.

Công điện khẩn của UBND tỉnh về việc phòng trừ rầy hại lúa vụ đông-xuân 2015-2016

Thứ Năm, 05/05/2016, 07:55 [GMT+7]

(QBĐT) - L.T.S: Ngày 4-5-2016, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc phòng trừ rầy hại lúa đông xuân 2015-2016, nội dung như sau:

Hiện nay rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa (sau đây gọi chung là rầy) đang phát sinh gây hại ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã. Toàn tỉnh có 4.115 ha bị nhiễm rầy, trong đó: Lệ Thủy 1.500 ha, Quảng Ninh 1.100 ha, Bố Trạch 900 ha, Quảng Trạch 300 ha, Ba Đồn 90 ha, Tuyên Hóa 115 ha, Đồng Hới 100 ha, Minh Hóa 10 ha, mật độ phổ biến 1.000 – 1.500 con/m2, nơi cao 7.000 – 10.000 con/m2, cục bộ 15.000 – 20.000 con/m2, đã xảy ra cháy chòm ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch... (diện tích đã cháy quy đông đặc 15,5 ha).

Diện tích mật độ rầy cao nguy cơ có cháy trong thời gian tới là 1.480 ha, trong đó: Lệ Thủy 500 ha, Quảng Ninh 480 ha, Đồng Hới 25 ha, Bố Trạch 320 ha, Quảng Trạch 80 ha, Ba Đồn 20 ha, Tuyên Hóa 50 ha, Minh Hóa 5 ha.

Để chủ động phòng, chống rầy phá hại, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra đồng ruộng, tổ chức phòng trừ rầy kịp thời, có hiệu quả. Kiên quyết không để rầy phát sinh thành dịch.

- Tăng cường công tác điều tra phát hiện các vùng nhiễm rầy, dự báo các lúa rầy và khả năng gây hại để thông báo cho các địa phương kịp thời phòng trừ.

- Phối hợp với các địa phương, hợp tác xã (thôn) chỉ đạo, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, sử dụng thuốc đặc hiệu để phòng trừ rầy hiệu quả.

- Phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng khác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng trừ rầy hại lúa để nhân dân biết, thực hiện.

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ rầy.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Khẩn trương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai quyết liệt công tác phòng trừ rầy hại lúa.

- Cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống cơ sở, đặc biệt là các địa phương có diện tích bị nhiễm dịch lớn để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và chỉ đạo phòng trừ rầy kịp thời.

- Tăng cường kiểm tra giám sát việc buôn bán và sử dụng đúng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để phòng trừ rầy.

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn thông qua hệ thống truyền thông cơ sở tuyên truyền, thông báo tình hình và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rầy để nhân dân biết, thực hiện.

- Chủ động bố trí kinh phí để hỗ trợ cho nông dân ở những địa phương có diện tích lúa bị rầy gây hại nặng.

Yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài những nội dung công việc được giao nêu trên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện; kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.