.

Đất hứa những mùa vàng

Thứ Tư, 01/02/2017, 17:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Nói đến Quảng Ninh, vùng đất của “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” là nói đến những cánh đồng lúa bát ngát, thẳng cánh cò bay. Đất lành Quảng Ninh bao đời nay không phụ công người, dẫu qua bao biến thiên, đất vẫn trân quý, hẹn hò những mùa vàng bội thu.

Tạo đột phá trong nông nghiệp

Quảng Ninh, địa phương nằm về phía nam Quảng Bình hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi” để phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng từ vùng núi, gò đồi đến đồng bằng và dải cát dài ven biển. Đồng bằng huyện Quảng Ninh tắm dòng nước mát từ hai con sông Kiến Giang và Đại Giang hợp thành sông Nhật Lệ. Sông nước, khí hậu, thổ nhưỡng... thuận lợi phát triển nền nông nghiệp toàn diện cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi. Huyện Quảng Ninh có diện tích tự nhiên hơn 1.191km2 gồm 15 xã, thị trấn; dân số khoảng 24.360 hộ, 90.000 người.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên tất cả các khâu vào sản xuất
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên tất cả các khâu vào sản xuất

Như nhiều địa phương khác, Quảng Ninh “dĩ nông vi bản”, phát triển nông nghiệp lúa nước với những tập quán canh tác cũ, lạc hậu trong mấy chục thập kỷ kế tiếp nhau. Thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, giống vào sản xuất là một hành trình dài hơi, bước đầu đạt những thành tựu khả quan. Tất nhiên điều đó hoàn toàn không dễ!

Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu bộ giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu là mấu chốt quan trọng nhất đem đến thành công cho nông nghiệp. Mục đích cuối cùng tính bằng hiệu quả của giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, theo thời gian. Kế hoạch đưa ra, UBND huyện tập trung chỉ đạo kịp thời từ việc ban hành chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích bà con nông dân yên tâm vận dụng vào sản xuất. Cách mạng về giống thành công với bộ giống trung, ngắn ngày có nhiều đặc điểm ưu việt gồm DV108, GL 105, HT1, PC6... vào gieo cấy ở hầu hết các chân ruộng trên địa bàn”.

Năm 2011 trở về trước, giống dài ngày chiếm 70% tổng diện tích, giống trung và ngắn ngày chỉ 30%. Hàng năm vụ đông - xuân, có 400 đến 600ha giống dài ngày gieo sớm thường xuyên bị chết phải gieo cấy lại do mưa gây ngập úng, cộng với các đợt rét đầu vụ gây ra, thiệt hại trên nhiều mặt, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Trung bình cứ khoảng 500ha, chịu thiệt hại tương đương hơn 1,8 tỷ đồng (bao gồm đầu tư bơm tưới và tiêu úng, công chăm sóc và giống, mỗi ha chi phí trên 3,6 triệu đồng...). Đó là còn chưa kể đến cả quá trình sinh trưởng, nếu gặp "mưa thuận gió hòa" đến thu hoạch, cũng chưa hẳn bảo đảm, ổn định năng suất và sản lượng.

Sau hơn 5 năm dốc sức kiên trì thực hiện đề án chuyển đổi, bộ giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu đã có mặt trên các đồng ruộng Quảng Ninh. Tỷ lệ cơ cấu giống lúa dài ngày trong sản xuất không còn; các giống trung và ngắn ngày (từ 120-125 ngày) được bà con nông dân lựa chọn đưa vào sản xuất trên diện tích 5.000ha, đạt tỷ lệ 100%, thay thế hoàn toàn giống lúa dài ngày.

Đến một nền nông nghiệp toàn diện

Thực hiện quy trình sản xuất thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên đồng ruộng Quảng Ninh cho hiệu quả cao.
Thực hiện quy trình sản xuất thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên đồng ruộng Quảng Ninh cho hiệu quả cao.

