.

Minh Hóa và kỳ vọng đổi thay

Thứ Ba, 24/01/2017, 15:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Minh Hóa đã tận dụng lợi thế của mình để phát triển kinh tế bằng chăn nuôi và trồng rừng. Nhờ đó, đời sống của bà con được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Để tiếp tục phát huy lợi thế đó, Ban thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã ban hành chương trình hành động phát triển chăn nuôi và trồng rừng giai đoạn năm 2016 đến năm 2020.

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung

Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, tổng đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng, chất lượng đàn ngày càng được cải thiện. Hiện nay, huyện Minh Hóa có tổng diện tích đất tự nhiên gần 140.000 ha, trong đó, đất quy hoạch nông nghiệp gần 129.000 ha, đất đồng cỏ dùng cho chăn nuôi là 1.557 ha.

Toàn huyện có 38.000 con gia súc, trong đó có trên 4.500 con trâu, 13.200 con bò, 20.200 con lợn, 180 con dê và 76.000 con gia cầm các loại. Được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chương trình Zebu hoá đàn bò đã được triển khai ở một số xã. Mặc dù hiệu quả lai tạo còn đạt thấp, nhưng đã thể hiện được tính ưu việt của bò lai so với bò địa phương. Giống lợn ngoại thuần được đưa vào nuôi thí điểm bước đầu đã thích nghi, sinh sản tốt, tỷ lệ nạc cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi còn thấp. Đàn bò chủ yếu là giống bò địa phương. Đàn lợn chủ yếu là lợn lai, lợn Móng Cái, nên vóc dáng nhỏ, khả năng tăng trọng chậm, hạn chế đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi. Đàn gia cầm phát triển với quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu cho sử dụng gia đình. Nhìn chung, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của huyện.

Thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành tìm ra các giải pháp mang tính đột phá để ngành chăn nuôi phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Mục tiêu của chương trình là đưa ngành chăn nuôi ở Minh Hóa trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện, góp phần vào tăng trưởng kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu cây, con theo hướng sản xuất hàng hóa những năm tới; quản lý, sử dụng tốt đàn lợn nái, bò cái nền và lợn đực giống khai thác tinh ở các cơ sở chăn nuôi.

Đồng thời, chương trình sẽ cải tạo chất lượng đàn vật nuôi theo hướng nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm hàng hoá, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, đưa tổng đàn gia súc tăng 1-2%, khôi phục nhanh đàn gia cầm; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tăng cường dịch vụ thú y, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; bố trí đủ nguồn lực để chủ động phòng chống dịch bệnh.

Thị trấn Quy Đạt hôm nay. Ảnh: P.V
Thị trấn Quy Đạt hôm nay. Ảnh: P.V

Ông Đinh Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa cho biết, với mục tiêu đó, huyện Minh Hóa phấn đấu đến năm 2020, đàn trâu toàn huyện đạt 4.700 con, đàn bò đạt 15.800 con; cho lai tạo ra đời trên 5.500 con bê lai và tuyển chọn đực giống, cái nền để lai tạo cho những năm tiếp theo.

Đối với đàn lợn, huyện sẽ phấn đấu đạt trên 1.000 con lợn nái, trong đó có 300 lợn nái Móng Cái, 700 lợn nái ngoại cung ứng đủ con giống tại chỗ với hơn 32.000 lợn giống để nuôi thịt. Toàn huyện sẽ có từ 15 - 17 mô hình nuôi lợn thịt với quy mô từ 50 con trở lên; xây dựng 4 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô trên 150 con; khôi phục và phát triển một số giống lợn địa phương có chất lượng cao. Khôi phục nhanh tổng đàn gia cầm, khống chế được dịch cúm gia cầm, phấn đấu đưa tổng đàn đạt 131.000 con; tiếp tục khuyến khích phát triển các loại vật nuôi bản địa như: lợn, gà, dê, trên cơ sở phát huy lợi thế không gian của rừng trồng, hình thành nhóm hàng hóa đặc sản bản địa...

