.

"Cơ hội vàng" từ hành lang kinh tế Đông-Tây

Thứ Hai, 30/01/2017, 20:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Cũng vào thời điểm này cách đây 10 năm về trước, hành lang kinh tế Đông-Tây chính thức được thông tuyến. Dẫu không được hưởng lợi trực tiếp, nhưng Quảng Bình đã nắm bắt được cơ hội vàng này để vẽ nên bức tranh nhiều gam màu tươi mới trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, qua kết nối hoạt động giao thương, hợp tác hữu nghị với các tỉnh sử dụng đường 8 và đường 12, Quảng Bình như ngày càng gần hơn, kết nối hơn với các tỉnh đầy tiềm năng của nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan trù phú.

Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) dựa trên một tuyến giao thông đường bộ dài 1.450km, có cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine (Myanma), đi qua bang Kayin (Myanma), các tỉnh: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon, Mukdahan (Thái Lan), Savannakhet (Lào), Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và cực Đông là thành phố Đà Nẵng (Việt Nam).

Trạm kiểm soát liên ngành Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Trạm kiểm soát liên ngành Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

EWEC giúp vùng Đông Bắc của Thái Lan và Lào tiếp cận với Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và còn kết nối với các tuyến giao thông Bắc-Nam như Yangon-Dawei của Myanma, Chiang Mai-Bangkok của Thái Lan, quốc lộ 13 của Lào, quốc lộ 1A của Việt Nam. Các hoạt động thương mại của EWEC chủ yếu tập trung ở 6 địa phương gồm: Mawlamyine, Phitsanulok, Khon Kaen, Savannakhet, Huế, và Đà Nẵng.

Tuy nhiên, nhờ phát triển giao thông vận tải qua kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch, các địa phương có EWEC chạy qua đã tiếp cận dễ dàng hơn với các trung tâm kinh tế ở phía Bắc và phía Nam như: Bangkok, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây là "cơ hội vàng" để các tỉnh nhận được những tác động tích cực trên tất cả các lĩnh vực và Quảng Bình cũng không ngoại lệ.

Trở lại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo vào những ngày cuối năm 2016, trong tiết trời se lạnh, tôi lại cảm nhận thêm sự tươi mới, nhộn nhịp nơi này. Từ một chấm nhỏ dưới chân dãy Giăng Màn quanh năm mờ sương, giờ đây Cha Lo đã tấp nập người và phương tiện qua lại. Tại khu trung tâm cửa khẩu, nhiều dự án về giao thông, cấp nước, san lấp mặt bằng, xây kè đã được đầu tư xây dựng, tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, vừa đáp ứng từng bước yêu cầu phát triển.

Một trong số các dự án quan trọng, tạo dấu ấn cho bộ mặt Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đó là dự án hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm, dự án nhà liên ngành và Quốc môn, dự án bãi đỗ xe xuất cảnh... Tính đến nay, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã thu hút trên 10 dự án với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương và các ngành liên quan của 3 nước, hoạt động thương mại qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo của tỉnh Quảng Bình và một số tỉnh khác của nước bạn Lào và Thái Lan thực sự khởi sắc đến bất ngờ.

Đầu tiên là cầu Hữu Nghị 3 với chiều dài 1,4 km bắc qua sông Mê Kông nối tỉnh NaKhon PhaNom (Thái Lan) với tỉnh Khăm Muộn-Lào hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan kết nối đến Quảng Bình qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư giữa 3 nước ngày càng phát triển.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung tuyến đường 12A vào Hiệp định GMS, đồng ý cho phương tiện của Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo vào tới cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) và hoạt động trên hành lang Đông Tây từ Thái Lan theo đường Hồ Chí Minh ra đến Hà Nội và Hải Phòng. Điều này đã thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa hai chiều từ Thái Lan, Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày càng sôi động.

Riêng năm 2016, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 484 triệu USD, tăng 52% so với năm 2015; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 46 triệu USD và nhập khẩu đạt 438 triệu USD. Các sản phẩm hàng hoá xuất, nhập qua cửa khẩu gồm: dệt may, điện tử, sản phẩm nông nghiệp, hải sản, cao su, gỗ các loại, nhựa thông, than, vật liệu xây dựng, thạch cao, trái cây...

Bình quân mỗi ngày, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đón khoảng 1.140 lượt người và 340 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh. Với con số ấn tượng này, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo được đánh giá là khu kinh tế tăng trưởng năng động nhất trong cả nước so với các khu kinh tế có chung biên giới với nước bạn Lào.

Nếu như những năm trước đây, hầu hết các phương tiện và người qua lại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo chủ yếu là khách du lịch, Việt kiều về thăm quê hương thì hiện nay có rất nhiều thành phần, trong đó có người nước ngoài đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác đến Quảng Bình để khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, sản xuất.

Đặc biệt, dựa vào thế mạnh của mỗi bên, sự tạo mọi điều kiện thuận lợi của Quảng Bình và các địa phương nước bạn, hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp của tỉnh thường xuyên thực hiện quan hệ thương mại với các tỉnh của nước bạn Lào và Thái Lan để xuất, nhập khẩu hàng hóa qua về.

Các thủ tục hành chính về hải quan, xuất nhập khẩu, thuế tại cửa khẩu và những thủ tục liên quan đến hoạt động thương mại ngày càng được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn; việc khai hải quan từ xa qua mạng internet đã được thực hiện rộng rãi trong doanh nghiệp, thời gian thông quan được rút ngắn, đã khuyến khích được các tổ chức, cá nhân hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, Nhà máy sản xuất than xanh do Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình đầu tư xây dựng tại thị xã Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn đã đi vào hoạt động và sản xuất ổn định.

Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra hành lý và phương tiện xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra hành lý và phương tiện xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Gần đây, Quảng Bình đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Thái Lan và tham gia Hội chợ thương mại giữa các tỉnh biên giới các nước Tiểu vùng sông Mê Kông năm 2016. Tỉnh tổ chức làm việc với đoàn doanh nghiệp của một số tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, đoàn của của Trường đại học Chulalongkorn và Đại học Nakhon Phanom đến Quảng Bình khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư thương mại theo Chương trình 9 tỉnh 3 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan dọc theo tuyến đường EWEC.

Quảng Bình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH Petro Lào triển khai thực hiện dự án “Xây dựng kho ngoại quan và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ cảng biển Hòn La, tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) sang tỉnh Khăm Muộn (Lào)” với tổng mức đầu tư 680 triệu USD.

Các tuyến vận tải hành khách quốc tế gồm: Đồng Hới-Viên Chăn và ngược lại, Đồng Hới-Thà Khẹc và ngược lại, Đồng Hới-Savannakhet và ngược lại, Đồng Hới-Chăm Pa Sắc và ngược lại, Ba Đồn-Chăm Pa Sắc và ngược lại cũng đang được các doanh nghiệp khai thác ổn định, hiệu quả.

Thêm một mùa xuân mới nữa lại về, Quảng Bình sẽ có thêm nguồn sinh khí mới để tiếp tục tô thắm cho bức tranh đa sắc màu về hoạt động kết nối giao thương, hợp tác hữu nghị với các tỉnh của nước bạn Lào và Thái Lan. Quảng Bình sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai, bởi hành lang kinh tế Đông Tây đang rộng mở...

Hiền Chi