.

Thái Thuỷ: Canh chừng "giặc lửa" để giữ rừng

Thứ Năm, 20/04/2017, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã Thái Thuỷ (Lệ Thủy) có diện tích tự nhiên hơn 5.700 ha, trong đó rừng trồng là 3.439 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích. Đây là xã vùng bán sơn địa, diện tích đất lâm nghiệp chiếm đa số nên công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng được chính quyền địa phương quan tâm, nhất là vào mùa khô.

 

 Xã Thái Thủy chú trọng các hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng.
Xã Thái Thủy chú trọng các hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng.

Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng xã Thái Thủy Trần Đức Phong cho biết, do đặc điểm địa hình chủ yếu là gò đồi, giao thông đi lại khó khăn nên khi có cháy rừng, công tác huy động lực lượng, phương tiện ứng phó chậm.

Vì thế, từ nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương rất chú trọng công tác quản lý bảo vệ, PCCC rừng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhân dân Thái Thuỷ luôn xác định công tác bảo vệ và PCCC rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Tất cả các thành viên Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng của xã cũng như các hộ gia đình trong địa bàn đều được phân công trách nhiệm cụ thể để bảo đảm cho công tác bảo vệ và PCCC rừng của địa phương được thực hiện tốt nhất.

Trên địa bàn xã chủ yếu là rừng trồng, diện tích tiếp giáp với nhiều địa phương khác, do đó khi xảy ra cháy rừng thì ngay lập tức có sự phối hợp giữa các thôn và giữa xã Thái Thuỷ với các xã lân cận, như: Văn Thuỷ, Sen Thuỷ, Dương Thuỷ, Mỹ Thủy..., kể cả huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị.

Bước vào mùa khô năm nay, trên cơ sở nhận định thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao, nên chính quyền địa phương đã chỉ đạo kiện toàn các tổ đội bảo vệ rừng, thực hiện các nội quy, quy chế của xã đề ra; đồng thời phối hợp với các xã lân cận trong lĩnh vực bảo vệ rừng và PCCC rừng. Theo đó, khi có cháy rừng xảy ra, mỗi tổ chức, cá nhân, chủ rừng phải thông báo kịp thời cho lực lượng PCCC của thôn biết để huy động lực lượng xử lý.

Nếu đám cháy xảy ra rộng thì phải báo cáo ngay cho Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng của xã biết để chỉ huy, phối hợp huy động lực lượng và phương tiện ứng cứu. Khi có thông tin cháy rừng ở vị trí nào, các tổ PCCC dùng hiệu lệnh trống đã được quy định để báo động lực lượng chữa cháy, đồng thời huy động mọi lực lượng và phương tiện tại chỗ để tham gia chữa cháy kịp thời.

Sau khi chữa cháy xong, các tiểu ban PCCC, chủ rừng và các tổ chức có liên quan lập biên bản thống kê diện tích rừng bị cháy, mức độ thiệt hại, điều tra làm rõ nguyên nhân, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả do cháy rừng xảy ra.

Mỗi người dân, hộ trồng rừng phải luôn nâng cao ý thức bảo vệ và PCCC rừng, xem lợi ích của việc giữ rừng không chỉ của địa phương mà còn là của mỗi người dân. Ông Lê Văn Thế ở thôn Minh Tiến cho biết: “Gia đình tui có gần 20 ha rừng trồng, chúng tôi luôn chuẩn bị mọi phương tiện, dụng cụ, huy động rựa, xẻng, thùng, xô... trong nhà và chuẩn bị phương án để lỡ khi có hoả hoạn thì dễ dàng ứng cứu kịp thời”.

Cũng theo ông Trần Đình Phong, khó khăn nhất trong thực hiện công tác PCCC rừng của Thái Thủy là địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống rải rác theo từng cụm ở 7 thôn, phương tiện, dụng cụ chữa cháy thiếu và yếu. Vì thế, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân là vấn đề mấu chốt để giữ rừng không bị cháy.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy Thái Thủy đã làm tốt điều này bởi hầu như không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Điều đáng ghi nhận nữa là Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng của xã đã đề ra các phương án chỉ đạo cụ thể, phân chia rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức và các chủ rừng, nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, PCCC rừng. Đồng thời, xã xây dựng phương án bảo vệ và PCCC rừng cụ thể theo đặc điểm tình hình và linh động trong từng thời điểm khác nhau, trên cơ sở thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ.

Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy cho biết: “Những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng của Thái Thủy thời gian qua rất cần được biểu dương. Điều này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ và nhân dân địa phương; đồng thời cho thấy sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Huyện uỷ, UBND huyện cũng như các cấp ngành và Hạt Kiểm lâm... trong việc hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí, kế hoạch chăm sóc, bảo vệ và PCCC rừng”.

Nguyễn Hoàng