.

Lệ Thủy: Hiệu quả kinh tế từ cây nghệ vàng

Chủ Nhật, 23/04/2017, 21:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Lệ Thủy đã sử dụng diện tích đất vườn để trồng nghệ vàng. Đây là loại cây đem lại nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tại Lệ Thủy, cây nghệ vàng đang trở thành nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến. Với diện tích trên 100ha trồng tập trung ở các địa bàn, vùng gò đồi, như: Mai Thủy, Dương Thủy, Trường Thủy, Phú Thủy, Thái Thủy, Tân Thủy..., cây nghệ vàng không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Sự ra đời và đi vào hoạt động có hiệu quả của các cơ sở chế biến tinh bột nghệ trên địa bàn đã góp phần quan trọng tiêu thụ mỗi năm hàng chục tấn củ nghệ tươi cho nông dân, tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ có giá trị cao trên thị trường trong và ngoài huyện.

So với những năm trước, năng suất nghệ vàng ngày càng được cải thiện, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Nghệ vàng được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, vốn đầu tư ít, phù hợp với thời tiết khắc nghiệt và điều kiện kinh tế nông hộ ở huyện Lệ Thủy.

Tuy nhiên, diện tích nghệ trên địa bàn vẫn chủ yếu là được trồng ở vườn nhà, chưa hình thành vùng tập trung. Đối với cơ sở chế biến, máy móc vẫn thô sơ nên sản phẩm tinh bột nghệ vẫn chưa đáp ứng được thị trường xuất khẩu.

Bởi vậy, quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh phù hợp, đồng thời chú trọng đầu tư công nghệ chế biến tinh bột nghệ là những vấn đề đặt ra hiện nay cần các ngành chức năng phải tính toán.

Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)