.

Để du lịch Việt Nam "cất cánh" từ Kong: Skull Island

Thứ Sáu, 17/03/2017, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Phim giải trí bom tấn Kong: Skull Island đang đưa hình ảnh Việt Nam trở thành tâm điểm toàn cầu tại phòng vé của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo hiệu ứng rất tốt với thế giới. Bộ phim có 80% hình ảnh được quay ở Việt Nam, 20% còn lại quay ở Hawaii (Hoa Kỳ) và Australia. Rồi bộ phim cũng qua đi như bao bộ phim khác, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn để tạo ngõ ra với đại chúng toàn cầu tốt hơn bây giờ.

Về mặt thương mại, không một hãng phim nào ở kinh đô điện ảnh Hollywood lại có thể tặng không một quốc gia 2 video clip đặc biệt ra toàn cầu, nhưng với Warner Bros dành cho Việt Nam như một hiện tượng ngoại lệ trong lịch sử phim ảnh của hãng mà không tính bất cứ chi phí nào. 2 video clip này đưa những hình ảnh của Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long hết sức tiêu biểu và đẹp đến “huyền thoại”.

Thung lũng Tú Làn xuất hiện trong phim “Kong: Skull Island”. Warner Bros.
Thung lũng Tú Làn xuất hiện trong phim “Kong: Skull Island”. Warner Bros.

Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn bộ phim “Kong: Skull Island”, cho biết phải quay bộ phim này ở Việt Nam vì đã đến đây vài lần và không giống như người ta nói nơi này là đất nước chiến tranh: “Ngay khi đặt chân đến đây, tôi đã phải thốt lên rằng “Chúng ta phải quay phim ở đây”, nó như một thế giới hoàn toàn khác và thật bất ngờ, thế giới đó tồn tại ngay đây, trong cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây".

Đấy là do “hữu xạ tự nhiên hương” mà hãng phim tìm đến, hết “Kong: Skull Island”, Việt Nam ngoài sinh cảnh đẹp tuyệt vời mà diễn viên, nhà sản xuất, đạo diễn... khen ngợi thì còn những gì để thu hút hàng trăm hãng phim trên thế giới?

Nhìn qua Campuchia, năm 2015 họ nỗ lực tạo điều kiện chính sách thuế cho 67 bộ phim nước ngoài đến quay, trong đó có nhiều phim “bom tấn”. Năm 2016, có 100 bộ phim của các nước từ Mỹ, Pháp, Đức, Ấn Đô... đến hoàn thiện các cảnh quay. Thái Lan là một đất nước có nhiều thắng cảnh và việc biến phim ảnh thành thiên đường quảng bá hình ảnh quốc gia được Thái Lan làm rất chuyên nghiệp.

Luật điện ảnh của nước này cho phép chính phủ hỗ trợ 15% kinh phí sản xuất với những bộ phim nước ngoài có ngân sách từ 1,5 triệu USD, hỗ trợ 3% chi phí khi có diễn viên Thái trở thành nhân vật chính của phim nước ngoài quay tại Thái Lan, hỗ trợ 2% bất cứ phim ảnh nào góp phần nổi bật Thái Lan ra với nước ngoài.

Trong “bom tấn” chuẩn bị ra mắt của phần phim điệp viên 007 có tên: “James Bond 24 Spectre”, Mexico mạnh tay chi 14 triệu đô để hãng Sony Pictures bấm máy tại đất nước này nhằm quảng bá hình ảnh ra toàn cầu qua hệ thống phòng chiếu 180 quốc gia và vùng lãnh thổ khi phim phát hành. Với “Kong: Skull Island”, Mỹ giảm 25% thuế, Australia giảm 16,5% thuế, luật nước này còn cho phép giảm 30% sắc thuế nếu các bộ phim nước ngoài hoàn thiện hậu kỳ bên trong lãnh thổ của họ.

Đổi lại những chính sách ưu đãi đó là hàng trăm bộ phim vào Thái Lan, Campuchia, Mỹ... Các nước trong khu vực Đông Nam Á, như: Malaysia, Singapore, Philippine cũng áp dụng chính sách tốt cho điện ảnh dẫn đến hiệu ứng trong phát triển du lịch, văn hóa. Thái Lan đã mời các hãng phim thực hiện những phim lớn, hành động nghẹt thở trên các đảo, bãi biển..., nhờ đó, đã tạo hiệu ứng khi hàng chục triệu du khách đến xem bản gốc đời thực của các thước phim, từ đó hàng triệu việc làm bản địa được định hình phục vụ du khách một cách bền vững.

Việt Nam từng có một số bộ phim nước ngoài đến nhưng rồi hiệu ứng cũng tan biến theo. Chỉ đến khi “Kong: Skull Island” quyết định bấm máy, hình ảnh Việt Nam được kích hoạt ra với đại chúng thế giới thông qua hệ thống truyền thông bài bản của hãng phim. Nhưng, đó là theo cách “tự nhiên hương”, Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để vẻ đẹp bên trong lãnh thổ được phổ cập mạnh mẽ với quốc tế.

Cảnh quay ở bãi đá Yên Phú (Trung Hóa, Minh Hóa) trong phim “Kong: Skull Island”.
Cảnh quay ở bãi đá Yên Phú (Trung Hóa, Minh Hóa) trong phim “Kong: Skull Island”.

Ngoài cảnh đẹp kỳ vĩ, chính sách thuế về nhập khẩu máy móc sản xuất điện ảnh, tạo điều kiện nhập cảnh cho các diễn viên, ekip theo đoàn, hỗ trợ những hãng phim đầu tư các dự án phim lớn bằng giảm thuế hay tạo thông thoáng phục vụ chắc chắn sẽ đưa lại hiệu ứng tích cực, từ đó hình ảnh Việt Nam ngày càng phổ cập rộng rãi với đại chúng toàn cầu. Đã đến lúc cần biết mời các hãng phim với phong cách phục vụ hơn là đợi hãng phim cử người đi tìm kiếm.

Từ năm 2016, khi “Kong: Skull Island” quay xong, nay ra mắt khán giả, chưa dự án phim “bom tấn” nào hứa hẹn đến dày đặc như Thái Lan hay Campuchia. Bộ phim rồi cũng lắng xuống để phim ăn khách khác trình chiếu, cái tên Việt Nam trên màn bạc cũng chùng lại. Nếu chính sách thu hút các dự án hàng trăm triệu đô mỗi bộ phim không được chú trọng, cơ hội sẽ khó đến trong một thế giới đầy sức cạnh tranh tiếp thị hình ảnh quốc gia ra với toàn cầu.

Khi hình ảnh quốc gia được bảo chứng qua mỗi bộ phim, nó là tâm điểm đón khách du lịch, là công ăn việc làm, là sự ổn định, kéo theo phát triển bền vững.

Minh Phong