.

Người nông dân ngoại quốc

Thứ Tư, 01/02/2017, 10:23 [GMT+7]

(QBĐT) - “Tôi nhớ lúc nhỏ đã từng được ăn gạo Việt Nam, nó rất ngon. Thế nhưng khi lớn lên thì không thấy nó được bán ở Nga nữa. Trong một lần sang Việt Nam du lịch, tôi đã nảy ra ý tưởng tại sao không tự sản xuất và mang gạo, nông sản Việt đến tay người tiêu dùng Nga”, Nikolai Friakyn (SN 1969), quốc tịch Nga tâm sự. Xuất phát từ chính suy nghĩ đó, Nikolai đã quyết định gắn bó với đất nước Việt Nam để trở thành một nhà đầu tư, một người nông dân đúng nghĩa.

Đưa nông sản Việt đến tay người tiêu dùng Nga

Chia sẻ về mối duyên nợ với đất nước Việt Nam, Nikolai Friakyn cho biết, trước đây anh vốn là một kỹ sư kinh tế và có một cửa hàng kinh doanh ô tô ở Nga. Thế nhưng việc kinh doanh gặp khó khăn, Nikolai quyết định đóng cửa hàng để đi du lịch trong một thời gian.

Nikolai và người anh thân thiết Phạm Minh Toàn, người đã hướng anh về với vùng đất Quảng Bình.
Nikolai và người anh thân thiết Phạm Minh Toàn, người đã hướng anh về với vùng đất Quảng Bình.

Năm 2007, Nikolai đặt chân đến Việt Nam và anh không ngờ chuyến du lịch duyên nợ đã giữ chân anh ở đất nước này lâu đến vậy. Nikolai tâm sự: Khi đến Việt Nam, điều khiến anh tò mò và hào hứng nhất là tận mắt nhìn thấy cách sản xuất ra các loại nông sản của người nông dân ở đây. Anh nhớ: “lúc bé, tôi đã từng được ăn gạo Việt Nam, nó rất ngon.

Thế nhưng sau khi lớn lên thì tôi không thấy nó được bán ở Nga nữa”. Khi sang đây, được tận mắt nhìn người nông dân Việt Nam sản xuất ra lúa gạo càng khiến Nikolai thích thú hơn. Lúc đó anh suy nghĩ, cần phải đưa các nông sản Việt Nam quay trở lại thị trường nước Nga.

Ở Nga, tại các siêu thị, sản phẩm nông sản như gạo, tiêu của các nước Thái Lan, Ấn Độ... được tìm thấy tương đối nhiều. Tuy nhiên hàng xuất xứ từ Việt Nam thì rất ít. Qua tìm hiểu, Nikolai được biết, không ít các doanh nghiệp nước ngoài của Thái Lan đã sang Việt Nam thu mua các loại nông sản có chất lượng ngon như gạo, nước mắm, hạt tiêu... rồi về đóng gói nhãn mác thành sản phẩm nước mình và xuất khẩu sang bán ở Nga.

Như vậy, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam dù có chất lượng ngon nhưng lại không được bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở nước ngoài và bị gắn nhãn hiệu của nước trung gian. Đi nhiều, tìm hiểu nhiều, Nikolai muốn tự mình sản xuất ra những loại nông sản này, để có thể chủ động nguồn nông sản trước khi xuất về Nga. Sau nhiều năm đi đi, về về  giữa 2 nước, bước đầu, anh cũng đầu tư vào trồng 10ha hồ tiêu ở Đắk Lắk và Gia Lai. Nikolai cũng hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê có tiếng ở Việt Nam để có sản phẩm cà phê xuất bán sang Nga. Kết quả, mỗi năm, Nikolai xuất sang Nga vài tấn cà phê, hạt tiêu.

Bên cạnh đó, bình quân mỗi vụ Nikolai cũng xuất sang Nga 100 tấn gạo. Không phụ nỗ lực của anh, đến nay, các sản phẩm nông sản của Việt Nam với đầy đủ thông tin bằng tiếng Nga lẫn tiếng Việt đã được bày bán ở một số siêu thị ở Nga. 

Hiện tại, Nikolai đang hợp tác với một số người bạn thân thiết ở Quảng Bình thành lập Công ty TNHH Hoàng Ngọc, trồng và chế biến thêm một số sản phẩm nông sản khác để xuất sang Nga như lạc, ớt. Nikolai hy vọng, thời gian tới, với sự hợp tác của những người bạn này, khâu đóng gói các sản phẩm sẽ không phải thông qua một công ty hay doanh nghiệp nào. 

