.

Bất cập trong kiểm soát nông sản ngoại tỉnh - Kỳ 1: Nhập nhằng nguồn gốc, xuất xứ

Thứ Tư, 15/03/2017, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Do tính mùa vụ của sản xuất rau, củ, quả tại tỉnh ta để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, hàng năm các tiểu thương trong tỉnh vẫn nhập về một lượng lớn các loại nông sản này từ các vùng miền khắp cả nước và nước ngoài, chủ yếu phục vụ tại thành phố và khu vực tập trung dân cư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các loại thực phẩm nhập về không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất đáng lo ngại đối với sức khoẻ người tiêu dùng.Vì vậy, vấn đề đặt ra là công tác quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) rất cần được quan tâm và kiểm soát.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Nông Nghiệp và PTNT, tỉnh ta hiện có khoảng 5.500 ha diện tích gieo trồng các loại rau, hằng năm cung cấp cho thị trường trong tỉnh hơn 50.000 tấn các loại. Song, lượng rau, củ này chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, 30% còn lại (khoảng trên 12.500 tấn) phải nhập từ ngoại tỉnh. Riêng diện tích cây ăn quả tỉnh ta khoảng trên 3.000 ha, sản lượng cung cấp hằng năm gần 20.000 tấn. Lượng quả này cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản lấy mẫu rau, củ, quả kiểm tra giám sát chất lượng.
Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản lấy mẫu rau, củ, quả kiểm tra giám sát chất lượng.

Chợ Đồng Hới được xem là chợ đầu mối của thành phố về tất cả các mặt hàng, trong đó có cả mặt hàng rau, củ, quả (trái cây). Theo tìm hiểu, hàng ngày các xe vận tải khách, xe chuyên chở nông sản từ Bắc vào Nam và ngược lại đều trả hàng cho tiểu thương tại địa điểm cầu Dài (đầu đường Hương Giang), sau đó các tiểu thương đưa nguồn hàng này vào chợ. Từ các hộ tiểu thương bán sỉ, hàng chục mối bán lẻ từ khắp nơi đến đây để lấy hàng về bán. Các loại rau, củ, quả ngoại tỉnh được nhập về trên địa bàn tỉnh quanh năm, đa dạng và phong phú về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ.

Về rau, củ chủ yếu các loại nguồn gốc ôn đới, tập trung 2 nguồn từ  Đà Lạt, các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc. Về quả gồm các loại nguồn gốc nhiệt đới, như: chuối, dứa, dưa hấu, chôm chôm, sầu riêng, táo chua, xoài, thanh long, nho, nhãn... nguồn gốc cận nhiệt đới, ôn đới có táo, lê, vải; các loại quả của cây có múi, như: cam, quýt, bưởi, nguồn gốc các tỉnh phía Bắc và phía Nam.

Chị Hà Thị Lơn, một trong những chủ cửa hàng kinh doanh nông sản lớn tại chợ Đồng Hới thẳng thắn cho biết, thời điểm từ tháng 1 đến tháng 6 dương lịch, hầu hết nông sản được nhập về là hàng của các tỉnh, thành trong nước, như: Hải Dương, Đà Lạt, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Định... Từ tháng 6 trở đi, các loại củ, quả trái mùa (bí đao, bí đỏ, cà rốt, khoai tây, bắp cải, gừng, hành...) đa phần được lấy từ các chủ hàng ở các tỉnh phía Bắc. “Nguồn hàng nông sản chủ yếu do các chủ đầu mối thu mua và gửi về nên thực sự để xác định rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ là rất khó, buôn bán chỉ tin tưởng nhau là chính...”, chị Lơn bày tỏ.

Qua trao đổi thêm với một số tiểu thương kinh doanh nông sản tại chợ Đồng Hới được biết, lâu nay hình thức mua bán mặt hàng nông sản chỉ giao dịch, thỏa thuận trên điện thoại và thông qua dịch vụ chuyển khoản cho các chủ hàng mà không có các giấy tờ liên quan (hóa đơn, chứng từ).

Điều đáng nói, các tiểu thương cũng chỉ quan tâm về giá cả, mẫu mã của sản phẩm rau, củ, quả mà ít quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa hay các giấy tờ chứng nhận bảo đảm ATTP. Quan sát tại các ki ốt kinh doanh sỉ hàng nông sản tại chợ, điều dễ nhận thấy là sản phẩm rau, củ nhập về thường chỉ đóng gói vào bao tải hoặc bao nilông rất sơ sài, đơn giản và không hề có nhãn mác. Các tiểu thương bán lẻ sau khi mua lại thì “tút tát” cho rau, củ, quả mướt mát rồi mới bày bán. Vì vậy, khi nông sản đến tay người tiêu dùng thì việc truy hỏi nguồn gốc, xuất xứ được các tiểu thương trả lời khá mù mờ và nhập nhằng. 

