.

Ngư dân vào vụ cá nam

Thứ Tư, 12/04/2017, 16:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Lão ngư Nguyễn Văn Hiếu (Bảo Ninh TP.Đồng Hới) thắp xong 3 thẻ hương lên bàn thờ đặt trên đài tàu, liền khoát tay ra hiệu tháo dây neo cho chiếc tàu công suất 650CV dẫn đội tàu 6 chiếc tiến ra cửa sông Nhật Lệ, mở đầu cho chuyến ra khơi đánh bắt vụ cá nam năm nay.

Qua câu chuyện với bà Lê Thị Lai, vợ chủ tàu Nguyễn Văn Hiếu được biết, đây là chuyến mở đầu cho vụ cá nam nên gia đình ông bà chuẩn bị rất chu đáo. Ông bà đã đầu tư gần 50 triệu đồng phục vụ hậu cần cho chuyến đi biển này với 10 thành viên trên tàu.

Ngư dân chuẩn bị ra khơi.
Ngư dân chuẩn bị ra khơi.

Trong đó, tiền dầu và các phụ kiện máy móc là 25 triệu đồng, tiền mua gạo và thực phẩm 20 triệu đồng, các khoản khác 5 triệu đồng. Số tiền này gia đình bà không phải đi vay mượn như các chuyến khác, mà được lấy từ khoản tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển chi trả cho tàu của gia đình.

Tổ đoàn kết của ông Hiếu gồm 6 tàu đánh bắt xa bờ, ngoài tàu của ông Nguyễn Văn Hiếu (tổ trưởng) còn có các chủ tàu: Hoàng Quang Hải, Đinh Văn Hữu, Nguyễn Văn Lý, Hoàng Quang Tý, Hoàng Tấn Đông. Ngư trường truyền thống của tổ là ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ và vùng quần đảo Hoàng Sa.

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết, vụ cá nam được xem là vụ đánh bắt chính của ngư dân trong tỉnh. Vụ cá nam bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 8 hàng năm. Hoạt động đánh bắt cá được tiến hành quanh năm, nhưng sản lượng vụ cá nam chiếm đến 70% tổng sản lượng đánh bắt cả năm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, cho hay, toàn xã có 3.172 lao động trực tiếp trên biển với 469 tàu, trong đó 251 tàu công suất dưới 90CV với 690 lao động chuyên đánh bắt gần bờ, thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng và 218 tàu đánh bắt xa bờ với 2.482 lao động thu nhập 12-15 triệu đồng/người/tháng.

Thời điểm này, xã chưa tổng hợp được con số cụ thể sản lượng của 3 tháng đầu năm 2017, nhưng thực tế cho thấy, có những chuyến biển ngư dân trúng cá bạc má, trích, mực ống..., mang lại doanh thu khá cao. Lượng cá xuất bán ra ngoài tỉnh cũng cao hơn năm trước. Các nghề lưới vây, lưới 3, lưới 4 mang lại hiệu quả nên bà con đang tập trung vào các loại lưới này.

Không chỉ xã Bảo Ninh, mà ngư dân trong tỉnh, trong đó có xã Đức Trạch (Bố Trạch) cũng làm lễ xuất quân đánh bắt vụ nam trong không khí phấn khởi, vui tươi. Mới đây, chúng tôi về làng biển Đức Trạch, là địa phương có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh ta, gồm có 257 tàu cá có công suất từ 90 đến 800CV, với tổng công suất gần 92.300CV. May mắn, chúng tôi đã gặp ngư dân Võ Văn Luyến, chủ tàu QB 9231 (công suất 295CV), hành nghề lưới vây.