Nuôi tôm trên đất Quảng Bình

Sau một thời gian rong ruổi ở miền Nam và vùng đất Tây Nguyên, Nikolai tình cờ gặp được anh Phạm Minh Toàn (SN 1965), người đã có 30 năm sinh sống và làm việc ở Nga. Thấy Nikolai khá gần gũi, thân thiện và dành nhiều tâm huyết với nông sản Việt Nam, anh Phạm Minh Toàn đã giới thiệu Nikolai về Quảng Bình và rủ anh cùng đầu tư vào nuôi tôm thẻ trên cát.

Thấy vùng đất Quảng Bình có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, Nikolai đồng ý theo anh Phạm Minh Toàn về xã Hải Ninh, Quảng Ninh thành lập Công ty TNHH Hoàng Ngọc để bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGap và xuất khẩu nông sản. Ở đây, Nikolai còn góp vốn đầu tư vào Công ty Cổ phần Thanh Hương, một công ty đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi tôm ở Quảng Bình.

Hiện Nikolai đã đóng góp cổ phần đầu tư vào 30 đầm tôm ở xã Hải Ninh, trung bình 30 đầm tôm này mang về sản lượng 250 tấn tôm/năm, năng suất hơn 10 tạ/ha. Có được kết quả đó, Nikolai cho biết, anh và những người bạn của mình đã quyết tâm nuôi tôm theo phương pháp VietGap. Với phương pháp nuôi này, con tôm sau khi thu hoạch sẽ bảo đảm tuyệt đối an toàn về chất lượng, tôm cho năng suất cao, không có hóc môn kích thích tăng trưởng, chất kháng sinh đạt ngưỡng cho phép.

Anh chia sẻ, mong muốn của anh là một ngày nào đó, không chỉ các sản phẩm nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu mà con tôm ở Hải Ninh cũng sẽ xuất hiện trên các kệ hàng của các siêu thị ở Nga. Nikolai cũng đã kêu gọi thêm người em ruột của mình ở Nga là Oleg Friakyn đầu tư vào nuôi tôm trên cát ở Quảng Bình.

Nikolai bên những đầm tôm của mình.
Nikolai bên những đầm tôm của mình.

Dẫn chúng tôi ra thăm những đầm tôm của mình, Nikolai cho biết, sự cố ô nhiễm mỗi trường biển do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra đã khiến cho vụ tôm vừa rồi của anh lâm vào cảnh mất trắng hoàn toàn. Tuy nhiên, không từ bỏ quyết tâm, anh và mọi người đã động viên nhau vượt qua khó khăn và tiếp tục nuôi trồng vụ tôm tiếp theo. Chỉ tay về những con tôm đang bơi trong hồ, Nikolai không giấu được niềm vui sướng vì những cố gắng và nỗ lực của mình sắp đến ngày cho kết quả.

Gặp anh Nguyễn Văn Hoàng, một kỹ sư thủy sản đang làm việc ở đây, anh bảo: Nikolai mặc dù là một chủ đầu tư nhưng lại rất hòa đồng với mọi người, kể cả những công nhân ở đây. Ngày nào Nikolai cũng ra đầm tôm vài lần, lúc thì hỏi han công nhân, có lúc lại ăn cơm cùng với họ. Thấy mọi người thiếu thốn cái gì anh liền mua về cho. Giữa anh và người lao động ở đây hầu như không có khoảng cách nào.

Trở về ngôi nhà của mình được xây cạnh với dãy nhà trọ dành cho công nhân, Nikolai và người anh thân thiết Phạm Minh Toàn chia sẻ về những dự định sắp tới. Anh cho biết, thời gian tới, ngoài việc tập trung đầu tư vào sản xuất nuôi tôm thẻ theo hướng VietGap, anh và những người bạn của mình sẽ cố gắng đầu tư thêm cơ sở vật chất như kho đông, khu sơ chế để dần dần chế biến và xuất khẩu được tôm qua thị trường Nga.

Anh hy vọng, một ngày không xa, các sản phẩm nông sản có chất lượng cao của Việt Nam sẽ được nhiều người dân ở Nga biết đến và tin tưởng lựa chọn. Bên cạnh đó, 2 anh sẽ mở một lớp dạy tiếng Nga miễn phí cho những ai có nhu cầu học thêm ngoại ngữ này. Đó cũng là cách để anh thể hiện tình cảm của mình dành cho con người và mảnh đất Quảng Bình, nơi đã cho anh nhiều kỳ vọng.

Đoàn  Nguyệt