.

Để mô hình tổ hợp tác phát triển bền vững

Thứ Sáu, 11/08/2017, 14:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Xuất phát từ nhu cầu thực tế về sản xuất kinh doanh, mô hình tổ hợp tác (THT) ra đời đã bước đầu thực hiện liên kết nông dân và thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để hoạt động bền vững và có khả năng thích ứng với thị trường, các THT cần có chiến lược nâng cấp để vận hành tốt hơn, giúp các thành viên nâng cao năng lực về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Những năm gần đây, tỉnh ta xuất hiện nhiều chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng tạo thu nhập và việc làm cho người nông dân, đặc biệt là đối với địa bàn vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Trên địa bàn tỉnh hiện có 514 THT được Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh (SRDP) hỗ trợ thành lập. Các THT được chia thành 8 nhóm sản xuất kinh doanh, gồm: cây hàng năm, cây lâu năm và lâm nghiệp, gia súc, gia cầm, ong, nấm, tiểu thủ công nghiệp và chăn nuôi khác. Hoạt động chung của các THT là mua chung đầu vào, sản xuất theo quy trình chung, họp nhóm và giúp nhau sản xuất thông qua hình thức đổi công, trao đổi dụng cụ sản xuất. Bình quân mỗi THT có từ 3 đến trên 20 thành viên.

 

 

 

 

 

 

 

 

Sản phẩm của các tổ hợp tác đã có mặt tại nhiều hội chợ và được người tiêu dùng tín nhiệm.

Theo số liệu khảo sát từ Hội Nông dân tỉnh, trong số 514 THT có 4 THT loại 1 (đạt 8/8 tiêu chí), 48 THT loại 2 (5 đến 7 tiêu chí) và 462 THT loại 3 (1 đến 4 tiêu chí). Mức đóng góp của các thành viên tham gia vào THT để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh khoảng 5 triệu đồng/hộ. Trong số các THT có 33,6% THT có quỹ hoạt động để chi trả các chi phí chung và phụ cấp cho BQL THT. Tỷ lệ THT có nguồn quỹ xoay vòng cho tái sản xuất là 29,8%. Hiện tại, rất ít THT có quỹ tín dụng để cho các thành viên vay thực hiện sản xuất kinh doanh do khả năng huy động vốn dài hạn còn hạn chế.

Tính theo từng lĩnh vực, có 91% THT trong nhóm gia cầm loại 2 có quỹ hoạt động và quỹ xoay vòng do THT vận hành tốt và thời gian quay vong vốn ngắn. Tỷ lệ THT có quỹ xoay vòng ở nhóm cây hàng năm loại 2 chiếm từ 61% đến 67%. Phần lớn THT có quỹ hoạt động bình quân từ 2 đến 4 triệu đồng và quỹ xoay vòng từ 30 đến 60 triệu đồng, trong đó cao nhất là nhóm THT gia súc loại 2 có quỹ hoạt động bình quân 8 triệu đồng và số tiền xoay vòng bình quân 96 triệu đồng do chi phí mua bò giống đầu vào cao. Qua tìm hiểu thực tế về kế hoạch sản xuất kinh doanh của các THT cho thấy, có 19 THT có định hướng phát triển thành HTX để sản xuất kinh doanh với quy mô lớn hơn.  

THT chăn nuôi gà kiến thả vườn thôn Thanh Sơn 2 (xã Thái Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) được xem là một trong những THT tiêu biểu của tỉnh. Trò chuyện với phóng viên, chị Nguyễn Thị Bích, Tổ trưởng THT này cho hay, THT có 14 thành viên, trong đó có 12 thành viên nữ và 4 thành viên nữ làm chủ hộ. Trước đây, các thành viên chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ để lấy thịt phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của nhân dân trên địa bàn. Đến cuối năm 2015, được sự hỗ trợ về kinh phí và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của Dự án SRDP tỉnh, các thành viên THT đã họp bàn, cùng nhau xây dựng phương án sản xuất kinh doanh dài hơi. THT cũng đã ký hợp đồng liên kết cung ứng giống và thu mua sản phẩm với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của THT đã có bước phát triển vượt bậc.

THT sản xuất nông nghiệp thị xã Ba Đồn ra quân khơi thông kênh mương nội đồng chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
THT sản xuất nông nghiệp thị xã Ba Đồn ra quân khơi thông kênh mương nội đồng chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Với tổng số tiền trên 400 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Dự án SRDP và nguồn đóng góp từ các thành viên, THT chăn nuôi gà kiến thả vườn thôn Thanh Sơn 2 đã triển khai tu sửa và xây dựng mới 14 chuồng trại khá hiện đại để đưa vào nuôi gà với số lượng lớn. Bình quân mỗi năm, các thành viên THT đưa vào nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa nuôi và xuất bán khoảng 3.000 con với tổng thu nhập 380 triệu đồng/lứa. Nhờ nguồn thu nhập từ chăn nuôi gà với quy mô lớn, kinh tế gia đình của các thành viên THT được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 3 hộ cận nghèo của THT đã vươn lên hộ khá, 2/5 hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững. Hiện tại, THT đã đi vào hoạt động nền nếp, các thành viên hoàn toàn thay đổi tư duy chăn nuôi theo hướng hiện đại, đầu ra sản phẩm ổn định bằng phương thức kết nối làm ăn với các doanh nghiệp. Theo kế hoạch đến cuối năm 2017, THT sẽ kết nạp thêm 20 thành viên mới, mở rộng quy mô chăn nuôi lên 400 con/hộ nhằm tăng khả năng cung ứng sản phẩm gà kiến cho thị trường tiêu thụ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, mới đây, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với BQL Dự án SRDP tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá năng lực hoạt động và đề ra kế hoạch chiến lược phát triển bền vững cho các THT vùng mục tiêu dự án SRDP tỉnh. Trên cơ sở hiện trạng của các THT, các kế hoạch, chiến lược nâng cấp tổ chức và vận hành THT trong giai đoạn tiếp theo được đề ra, như: công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, củng cố tổ chức, tư vấn vận hành, tư vấn thành lập HTX... Theo đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với Dự án SRDP tổ chức tập huấn về quy trình thành lập HTX, kỹ năng xây dựng phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh của THT, việc liên kết, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp đầu vào và chịu trách nhiệm về đầu ra sản phẩm, xây dựng và quản lý vốn quỹ, tài sản chung của THT. Sau khi giúp các THT xây dựng được quy chế quản lý phù hợp với lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh, Hội Nông dân tỉnh và Dự án SRDP tỉnh sẽ hỗ trợ 30 THT có nhu cầu thực hiện các thủ tục trong quá trình thành lập HTX.

Hiền Chi