Cơ cấu bộ giống lúa lai Nhị ưu 838, TBR1, HT1, PC6, DV108, GL105... sinh trưởng và phát triển nhanh, kháng chịu sâu bệnh tốt, ứng phó được với thời tiết khắc nghiệt, minh chứng qua nhiều năm trình diễn, sản xuất trên đồng mẫu lớn Quảng Ninh. Thắng lợi nông nghiệp nối tiếp nhau, năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2010-2011 năng suất bình quân đông-xuân trên đồng ruộng Quảng Ninh chỉ đạt từ 53 đến dưới 60 tạ/ha, đến nay năng suất đại trà đạt trên 60 tạ/ha, có nhiều địa phương trên 63 tạ/ha. Làm một phép so sánh nhỏ, năm 2016, với thời tiết khắc nghiệt, mưa rét, hạn hán bất thường, nhưng nhờ ổn định bộ giống nên năng suất vụ đông-xuân của huyện Quảng Ninh vẫn đạt 60,96 tạ/ha, cả hai vụ đạt 55,06 tạ/ha, tổng sản lượng 48.440 tấn. Trong khi đó, tỉnh ta được đánh giá là một năm được mùa, sản lượng lương thực cao nhất từ trước đến nay thì năng suất lúa trung bình chỉ đạt 51,2tạ/ha.

Bên cạnh câu chuyện chuyển đổi cơ cấu bộ giống lúa, huyện Quảng Ninh còn tiên phong đột phá trong nông nghiệp ở nhiều khâu khác: Thực hiện áp dụng quy trình sản xuất thâm canh lúa cải tiến (SRI). Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất lúa theo 4 nguyên tắc: trồng cây khỏe, thăm đồng thường xuyên, bảo vệ thiên địch, nông dân trở thành chuyên gia. Quản lý cây trồng tổng hợp “3 giảm 3 tăng”: giảm lượng giống, giảm lượng đạm bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích... Hiện mô hình áp dụng tại nhiều địa phương trên địa bàn cho thấy nhiều lợi thế và đang tiếp tục được áp dụng nhân rộng ở các xã còn lại, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, tạo thế chủ động trong ứng phó với thiên tai cho người nông dân.

Đa dạng hóa các sản phẩm cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất, phù hợp với nhu cầu thị trường là hướng đi căn bản, vững chắc trong phát triển nền nông nghiệp toàn diện, huyện Quảng Ninh có nhiều phương án để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế thiết thực cho người sản xuất, phù hợp với từng chân đất địa phương. Trên thực tế thu được kết quả khả quan với sự lựa chọn tinh ý của người tiêu dùng. Tùy thuộc vào thời gian trong năm và đặc điểm từng vùng, UBND huyện có sự hướng dẫn áp dụng chuyển đổi từ trồng lúa sang ngô nếp, khoai lang, dưa hấu, mướp đắng, đậu xanh hay dưa leo và một số cây màu khác.

Có một điều trùng hợp khá ngẫu nhiên là hai xã miền núi Quảng Ninh vốn không thuận khi sản xuất lúa bởi điều kiện địa hình, đất đai và khí hậu đặc trưng khắc nghiệt. Nhưng hai năm trở lại đây, xã Trường Xuân tăng dần được diện tích trồng lúa nước, bà con dân bản tích cực ra đồng chăm sóc lúa, sản lượng tương đối ổn định; xã Trường Sơn tìm ra giống nếp đen quý hiếm, cùng với giống lúa rẫy Chà-và mang lại năng suất khá, chất lượng thì ít có loại gạo nào so sánh được, giúp đồng bào nơi đây có cái ăn quanh năm mà không lo đói.

Trường Sơn được mùa lúa rẫy 2016.
Trường Sơn được mùa lúa rẫy 2016.

Ông Nguyễn Xuân Lẫm, Phó bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn nhớ lại: “Năm 2015, từ 100 bao giống lúa Chà- và, nếp đen, bà Hồ Thị Con, người dân tộc Vân Kiều cung cấp cho bà con dọc các bản: Bến Đường, Đá Chát, Chân Trôộng, Thượng Sơn, Trung Sơn, Khe Cát, Dốc Mây, Rìn Rìn cùng nhân rộng ra ở vụ lúa rẫy 2016, diện tích lên đến 90ha. Nhiều hộ gia đình Vân Kiều tham gia trồng với diện tích lớn từ 1 đến 2 ha như: Hồ Lừ, Hồ Thị Lập, Hồ Văn Hải, Hồ Văn Lay... Sau những cơn mưa rừng, rẫy lúa tốt bời bời, một vụ mùa tiếp bội thu trong niềm vui hân hoan của đồng bào Vân Kiều”.   

"Từ thực tế canh tác với những dự báo tốt lành về đất, về con người, nông nghiệp Quảng Ninh hứa hẹn sẽ tiếp tục có những bước tiến mới, vượt trội, tiếp nối bằng những vụ mùa bội thu. Người nông dân ngày càng làm chủ thế trận trên cánh đồng mẫu lớn, làm giàu cho quê hương" - ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện dự cảm về nền canh tác nông nghiệp mà Quảng Ninh đã lựa chọn.

Hương Trà