.

Xuân mới nơi miền tây Bố Trạch

Thứ Tư, 01/02/2017, 17:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Mấy chục năm về trước, vùng phía tây huyện Bố Trạch được nhắc đến bởi sự xa ngái, giao thông đi lại khó khăn và đời sống của người dân còn vất vả trăm bề. Chỉ đến năm 2004, khi đường Hồ Chí Minh được khánh thành và đi vào hoạt động, vùng đất nơi đây mới manh nha phát triển với những đổi thay đáng kể về diện mạo. Để bây giờ, khi ngược xuôi dọc theo con đường Hồ Chí Minh đoạn ngang qua Bố Trạch, ai cũng thấy ngỡ ngàng trước một vùng phía Tây trù phú với những vùng gò đồi rộng lớn, bạt ngàn cây xanh và hoa trái...

Tiềm năng được khai mở

Vùng đất miền tây huyện Bố Trạch được thiên nhiên ưu đãi với thổ nhưỡng chính là đất đỏ bazan, phân bố đều trên những gò đồi rộng lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng và chăn nuôi.

Hồ tiêu, một trong số những cây trồng chủ lực trên vùng gò đồi Bố Trạch.
Hồ tiêu, một trong số những cây trồng chủ lực trên vùng gò đồi Bố Trạch.

Theo số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn huyện có 9.295 ha cao su, 375 ha hồ tiêu và 79 trang trại đạt chuẩn theo tiêu chí mới. Đồng thời, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung trên một số loại cây trồng như sắn 3.430,0ha, ngô 1.205,1 ha, lạc 1.247,0 ha...

Trong số các xã phía tây huyện Bố Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung được xem là một trong những địa phương đầu tiên thành công từ chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi. Dẫn chúng tôi đi thăm một số trang trại trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch UBND thị trấn tự hào chia sẻ: thị trấn Nông trường Việt Trung có diện tích đất tự nhiên 8.600 ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan. Cũng chính vì thế mà theo bước chân của những người khai hoang mở đất, các loại cây như sắn, cao su, hồ tiêu... lần lượt bén rễ trên vùng đất này.

Năm 2015, toàn thị trấn có 1.200 ha cao su và 260 ha hồ tiêu. Tuy còn “khiêm tốn” về mặt diện tích nhưng với thị trường tiêu thụ ổn định và hiệu quả kinh tế cao, hồ tiêu chính là loại cây trồng đang được đánh giá ở vị trí ngành hàng tiềm năng số 1 trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, sản lượng hồ tiêu toàn thị trấn đạt từ 250 đến 300 tấn/năm. Doanh thu từ sản xuất hồ tiêu trên địa bàn thị trấn ước tính đạt từ 50 đến 60 tỷ đồng/năm. Đây chính là nguồn thu nhập đáng kể để người dân thị trấn Nông trường Việt Trung phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Diệm (tiểu khu Hữu Nghị), một trong số những hộ có diện tích trồng tiêu lớn nhất nhì thị trấn Nông trường Việt Trung chia sẻ: Hiện nay, cây hồ tiêu trên địa bàn thị trấn đang có xu hướng phát triển với quy mô và hiệu quả ngày càng lớn. Với chất lượng ngon hơn hẳn so với sản phẩm của nhiều địa phương trong cả nước..., hồ tiêu sẽ tiếp tục là loại cây “làm giàu” không chỉ cho riêng người dân thị trấn mà còn cho cả các xã lân cận trên địa bàn; đặc biệt là khi địa phương đang hướng đến việc xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm này.

Cùng với hồ tiêu, sắn cũng chính là loại cây chủ lực trên địa bàn vùng đồi Bố Trạch. Thời điểm tăng đột biến, giá sắn đạt ngưỡng 2.000 đến 2.300 đồng/kg và giữ vị trí không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của nhiều gia đình, nhiều địa phương vùng gò đồi như Phú Định, Nam Trạch, Tây Trạch... Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu nói đến kinh tế vùng gò đồi phía tây huyện Bố Trạch mà lại không nhắc đến tiềm năng kinh tế rừng trồng. Những năm gần đây, Bố Trạch đã không ngừng phát triển diện tích rừng trồng; chú trọng giao đất, giao rừng về cho địa phương để giao về cho hộ gia đình quản lý, sử dụng.

