.

Bắc cầu cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Thứ Tư, 01/02/2017, 10:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã qua rồi cái thời người nông dân bám ruộng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chỉ vì lo cho cái ăn. Tập quán và tư duy sản xuất truyền thống, theo kiểu mạnh ai nấy làm đã làm khó cho những chủ nhân của đồng ruộng. Có một Hợp tác xã đã hóa giải nghịch lý đó bằng chính sự chủ động, sáng tạo rất thực tế của mình. Đó là Hợp tác xã sản xuất-kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp (gọi tắt HTX) Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy (huyện Lệ Thủy).

Giờ đây, người nông dân chúng ta không còn đói nữa, nhưng vẫn nghèo vì “thừa”. Vì sao có nghịch lý này? Chung quy là vì đầu ra và giá cả. Công sức người nông dân bỏ ra trên cánh đồng không đáng đồng tiền, bát gạo. Lúa gạo làm ra thì nhiều, nhưng giá bán lại không được bao nhiêu. Vựa lúa Lệ Thủy, vốn được mệnh danh “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”, cũng đang phải đối mặt với thực trạng nói trên.

Dây chuyền xay xát, chế biến gạo, với công suất 6 đến 7 tạ/giờ của HTX Mỹ Lộc Thượng.
Dây chuyền xay xát, chế biến gạo, với công suất 6 đến 7 tạ/giờ của HTX Mỹ Lộc Thượng.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Vấn đề sát sườn nhất cần khắc phục cả trước mắt lẫn lâu dài của nền nông nghiệp huyện chính là phải tổ chức lại sản xuất, tiến tới bao tiêu sản phẩm cho người nông dân”.

Từ cái nhìn rất thực tế của địa phương, anh Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy (huyện Lệ Thủy) phân tích chính việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, theo kiểu mạnh ai nấy làm, ai thích gì làm nấy đã khiến cho “sức đề kháng” của sản phẩm nông nghiệp yếu đi, kéo theo đó người nông dân dễ bị “tổn thương” trước sức ép của cơ chế thị trường. Vì vậy, HTX Mỹ Lộc Thượng xác định tổ chức lại sản xuất trên cánh đồng chính là “viên gạch”, là nền tảng đầu tiên để giải quyết những “điểm nghẽn” này cả trước mắt và lâu dài.

Bắt nguồn từ sự hỗ trợ của dự án SNV trong việc thực hiện mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI), từ năm 2013, HTX Mỹ Lộc Thượng đã tiến hành mở rộng áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến trên toàn diện tích thay thế cho phương pháp canh tác truyền thống, với các giống lúa cũ chất lượng, năng suất thấp như: X, VN20... Từ mô hình này, đến nay trên 90% diện tích canh tác của HTX này đã được tổ chức thành các vùng chuyên canh với các giống lúa chất lượng cao như: P6, TBR225...

Trong khi những hạn chế về ruộng đồng manh mún và sự tích tụ ruộng đất chưa đủ lớn, thì việc hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng, với phương pháp canh tác tiên tiến đã giúp cho HTX Mỹ Lộc Thượng cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề mà vùng quê lúa nào cũng gặp phải.

Đó chính là liên kết sản xuất được các nông hộ nhỏ, lẻ chuyển thành một vùng cánh đồng rộng lớn hơn, quy mô hơn, qua đó khắc phục được sự tùy tiện trong canh tác, sản xuất, và tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng. Và quan trọng hơn, đây còn là tiền đề để hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu gạo có chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tính toán bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

“Người nông dân chúng tôi đã tạo ra được sản phẩm lúa gạo sạch, có chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, tại sao lại không hoàn thành nốt những khâu còn lại? Đó cũng chính là điều mà HTX chúng tôi đang hướng đến. Bởi, qua việc giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con, HTX chẳng những đã góp phần rút ngắn được khoảng cách trong khâu đầu ra, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá, mà còn đưa giá thành lúa gạo trở về đúng giá trị thực của nó, giúp người nông dân an tâm, vững tin canh tác trên cánh đồng”, anh Thắng chia sẻ.

Theo tính toán của anh Thắng, với diện tích canh tác 268ha, mỗi năm sản lượng lúa người nông dân trong HTX làm ra vào khoảng 2.700 tấn. Trong đó, số lúa gạo dùng để ăn và tiêu thụ trong địa bàn chỉ khoảng hơn 1.000 tấn. Rõ ràng, lượng lúa gạo người dân đưa ra bán trôi nổi trên thị trường là rất lớn. Dĩ nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc người nông dân luôn đối mặt với tình trạng bị tư thương ép giá.

Chính vì vậy, năm 2016, HTX Mỹ Lộc Thượng đã tiến hành đứng ra liên kết với một số cơ sở tiêu thụ, thu mua lúa cho bà con 200 tấn lúa, với giá cao hơn thị trường từ 3 đến 5 giá. Chị Phạm Thị Thanh ở xóm 3 quả quyết: “Với nông dân chúng tôi, có được đầu ra ổn định, giá cả phù hợp với giá của thị trường thì gần như không có mong muốn gì hơn nữa.

Việc thu mua lúa, bao tiêu sản phẩm cho bà con đã tạo nên một câu chuyện rượt đuổi giá chưa từng có ở đây. Ban đầu, tư thương đến ép giá chúng tôi với giá chỉ có 5.400đồng/kg, nhưng HTX lại thu mua lên đến 5.600đồng/kg. Vậy là tư thương cũng nâng giá thu mua. Đến lúc HTX nâng lên 5.700đồng/kg thì các thương lái mới đành bỏ cuộc. Vụ mùa vừa qua, tôi bán cho HTX hơn 3 tấn lúa, chị Thanh vui mừng chia sẻ.

Việc hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng, đã giúp cho HTX Mỹ Lộc Thượng giải quyết nhiều vấn đề mà vùng quê lúa nào cũng gặp phải.
Việc hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng, đã giúp cho HTX Mỹ Lộc Thượng giải quyết nhiều vấn đề mà vùng quê lúa nào cũng gặp phải.

Cùng với việc bao tiêu sản phẩm, HTX Mỹ Lộc Thượng tiến hành đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm chế biến, đóng gói luôn sản phẩm. Vừa qua, HTX này vừa đưa vào dây chuyền xay xát, chế biến gạo, với công suất 6 đến 7 tạ/giờ và sắp tới sẽ là máy đánh bóng, hệ thống đóng bao hút chân không để bảo quản gạo tốt hơn.

Song có một chuyện “hiếm gặp” trên vùng quê lúa này nữa là, từ đầu năm 2016, HTX Mỹ Lộc Thượng đã hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy". Đây chính là điều kiện để lúa gạo của người nông dân ở đây nói riêng và hạt gạo của xứ lúa Lệ Thủy nói chung thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ.

Từ câu chuyện tổ chức lại sản xuất, đến việc HTX “thò tay” sâu hơn vào chuỗi sản xuất, bước đầu kết nối tiêu thụ lúa gạo cho bà con của HTX Mỹ Lộc Thượng là một sự thay đổi cần thiết và đáng kể. Có thể trên con đường hướng đến việc xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa, HTX này sẽ còn nhiều việc phải làm và phải tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, thì “Lệ Thủy luôn xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo.

Vì vậy, bên cạnh cơ chế chính sách để khắc phục dần những hạn chế trên, vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp là cực kỳ quan trọng. Và vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp phải được coi như là trung tâm, là “nhạc trưởng” trong việc tổ chức sản xuất, nhằm hướng đến việc xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa”.

Dương Công Hợp