong việc góp phần động viên thanh niên trên địa bàn xã Hưng Trạch nói riêng và huyện Bố Trạch nói chung mạnh dạn khởi nghiệp ngay trên chính quê hương mình".

Thành Vinh
(Đài TT-TH Bố Trạch)