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Minh Hóa sẽ chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, phát triển những trang trại có diện tích từ 7 ha trở lên, có đủ nguồn nước và bảo đảm môi trường, chú trọng ứng dụng công nghệ cao; khẩn trương di dời các cơ sở chăn nuôi ở trong khu dân cư sang các vùng đã được quy hoạch nông thôn mới; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng nguyên liệu từ chất thải chăn nuôi để trồng trọt, chất đốt trên địa bàn; tạo môi trường thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp. Các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi tập trung phải được bố trí theo đúng quy hoạch, trước mắt có thể tồn tại 2 hình thức: trang trại, gia trại độc lập và khu chăn nuôi tập trung...

Trồng rừng để giảm nghèo

Huyện Minh Hoá có diện tích tự nhiên là hơn 141.000 ha. Trong đó, diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên là gần 117.000 ha, đất trống đồi núi trọc có khả năng sử dụng để trồng rừng kinh tế là hơn 28.000 ha. Nhằm mục đích phát triển trồng rừng kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, năm 2005 huyện Minh Hóa đã xây dựng Đề án phát triển trồng rừng kinh tế giai đoạn 2006-2015 và các năm tiếp theo. Đề án xây dựng hợp với lòng dân nên đã phát huy được ý thức trồng rừng của bà con toàn huyện.

Đồng hành cùng Đề án còn có sự phối hợp, hỗ trợ của các dự án, như: định canh định cư, chương trình hỗ trợ trồng rừng kinh tế của tỉnh, huyện... Qua 10 năm thực hiện đề án, toàn huyện đã trồng được 6.600 ha rừng kinh tế; trong đó, rừng trồng lại sau khai thác là 1.790 ha. Từ năm 2006 đến năm 2015, nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho trồng rừng kinh tế đạt trên 17,4 tỷ đồng. Tổng sản lượng gỗ khai thác qua các năm là đạt 108.752 m3, ước tính thu nhập đạt 98 tỷ đồng.

Nhờ đó, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, phong trào trồng rừng kinh tế đã và đang phát triển rộng khắp, bước đầu đem lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Minh Hóa vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, khi rừng tự nhiên ngày càng suy giảm, chất lượng rừng trồng hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Việc sắp xếp tổ chức sản xuất, phát triển rừng kinh tế còn nhỏ lẻ, chưa hợp lý. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã ban hành Chương trình hành động về phát triển trồng rừng kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện chương trình, huyện Minh Hóa sẽ chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa công tác lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế và toàn xã hội cùng tham gia đầu tư phát triển rừng, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về rừng, đất rừng vì mục tiêu phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng trưởng bền vững kinh tế của huyện nhà.

Đồng thời, huyện sẽ đẩy mạnh công tác giao rừng gắn với giao đất, quan tâm đến các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư để phát triển sản xuất, khuyến khích và hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, hình thành các vùng chuyên trồng cây nguyên liệu tập trung gắn với chế biến. Chương trình trồng rừng kinh tế hướng đến mục tiêu đưa trồng rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực sự là điểm nhấn quan trọng, đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông - lâm - nghiệp, trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương; góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động cũng như ngân sách Nhà nước.

Qua đó, chương trình góp phần quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững 54.589 ha đất quy hoạch sản xuất hiện có, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc phát triển trồng rừng kinh tế sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, chuyển mạnh sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. Theo chương trình, Minh Hóa sẽ phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp bình quân thời kỳ 2016-2020 đạt 14% đến 15%.

Đến năm 2020, Minh Hóa đưa tổng diện tích rừng trồng đạt 20.000 ha, chuyển đổi 6.000 ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, khuyến khích nhân dân sản xuất rừng gỗ lớn bằng một số giống cây bản địa có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế; có chính sách hỗ trợ để xây dựng được 3 đến 5 vườn ươm giống cây keo, vườn ươm cây bản địa có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho 13.500 lao động...

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Hóa cho biết: “Để thực hiện chương trình chăn nuôi và trồng rừng, Minh Hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển rừng. Minh Hóa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng nhau vận động nhân dân, cùng nhân dân thực hiện thắng lợi hai chương trình. Các cơ quan, ban ngành, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con phát triển chăn nuôi, trồng rừng...

Xuân Vương