Điều này không riêng đối với mặt hàng rau, củ mà tại các quầy bán hàng trái cây, khi được hỏi, đa số các tiểu thương đều trả lời một cách chủ quan, về việc rõ hay không rõ nguồn gốc của những mặt hàng trái cây mà họ đang bày bán. Ra chợ những ngày này, người tiêu dùng dễ dàng thấy những quả quýt   tươi nguyên, tròn trĩnh và ngọt lịm (loại nhỏ bằng quả quất), hay những loại táo (người dân hay gọi là táo tàu), cam sành, quýt đường có giá từ 35.000- 40.000đ/kg được các tiểu thương giới thiệu là cam, quýt, táo đang vào mùa, vừa ngon lại rẻ và không ít người tiêu dùng đã bị qua mặt về xuất xứ, nguồn gốc và chất lượng của nó.

Tại một số cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu và các siêu thị như: Co.opmart Quảng Bình, Thế Anh, Mẹ Kây..., các loại hoa quả nhập khẩu có nguồn gốc chủ yếu từ Australia, New Zealand, Mỹ, Chile... Giá của các mặt hàng hoa quả tại đây khá cao nên sức mua còn dè dặt...

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, tiểu thương bán hoa quả tại chợ Đồng Hới chia sẻ, trước đây, các tiểu thương chỉ bán trái cây nội địa, như: dừa, xoài, vú sữa, thanh long..., cùng một số loại lê, táo, nho nhập về từ Trung Quốc. Nhưng, khoảng 2 năm trở lại đây, tại nhiều quầy trái cây, tiểu thương đã lấy các loại trái cây cao cấp, như: táo Mỹ, nho Mỹ... về bán, trong đó phổ biến là táo Mỹ, có giá bán giao động khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.

Mặc dù được tiểu thương các chợ giới thiệu là hàng nhập khẩu cao cấp nhưng loại trái cây này cũng nằm lăn lóc chung trên các kệ với các loại trái cây khác. Điểm phân biệt duy nhất để người tiêu dùng nhận biết loại trái cây nhập khẩu là được dán miếng tem nhỏ, ngoài ra, khó tìm được thêm “dấu hiệu” rõ ràng để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Theo chị Ngô Thị Kim Dung, chủ cửa hàng Mẹ Kây (chuyên bán hoa quả nhập khẩu, rau củ quả sạch), đối với các loại trái cây nhập khẩu do đặc thù đóng gói, vận chuyển và cung cấp cho các nhà phân phối bán lẻ trong thời gian kéo dài nên các cửa kinh doanh mặt hàng này thường phải bảo quản hoa quả trong tủ làm mát. Thêm vào đó, mỗi loại trái cây lại có một đặc điểm riêng (chủng loại, kích cỡ), cho dù có bảo quản kỹ chúng trong kho mát, thì vẫn có hạn dùng nhất định.

Khu vực buôn bán sỉ mặt hàng rau, củ được nhập về từ các nơi tại chợ Đồng Hới.
Khu vực buôn bán sỉ mặt hàng rau, củ được nhập về từ các nơi tại chợ Đồng Hới.

Chính vì vậy, việc trái cây nhập khẩu xuất hiện một cách tràn lan với giá rẻ khiến người tiêu dùng luôn nghi ngại về chất lượng. Ông Hoàng Văn Khơi, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi Cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông lâm sản và thủy sản cho biết, thực tế về cảm quan, chất lượng, các loại rau, củ, quả ngoại tỉnh đã được các chủ vườn và thương lái lựa chọn kỹ trước khi xuất bán nên mẫu mã đẹp và bắt mắt. Quá trình bảo quản, vận chuyển bảo đảm được độ tươi nguyên của nông sản.

Tuy nhiên, các loại rau, củ, quả này được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau. Trình độ kỹ thuật canh tác và các biện pháp bảo đảm về ATTP tại các chủ vườn khác nhau. Do vậy, vấn đề về chất lượng, ATTP các loại nông sản này không bảo đảm tính đồng đều, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn.

Khi được hỏi về vấn đề mặt hàng rau, củ, quả ngoại tỉnh tại chợ có được kiểm soát, kiểm tra chất lượng hay không, bà Lê Thị Hằng Nga, Đội trưởng Đội quản lý Chợ Đồng Hới cho biết, tại chợ Đồng Hới hiện có 5 tiểu thương kinh doanh, buôn bán sỉ mặt hàng rau, củ, quả. Còn tiểu thương bán lẻ mặt hàng rau, củ, quả thì rất đông. Ngoài ra, các hộ tiểu thương kinh doanh trái cây nhập khẩu tại chợ cũng chỉ mang tính nhỏ, lẻ (mỗi quầy hàng từ 5-10 kg). Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các mặt hàng này không thường xuyên và cũng chỉ mang hình thức “bắt cóc bỏ dĩa”.

N.L

Kỳ 2: Cần đồng bộ và thường xuyên