.

Thị xã Ba Đồn: Nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Thứ Ba, 14/03/2017, 16:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Với bản chất cần cù, chịu khó, ham học hỏi, thời gian qua, nông dân thị xã Ba Đồn đã thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Ở đó xuất hiện ngày càng nhiều các tấm gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế của thị xã ngày càng phát triển đi lên.

Hội Nông dân thị xã Ba Đồn hiện có hơn 3.000 hội viên. Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, Hội Nông dân thị xã đã tích cực thực hiện tốt các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Phong trào đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phát huy được tính cần cù lao động sáng tạo của nông dân. Số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp ngày càng tăng. Năm 2010, có 3.950 hộ nông dân SXKD giỏi, năm 2016 số hộ nông dân SXKD giỏi là 5.402 hộ.

Trong quá trình thực hiện phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã có nhiều mô hình mới, điển hình của hội viên được nhân rộng. Nông dân chú trọng phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm nâng cao thu nhập, giải quyết lao động tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phụ nữ xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) giữ nghề truyền thống. Ảnh: T.H
Phụ nữ xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) giữ nghề truyền thống. Ảnh: T.H

Đến nay, toàn thị xã đã có 23 trang trại theo tiêu chí mới, trong đó có 12 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011 của Bộ Nông nghiệp & PTNT, gồm 8 trang trại nuôi trồng thủy sản và 4 trang trại tổng hợp. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng rau hoa kết hợp tại Quảng Long, mô hình trông lúa, rau, ớt, tỏi hành tại Quảng Hòa, Quảng Lộc...; có nhiều hộ tham gia đánh bắt xa bờ theo mô hình tổ hợp tác, tổ đoàn kết có hiệu quả như: ở Tân Mỹ, Xuân Lộc phường Quảng Phúc, Cồn Sẻ xã Quảng Lộc... Các nghề truyền thống được duy trì và phát huy như: đan lát ở Quảng Thọ, nón lá Quảng Thuận, Quảng Tân, Quảng Hải, chổi đót ở Quảng Phong, mây xiên ở Quảng Văn, men riềng ở Quảng Long, nghề rèn đúc ở Quảng Hòa..

Điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thị xã Ba Đồn phải kể đến hội viên Nguyễn Văn Hùng, Hội Nông dân xã Quảng Lộc, Anh Hùng đã mạnh dạn thành lập xưởng sản xuất hàng mộc, mỹ nghệ truyền thống và cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, cho thu nhập hằng năm 500-600 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động có thu nhập ổn định từ 6,5 -7 triệu đồng/tháng.

Hội viên Nguyễn Ngọc Tế, TDP Đơn Sa, phường Quảng Phúc đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình trang trại tổng hợp, gồm chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi vịt thịt và vịt đẻ trứng, đồng thời nuôi cá. Mỗi năm trang trại này cung cấp cho thị trường hàng chục tấn thịt lợn, 5-6 tấn cá, hàng trăm nghìn con cá giống các loại; tổng thu nhập hàng năm 700-800 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5-6 lao động thường xuyên và hàng chục lao động theo thời vụ, với mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/tháng.

Hội viên Hồ Văn Son, chủ nhiệm HTX thống nhất, phường Ba Đồn đã mạnh dạn thành lập HTX kinh doanh tổng hợp. Doanh thu hằng năm đạt 15-16 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 25 lao động, với mức lương bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng... Những điển hình trong các phong trào phát triển sản xuất giúp cho nông dân có tư duy mới trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Để tạo điều kiện cho hội viên nông dân thi đua phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, Hội Nông dân thị xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và GTVL Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm giáo dục dạy nghề thị xã và các ngành liên quan mở các lớp dạy nghề cho nông dân. Từ 2014 đến nay đã mở được 54 lớp, cho 1.566 hội viên. Hội phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật bình quân mỗi năm trên 90 lớp với 8.000 người tham gia. Tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân đến nay có gần 2 tỷ đồng. Hội Nông dân các cấp tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn NHCSXH gần 68 tỷ đồng, NHNN và PTNT hơn 130 tỷ đồng. Vốn vay đã được hội viên nông dân sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao trong SXKD và xóa đói giảm nghèo.

Kết quả của phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và xóa nghèo bền vững đã thể hiện ý chí vượt khó vươn lên, không cam chịu đói nghèo của hội viên nông dân, góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Lệ Hằng
     (Đài TT-TH Ba Đồn)