Anh Nguyễn Văn Tiến thôn 2, xã Lâm Trạch cho biết: Chỉ tính riêng nhựa thông và keo lai, với mức thu nhập khoảng từ 25 triệu – 30 triệu/ha keo và 19 triệu đồng/tấn nhựa thông, trồng rừng đã và đang góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Có lẽ cũng chính vì thế, mà trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương như Lâm Trạch, Liên Trạch, Xuân Trạch... lâm nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và kinh tế rừng là yếu tố quyết định để các xã từng bước giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục phát huy thế mạnh

Vùng gò đồi phía tây huyện Bố Trạch với các xã nằm dọc đường Hồ Chí Minh trải dài từ thị trấn Nông trường Việt Trung lên các xã Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch... hội tụ đầy đủ các điều kiện để hình thành và phát triển những vùng cây nông sản, cây công nghiệp chủ lực cho giá trị kinh tế cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện Bố Trạch xác định phát triển đa dạng các loại cây trồng,  trong đó đặc biệt chú trọng các loại cây chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao; gắn phát triển kinh tế vườn rừng với các mô hình trang trại, gia trại.

Với tiềm năng sẵn có về thổ nhưỡng, khí hậu, huyện chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi; duy trì và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào chăn nuôi; khuyến khích, hướng dẫn xây dựng các mô hình áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Niềm vui thu hoạch sắn của nông dân Bố Trạch.
Niềm vui thu hoạch sắn của nông dân Bố Trạch.

Có thể kế đến trong số đó là trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Trần Đình Châng (tiểu khu Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung), một trong 3 trang trại “tiên phong” trên địa bàn huyện Bố Trạch tham gia ký kết hợp đồng chăn nuôi với Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi CP theo mô hình chuỗi sản xuất giá trị. Bình quân mỗi năm, các trang trại chăn nuôi theo mô hình CP như của gia đình ông Châng sẽ thu về khoản lãi trên 700 triệu đồng.

Đây đang được xem là mô hình chăn nuôi “kiểu mẫu” bởi với các điều kiện được cung cấp sẵn như con giống, thức ăn, vacxin tiêm phòng và được đội ngũ nhân viên kỹ thuật của Công ty CP thường xuyên giám sát về mặt kỹ thuật... người chăn nuôi không phải lo lắng thêm bất cứ điều gì về đầu ra của sản phẩm.

Trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát các đề án giai đoạn 2016 - 2020, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương chuyển đổi sang diện tích trồng hồ tiêu trên các chân đất phù hợp, tập trung ở các xã Phú Định, Hòa Trạch, Tây Trạch, Nam Trạch, Nông Trường Việt Trung, Phúc Trạch, Xuân Trạch...; chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng trồng kém hiệu quả đủ điều kiện sang trồng cao su theo quy hoạch, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cao su toàn huyện đạt 12.000 ha; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng, phấn đấu mỗi năm trồng mới 400 ha; đồng thời ổn định diện tích sắn nguyên liệu; chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang gieo trồng ngô, lạc, trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò tại các ruộng chân cao ở Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, Liên Trạch; phát triển các loại cây ăn quả có lợi thế như ổi, chuối tiêu hồng... Qua đó, phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh kinh tế vùng gò đồi phía Tây của huyện.

Xuân mới đang về trên mọi nẻo đường. Trước thềm xuân, người dân vùng gò đồi phía tây huyện Bố Trạch như được tiếp thêm niềm tin và hy vọng khi giá cao su đã ấm dần lên, có chiều hướng tăng sau một thời gian dài trầm lắng. Và giữa bạt ngàn màu xanh của cây và hoa trái, người dân Bố Trạch hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, bức tranh vùng gò đồi phía tây, thành quả của một quá trình dài “kiến thiết” với những chủ trương hợp ý Đảng lòng dân, với những người nông dân mạnh dạn đánh thức những vùng đồi hoang hóa, giàu tiềm năng... chắc chắn sẽ còn thêm nhiều gam màu sáng.

Thanh Hải