.

Đầu năm góp chuyện thu hút đầu tư

Chủ Nhật, 22/01/2017, 16:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016 được xem là một năm "họa vô đơn chí" đối với vùng đất Quảng Bình. Trong bức tranh kinh tế với nhiều gam màu tối, vẫn nổi lên những điểm sáng, trong đó điểm sáng nhất là hoạt động thu hút đầu tư. So với các địa phương trong khu vực, Quảng Bình có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và điều kiện địa lý để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp, du lịch, chế biến nông lâm hải sản. Điều đó ai cũng biết, nhưng vì sao một thời gian dài, Quảng Bình ít được các nhà đầu tư chú ý đến?

Lý giải vấn đề đó, trong một lần đến Quảng Bình, chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch cho rằng, số lượng nhà đầu tư tìm đến còn khiêm tốn là do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố quan trọng là môi trường đầu tư của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn. Thấy được yếu điểm này, những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Một loạt các giải pháp thu hút đầu tư được đưa ra và bước đầu phát huy tác dụng.

Đoàn công tác Chính phủ nước bạn Lào khảo sát khu vực xây dựng Kho xăng dầu ngoại quan ở Hòn La.
Đoàn công tác Chính phủ nước bạn Lào khảo sát khu vực xây dựng Kho xăng dầu ngoại quan ở Hòn La.

Kết quả rõ nét nhất là đã có một số nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga… đến tìm hiểu và ký kết biên bản hợp tác đầu tư với tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu Việt Nam đến nghiên cứu, đầu tư như: Tập đoàn Dầu khí, Dệt may, Vingroup, Sungroup, FLC và nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào các lĩnh vực mà Quảng Bình có lợi thế, như: du lịch, công nghiệp, thương mại...

Một số dự án lớn, như: Cáp treo khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng của Tập đoàn Sungroup, Trung tâm Thương mại tổng hợp của Tập đoàn Vingroup, Kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La đến Khăm Muộn của Công ty TNHH Petro Lào... đang chuẩn bị được đầu tư. Ông Đinh Hữu Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết,  tổng số vốn mà các dự án đăng ký đầu tư trong 2 năm (2015 và 2016) vào Quảng Bình là hơn 45 ngàn tỷ đồng, bằng số vốn mà các nhà đầu tư đã cam kết trong 20 năm qua cộng lại. Đây được xem là một kỳ tích, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nền kinh tế.

Đáng chú ý, UBND tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức 2 hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, nhiều dự án đã triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, một số dự án tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, như: Dự án mở rộng Khách sạn Mường Thanh 5 sao, Dự án Trung tâm thương mại siêu thị Co.opmart, Dự án Phát triển hệ thống Logistics Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Dự án may xuất khẩu của Công ty S&D, Dự án nhà máy may của Vinatext...

Một tín hiệu khả quan nữa là, nếu như quãng thời gian dài trước đây không có lấy một dự án vốn nước ngoài nào đầu tư trên địa bàn, thì nay đã có 12 dự án, tổng mức đầu tư 108 triệu USD. Ngoài ra, có một số nhà đầu tư nước ngoài đang tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư, như: dự án Xây dựng kho ngoại quan và hệ thống  đường ống dẫn xăng dầu từ cảng biển Hòn La đến tỉnh Khăm Muộn (Công ty TNHH Petro Lào), tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD; dự án Cảng nước sâu Lệ Thủy (Quỹ INNARA - CH Séc)…

Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển, nhưng đã có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhiều nhất so với 5 năm qua. Trong đó, có Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội Doanh nghiệp người Việt tại CHLB Đức, Tập đoàn Dohwa Hàn Quốc, Tập đoàn Tài chính Bombay Ấn Độ, Tập đoàn Giáo dục Kinderword Singapore, Phòng Thương mại và Công nghiệp Séc Việt, đoàn doanh nghiệp Đông Bắc Thái Lan...

Kết quả, tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Tài chính Bombay Ấn Độ (Công ty Quasathu) về 3 dự án phát triển và mở rộng Khu nghỉ mát và giải trí sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng với tổng mức đầu tư dự kiến 185 triệu USD, khu du lịch spa suối nước nóng và dây chuyền nước đóng chai Phúc Trạch có tổng số vốn dự kiến 18 triệu USD và hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tại xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch thuộc Khu Kinh tế Hòn La với dự kiến giai đoạn I có tổng mức đầu tư 100 triệu USD.

UBND tỉnh cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Dohwa Hàn Quốc về dự án điện sinh học với quy mô khoảng 300MW, đồng thời rà soát, giới thiệu địa điểm cho Tập đoàn Giáo dục Kinderword Singapore khảo sát đầu tư dự án Trường Cao đẳng, Đại học quốc tế Pegasus tại Bảo Ninh và dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái Pegasus tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...

Năm 2016, toàn tỉnh đã cấp phép mới cho 77 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 10.613 tỷ đồng, trong đó có các dự án trọng điểm, như: Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hải Ninh của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros 3.600 tỷ đồng, dự án nuôi bò thịt của Công ty Hòa Phát 996 tỷ đồng, dự án Nuôi bò kết hợp trồng rừng của Công ty TNHH Quảng Bình Milk 319 tỷ đồng...

Đến nay, toàn tỉnh có 508 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 95.453 tỷ đồng. Hiện nay, một số dự án được cấp phép, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã triển khai các thủ tục cuối cùng để khởi công xây dựng.

Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tâm sự rằng, bất cứ người dân nào của Quảng Bình cũng có thể nhận thấy du lịch đang có bước phát triển mạnh mẽ. Quảng Bình thực sự đã trở thành điểm đến đối với du khách trong, ngoài nước và trong tương lai, với tiềm năng của mình, Quảng Bình sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn của Đông Nam Á. Hoạt động quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đã thực sự gây tiếng vang trên thế giới.

Các nhà đầu tư đã không bỏ lỡ cơ hội này, họ đã đón đầu xây dựng hàng loạt khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lưu niệm... Riêng năm 2015 và năm 2016 các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư 18 khách sạn từ 2 đến 5 sao với số lượng gần 1.200 phòng.

Dự án Khách sạn Mường Thanh 5 sao được đầu tư xây dựng.
Dự án Khách sạn Mường Thanh 5 sao được đầu tư xây dựng.

Lĩnh vực nông nghiệp lâu nay hầu như chưa có nhà đầu tư nào ngó ngàng tới, thì nay đã có 5 nhà đầu tư hàng đầu trong nước và quốc tế đầu tư dự án chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như: dự án chăn nuôi bò thịt Úc áp dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hòa Phát với quy mô 27.000 con/năm, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Dự kiến đầu năm 2017, có 2.000 con bò Úc đầu tiên sẽ được thả nuôi ở dự án này. Ngoài ra có dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà; dự án nuôi lợn giống của Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO...

Một tín hiệu khả quan nữa là số doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầ̀u tư kinh doanh trong năm 2016 cao nhất trong 10 năm qua, với 564 doanh nghiệp, tăng 9% so với năm 2015, tổng số vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 12-2016, tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh là 4.696 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 25.455 tỷ đồng.

Có thể nói, lúc này, Quảng Bình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn về tương lai, khi các dự án lớn đi vào hoạt động mỗi năm các dự án sẽ đóng góp cho ngân sách trên chục ngàn tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế tỉnh nhà tăng tốc phát triển.

Trọng Thái