Ông kể, gia đình ông hiện có 3 thế hệ đang bám biển, riêng ông suốt 25 năm gắn bó với Hoàng Sa, ông thuộc lòng từng đàn cá, từng mùa trăng ở đây. Đi biển hiện nay sướng hơn trước đây rất nhiều, tàu được trang bị đầy đủ thiết bị dò cá, định vị vệ tinh, được hỗ trợ tiền bảo hiểm, tiền dầu... Đời xưa, khi chưa có tàu trang bị máy đẩy, ngư dân trong xã đã đưa những chiếc thuyền chạy bằng buồm ra Hoàng Sa đánh cá. Ngư trường này ngư dân Đức Trạch thuộc như lòng bàn tay, cứ nhìn ánh trăng và hướng gió mà đi, không bao giờ bị lạc.

Trước đây, mỗi chuyến đi biển dài trên 30 ngày, nay rút xuống 20-25 ngày. Tàu ông xuất phát từ cửa Gianh ra Hoàng Sa chạy liên tục mất 4 ngày, 4 đêm là đến; nếu xuất phát từ cảng Thuận Phước (Đà Nẵng) sẽ rút ngắn được một ngày, một đêm. Từ năm ngoái, khi xảy ra sự cố môi trường biển, tàu của ông không về quê mà chủ yếu cập cảng Đà Nẵng và sản phẩm cũng tiêu thụ trong đó.

Lần này, ông đưa tàu về Bố Trạch sửa chữa và chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cho chuyến biển Hoàng Sa. Bình quân mỗi năm, tàu ông tham gia 11 chuyến biển xa, thu nhập đủ trang trải, trả lương cho người lao động từ 8-12 triệu đồng mỗi chuyến biển.

Ngư dân Thanh Trạch, Bố Trạch được mùa biển.
Ngư dân Thanh Trạch, Bố Trạch được mùa biển.

Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết, từ khi có chủ trương khuyến khích ngư dân đầu tư tàu công suất lớn, đánh bắt ngư trường xa theo Nghị định 67, ngư dân Đức Trạch đã đón đầu chủ trương này, mạnh dạn đầu tư tàu lớn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Xã Đức Trạch đã thành lập được 5 tổ hợp tác và 37 tổ đoàn kết trên biển. Hàng năm, tổng sản lượng đánh bắt hải sản của xã đạt 8.000 tấn, trong đó có 65% số sản phẩm là mực ống, cá thu, cá hố và một số loại hải sản khác có giá trị kinh tế cao.

Chúng tôi gặp ông Phan Văn Vui, chủ tàu QB 8645 công suất 650CV được  biết, từ sau Tết Đinh Dậu, tàu của ông và một số tàu khác trong địa phương trúng nhiều loại cá. Ông cho biết, ngư dân bây giờ sử dụng nhiều loại lưới, nhưng nghề lưới cước đánh đủ thứ cá. Trong các chuyến biển vừa qua, chủ yếu tàu của công ty đánh được cá trích, cá ngân, cá bạc má...Thời điểm đầu năm, giá cá đã tăng đáng kể so với cuối năm, nên ngư dân có thêm thu nhập.

Hiện tại, 1 kg cá trích có giá từ 15.000 đến 18.000 đồng, cá ngân có giá từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, cá bạc má từ 65.000 đến 85.000  đồng, mực ống trên 100.000... giá cả tăng gần gấp rưỡi so với cuối năm 2016. Ngoài ra, một số ngư dân hành nghề thúng câu, cũng có thu nhập từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/đêm...

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, sau sự cố môi trường biển, bà con ngư dân đã dần khôi phục lại đánh bắt và nuôi trồng. Tin vui đến với bà con ngư dân là các tháng đầu năm 2017, tàu thuyền đánh bắt gần bờ cũng như xa bờ đều đạt sản lượng khá. Sản lượng khai thác biển ước 8.975 tấn, chỉ giảm 1,8% so với cùng kỳ (là thời điểm chưa xảy ra sự cố môi trường biển). Hiện nay, nhiều sản phẩm hải sản được tiêu thụ thuận lợi hơn do người tiêu dùng đã giảm bớt tâm lý e ngại, nhờ đó hoạt động đánh bắt hải sản đang dần trở lại bình thường.

Trọng Thái