.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình tổ hợp tác trồng nấm

Thứ Hai, 13/03/2017, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Được thành lập từ tháng 9 năm 2016, tổ hợp tác trồng nấm Đông Dương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho xã viên.

Năm 2016, được Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng nấm, nhận thấy đây là mô hình đầu tư ít vốn, lại không cần diện tích lớn nên ông Phan Ngọc Minh ở thôn Đông Dương đã mạnh dạn cùng với 12 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo ở thôn Tô Xá và Đông Dương, xã Quảng Phương thành lập tổ hợp tác trồng nấm Đông Dương, chuyên cung cấp nấm Sò và nấm Linh Chi.

Ông Phan Ngọc Minh, tổ trưởng tổ hợp tác trồng nấm Đông Dương cho biết: “Nghề trồng nấm vừa tận dụng được diện tích sẵn có của vườn nhà và nhân lực trong gia đình cũng như thời gian nhàn rỗi trong ngày. Vốn đầu tư lại ít. Hơn nữa, từ trẻ đến già đều có thể tham gia được, miễn là phải hết sức kiên trì, thực hiện đúng các quy trình từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý, chăm sóc, thu hái. Nếu được hướng dẫn kỹ càng, mọi người dân bình thường đều có thể tiếp thu và làm được chỉ trong thời gian ngắn”.

Trồng nấm mang lại thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng cho tổ viên tổ hợp tác trồng nấm Đông Dương (Quảng Trạch).
Trồng nấm mang lại thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng cho tổ viên tổ hợp tác trồng nấm Đông Dương (Quảng Trạch).

Trồng nấm không khó, cũng không vất vả, ai cũng có thể thành công với điều kiện phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố, như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,... Do đó, điều kiện đầu tiên là trại phải đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững vàng, không bị ngã đổ, nhất là khâu phun nước phải bảo đảm mỗi ngày 4 - 5 lần (nếu có hệ thống phun tự động càng tối ưu).

Hiện, bình quân mỗi hộ trong tổ hợp tác trồng nấm Đông Dương có khoảng 800 phôi nấm Sò và 700 phôi nấm Linh Chi, trung bình mỗi ngày 1 hộ thu hoạch được khoảng 3 kg nấm sò, bán với giá 35 ngàn đồng/kg, bình quân một tháng thu được hơn 3 triệu đồng. Riêng nấm Linh Chi, hiện các hộ dân đang tích cực chăm sóc, dự kiến tháng 6 này sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên.

Chị Trần Thị Lan, ở Chòm 4, thôn Tô Xá, xã Quảng Phương, thành viên của tổ hợp tác phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu dựa vào làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng nguồn thu nhập mang lại không cao, từ khi được tập huấn và trồng thành công nấm sò, ngày nào nhà tôi cũng có thu nhập”. Giờ đây, ngoài thời gian làm nông nghiệp, bà con trong tổ hợp tác lại cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm, tuy là nghề phụ nhưng nấm được xem như nguồn thu chính.

Hiện tại, Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch) đang là “bà đỡ” về nguyên vật liệu cũng như bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên của tổ Hợp tác trồng nấm Đông Dương. Bên cạnh đó, sản phẩm sau khi thu hoạch cũng được bà con đem bán ở các chợ trong xã Quảng Phương và những vùng phụ cận của thị xã Ba Đồn.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống người dân ngày càng cao, do đó, việc tìm kiếm những thực phẩm sạch, bảo đảm dinh dưỡng dùng cho bữa ăn của gia đình hàng ngày trở thành một nhu cầu bức thiết. Nấm là một loại thực phẩm đáp ứng được cả hai yêu cầu trên.

Do đó, để sản phẩm đến được với người tiêu dùng một cách rộng rãi, các cấp, các ngành cần mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về trồng nấm cho bà con ở các địa phương, nhằm nhân rộng mô hình, giúp các hộ gia đình nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện tiếp cận với cách thức làm giàu từ nguồn vốn ít ỏi, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Hà Ny
(Đài TT-TH Quảng Trạch)