.

Chú trọng bảo quản tốt thuyền, bơ nan và ngư cụ

Thứ Hai, 09/05/2016, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với nông dân, nếu như con trâu và những chiếc máy làm đất, máy gặt... được xem là "đầu cơ nghiệp" thì với ngư dân, những chiếc thuyền, bơ nan và ngư cụ cũng được xem là gia tài rất quan trọng. Trong khi chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng về nguyên nhân cá biển chết hàng loạt, hoạt động đánh bắt vùng biển gần bờ tại địa bàn tỉnh ta vẫn đang bị nghiêm cấm, thì việc bảo quản tốt thuyền, bơ nan và ngư cụ của ngư dân là vấn đề rất cần thiết...

Gần một tháng nay, kể từ khi xảy ra tình trạng cá biển chết hàng loạt, rất nhiều ngư dân ở tỉnh ta đã kéo thuyền, bơ nan lên bờ "đắp chiếu" chờ đợi ngày ra khơi trở lại để kiếm kế sinh nhai. Chúng tôi đã có mặt tại một số địa phương trong tỉnh để tìm hiểu về công tác cất giữ, bảo quản thuyền, bơ nan, ngư cụ...

Chủ tịch UBND xã Đức Trạch (Bố Trạch) Hồ Đăng Chiến cho biết: Ngoài 246 chiếc tàu đánh bắt xa bờ (công suất từ 90 đến 800 CV), toàn xã còn có 490 chiếc thuyền và bơ nan công suất dưới 20 CV (trong đó có khoảng 200 chiếc được đăng ký, đăng kiểm) chuyên hoạt động khai thác thủy sản gần bờ. Kể từ khi xảy ra tình trạng cá biển chết hàng loạt, tất cả các thuyền, bơ nan trong xã đều ngừng hoạt động. Nhiều chiếc đã được ngư dân cẩn thận kéo lên bờ, đưa vào sâu trong làng để tiện cho công tác bảo dưỡng, bảo vệ, hạn chế hỏng hóc do thời tiết nắng gắt...

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để phục vụ cho hoạt động đánh bắt, mỗi chiếc thuyền, bơ nan nói trên phải bảo đảm các điều kiện cần thiết với ước tính giá trị từ 50 đến 120 triệu đồng. Đây chính là khối tài sản rất giá trị của ngư dân.

Sửa chữa bơ nan ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch.
Sửa chữa bơ nan ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch.

Để chia sẻ với những khó khăn của ngư dân khai thác vùng lộng (vùng gần bờ) trong thời điểm chưa thể ra khơi, những ngày qua, UBND xã Đức Trạch đã chỉ đạo lực lượng công an viên phối hợp chặt chẽ với các tổ an ninh xung kích, các tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu Chiến binh..., thường xuyên tuần tra, kiểm soát, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Đặc biệt, UBND xã chủ động chỉ đạo lực lượng này nâng cao trách nhiệm bảo vệ thuyền, bơ nan, ngư cụ cho ngư dân để khi cấp trên cho phép đánh bắt là có thể sử dụng trở lại ngay. Đồng thời tích cực vận động từng ngư dân chủ động cất giữ, bảo quản tốt tài sản của gia đình. Đối với những thuyền, bơ nan bị hàu, rêu mốc... bám nhiều ngư dân cần khẩn trương lau chùi, cạo hàu rồi quét nhựa đường, sơn lại để tránh mục và hư hỏng; tranh thủ thời gian nhàn rỗi để tu sửa lại ngư lưới cụ, bảo dưỡng máy móc...

Vợ chồng ngư dân Phạm Văn Hải và Hồ Thị Huệ trú tại thôn Bắc, xã Nhân Trạch (Bố Trạch) tâm sự: “Gia đình tôi lao động nghề biển, tằn tiện suốt mấy chục năm mới có thể sắm được chiếc thuyền và ngư cụ trị giá trên 450 triệu đồng. Mấy hôm đầu chính quyền không cho phép đánh bắt gần bờ, chúng tôi cuốn lưới đưa về nhà cất giữ và luôn bố trí người hàng đêm ra thuyền ngủ để trông coi tài sản. Bí quá thì khoá boong thuyền rồi gửi nhờ bạn thuyền neo đậu bên cạnh trông coi giùm. Nhận định thời gian nghỉ biển sẽ còn dài, chúng tôi quyết định tháo máy thuyền, thiết bị dò cá, định vị... đưa về nhà cất giữ cho tiện và đỡ lo lắng mất cắp. Tài sản của mình thì phải chủ động bảo vệ trước mới có thể an tâm được...

Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch Nguyễn Văn Nghi thông tin thêm: Địa phương hiện có tổng số 253 chiếc thuyền, bơ nan công suất từ 8 đến 90 CV (trong đó khoảng 100 chiếc thuyền có trị giá từ 400 triệu đồng trở lên; số còn lại là bơ nan giá trị từ 50 đến 100 triệu đồng/1chiếc). Để có số phương tiện này, bà con ngư dân đã phải tốn không ít thời gian, công sức lao động, thậm chí phải vay vốn từ ngân hàng, bà con anh em... mới có thể sắm được.

Cũng bởi "cần câu cơm" giá trị kinh tế lớn nên hầu hết các ngư dân đều rất có ý thức tự bảo vệ. Trong thời điểm chưa được phép đánh bắt hải sản vùng gần bờ, địa phương đã tích cực vận động ngư dân đưa thuyền (công suất từ 20 CV trở lên) vào khu vực neo đậu có hệ thống điện thắp sáng để tiện cho việc trông giữ, nhất là vào thời điểm ban đêm.

Lực lượng an ninh và các đoàn thể ở địa phương luôn túc trực tuần tra, kiểm soát để hỗ trợ ngư dân bảo vệ tài sản, ngăn chặn trộm cắp, phá huỷ tài sản... Chính nhờ đó, tình trạng ăn cắp ngư cụ hay cố ý phá hoại thuyền, bơ nan của ngư dân Nhân Trạch vẫn chưa hề xảy ra.

Ngư Thủy Nam, một trong những xã thuộc vùng bãi ngang của huyện Lệ Thủy cũng đang gặp phải những khó khăn do hậu quả của tình trạng cá biển chết hàng loạt trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê, toàn xã hiện có hơn 270 phương tiện (chủ yếu là bơ nan), vì thế, việc bảo quản ngư lưới cụ của người dân hiện đang trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết khi chưa có kết luận của các cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá biển chết hàng loạt.

“Hiện tại, chúng tôi đang chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường bãi biển; bảo đảm an ninh trật tự; đồng thời tăng cường vận động nhân dân chủ động tu sửa, bảo quản ngư lưới cụ để có thể tham gia đánh bắt thủy sản ngay khi được sự cho phép của các cơ quan chức năng”, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hiếu nói.

Việc bảo quản thuyền, bơ nan và ngư cụ của ngư dân là hết sức cần thiết. Tin rằng, khi hoạt động đánh bắt hải sản gần bờ ở tỉnh ta được cho phép trở lại, các ngư dân sẽ tiếp tục ra khơi một cách thuận lợi, hạn chế được những tổn thất không đáng có do chủ quan, lơ là...

Văn Minh-Nguyễn Hoàng