.

Xã Hồng Thủy: Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

Thứ Ba, 15/08/2017, 16:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng. Nhiều giống vật nuôi và rau màu mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo số liệu của UBND xã Hồng Thủy, hiện nay, xã có trên 60% số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và trên 70% số hộ tham gia trồng rau màu với diện tích gần 300 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Đông Hải, Thạch Hạ, Mốc Định, An Định...

Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng nhằm tránh tình trạng rớt giá hay dịch bệnh xảy ra. Nhiều giống vật nuôi truyền thống bấy lâu, như: gà, vịt, lợn, bò... được bà con thay thế một phần bằng những loài vật nuôi mới, như: bồ câu Pháp (ông Phạm Minh Nước ở thôn An Định), lợn rừng (anh Phạm Văn Thống ở thôn Thạch Thượng 2), thỏ (anh Lê Văn Vững ở thôn Mốc Định), gà sao (anh Nguyễn Minh Mẫn ở thôn Mốc Định), dê (anh Hồ Văn Đông ở thôn An Định)...

Thời gian qua, nhiều hộ nuôi chim bồ câu ở xã Hồng Thủy đã có được thu nhập cao và ổn định. Do đặc thù địa phương trồng lúa và nhiều loại hạt ngũ cốc, nên phần lớn bồ câu được người dân nuôi thả tự nhiên.

Chính vì vậy, chất lượng chim bồ câu ngon và an toàn, thương lái tìm đến mua khá đông. Đồng thời, các nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn đã thường xuyên đưa các món, như: cháo bồ câu hạt sen, bồ câu rô ti vào thực đơn, nhờ đó, lượng bồ câu cung ứng cho thị trường luôn được tiêu thụ hết và giá thành được tăng cao. Trước đó, giá bồ câu thường dao động từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/cặp thì nay giá bồ câu con dao động từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng/cặp, có thời điểm lên đến 100.000 đồng/cặp.

Chim bồ câu và gà mang lại thu nhập cao cho vợ chồng ông Phạm Minh Nước (Hồng Thủy, Lệ Thủy).
Chim bồ câu và gà mang lại thu nhập cao cho vợ chồng ông Phạm Minh Nước (Hồng Thủy, Lệ Thủy).

Hộ gia đình ông Phạm Minh Nước và bà Nguyễn Thị Xúng ở đội 3, thôn An Định, là tấm gương làm kinh tế giỏi của xã. Hiện tại, gia đình ông Phạm Minh Nước có 2 sào nuôi cá rô đầu vuông, cá trê phi và cá chép; hơn 10 lợn nái sinh sản; trên 300 gia cầm (ngan,vịt, gà ta, gà sao, gà chọi... ) và gần 150 cặp bồ câu.

Ông Phạm Minh Nước cho biết, trung bình mỗi ngày, gia đình ông bán khoảng 3 cặp bồ câu con, thu nhập từ bồ câu mang lại khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Còn các vật nuôi khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng tháng của gia đình ông từ các vật nuôi sau khi trừ chi phí luôn dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, rau xanh cũng đã mang lại cho người dân trong xã nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Với kinh nghiệm trồng rau màu lâu năm và trồng những loại rau màu mới, chất lượng cao, thương hiệu rau xanh Hồng Thủy đã được người dân trong tỉnh và các thương lái tín nhiệm. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, rau màu và hoa của người dân vừa được mùa vừa được giá, tiếp đó vụ ớt tháng 4, tháng 5 đạt năng suất cao, mang lại thêm thu nhập cho nông dân.

Nhiều diện tích trồng lúa được chuyển đổi sang trồng rau màu, nhiều giống rau mới, rau chất lượng cao được bà con trồng thử và xen canh. Đồng thời, các hộ đã tập trung lại trồng theo các vùng chuyên canh, đầu tư lưới che và hệ thống chống mưa nắng. Chính vì vậy, dù mùa hè, nhưng rau màu của người dân luôn xanh tốt và bảo đảm cung ứng cho thị trường.

Nhờ năng suất và chất lượng rau màu cao, nhiều thương lái từ tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến mua và vận chuyển bằng phương tiện ô tô tại vườn, nhờ đó, bà con vừa bán được giá vừa đỡ công vận chuyển đi bán ở các chợ.  Hội Nông dân xã Hồng Thủy thường xuyên đến thực tế từng hộ gia đình để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn những giống mới cho năng suất cao, các phương pháp phòng ngừa sâu bệnh, khuyến khích bà con trồng xen canh các loại rau màu trên cùng một diện tích nhằm tăng thêm thu nhập và tránh mất mùa, rớt giá.

Là một hộ trồng rau lâu năm, chị Nguyễn Thị Nghĩa ở đội 4 thôn An Định cho biết, gia đình chị đã chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau được 4 năm và thấy thu nhập cao hẳn, nhất là rau của chị ngày càng tươi tốt, năng suất cao và bán được giá cao. Chị cũng cho biết, so với trồng lúa bấy lâu thì trồng rau thời gian ngắn hơn và mang lại thu nhập nhanh hơn, cao hơn. Sắp tới, chị sẽ lựa chọn giống và gia cố mái vườn để trồng các loài rau màu phù hợp với vụ đông - xuân.

Bà con xã Hồng Thủy có được nguồn thu nhập ổn định và bền vững là nhờ biết chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Các hộ còn tích cực trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt kỹ thuật nuôi trồng. Về rau màu, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, xây dựng thương hiệu rau sạch, rau an toàn, nâng cao chất lượng các loại rau, đa dạng thời gian trồng và thu hoạch, nhất là rau quả trái vụ.

Đồng thời, bà con trên địa bàn mong muốn tạo ra sự liên kết giữa những hộ trồng rau màu để tạo vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và BasicGAP có quy mô lớn hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Hà Minh Điền