.

Cần đổi mới đầu tư và vận hành công trình cấp nước sinh hoạt - Bài 2: Phải đầu tư đúng chỗ và phân cấp quản lý đúng địa chỉ

Thứ Năm, 05/05/2016, 10:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Để khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả của hệ thống các công trình cấp nước tập trung, các địa phương cần đổi mới trong đầu tư, quản lý và vận hành công trình cấp nước sinh hoạt. Có như vậy, các công trình nước sạch mới phát huy tác dụng tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

>> Bài 1: Công trình nhiều, đạt chuẩn ít

Công trình cấp nước sạch ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch) phát huy hiệu quả nhờ đổi mới trong phân cấp quản lý.
Công trình cấp nước sạch ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch) phát huy hiệu quả nhờ đổi mới trong phân cấp quản lý.

Những mô hình phát huy hiệu quả...

Theo tình hình thực tế và kinh nghiệm đúc rút trong thực hiện chương trình nước sạch ở các địa phương trong tỉnh cho thấy, nơi nào có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa Trung tâm NS và VSMTNT của tỉnh với UBND các xã và người dân hưởng lợi thì ở đó công trình sẽ phát huy hiệu quả. Điển hình như công trình cấp nước sạch ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), xã Mai Thủy (Lệ Thủy), Thanh Hóa (Tuyên Hóa), xã Thanh Trạch (Bố Trạch)...

Cảnh Dương là xã miền biển của huyện Quảng Trạch có diện tích nhỏ hẹp, mật độ dân cư đông đúc. Những năm trước, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn nặng, hàm lượng sắt trong nước vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Bởi vậy, nước sinh hoạt luôn là mối quan tâm hàng đầu của bà con ngư dân nơi đây.

Năm 2001, được sự tài trợ của một dự án nước ngoài, người dân Cảnh Dương đã đóng góp thêm gần một tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Song khi đó, công trình cấp nước tập trung nên không phát huy được tác dụng. Đầu năm 2010, Trung tâm NS và VSMTNT hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng để nâng cấp công trình nước sạch xã Cảnh Dương nhằm cung cấp nước đến từng cơ sở sản xuất và hộ gia đình. Công trình gồm hai tháp nước có dung tích 80m3 và 10 máy bơm hoạt động liên tục trong ngày.

Đến nay, công trình nước sạch Cảnh Dương cung cấp nước sinh hoạt cho gần 2.000 hộ và hàng chục cơ sở sửa chữa tàu thuyền, sản xuất đá lạnh, các dịch vụ khác.

Theo ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, sau khi công trình nước sạch được nâng cấp vấn đề nước sinh hoạt không còn là nỗi lo thường nhật của người dân Cảnh Dương. Trong những tháng hè cao điểm, UBND xã chỉ đạo ban quản lý nước sạch chủ động lên lịch cấp nước cụ thể trong ngày để bà con biết, sử dụng trên tinh thần tiết kiệm nguồn nước. Ban quản lý nước sạch thường xuyên lấy mẫu nước đi kiểm tra theo định kỳ để bảo đảm chất lượng nguồn nước cung cấp cho nhân dân.

Nằm ven sông Gianh nên nguồn nước xã Thanh Trạch bị nhiễm mặn. Đây là xã có tốc độ đô thị hóa và phát triển dịch vụ cao nhất huyện Bố Trạch vì vậy nhu cầu về nước sạch tăng cao hàng năm. Năm 2014, Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh quyết định đầu tư công trình nước sạch Thanh Trạch với số vốn 34 tỷ đồng. Để công trình nước phát huy tác dụng lâu dài, Trung tâm phối hợp với xã khảo sát điều kiện tự nhiên, đặc tính sử dụng nước của địa phương và khả năng tham gia của người dân để lựa chọn loại hình công trình phù hợp.

Cuối năm 2014, công trình cấp nước sạch xã Thanh Trạch hoàn thành và đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân nơi đây. Đóng góp số tiền hơn 2 triệu đồng để đưa nước về từng nhà là khá lớn, song 100% số hộ dân nơi đây đều tích cực hưởng ứng.

Nhờ vậy, đến nay đã có hơn 2.500 hộ dân và các cơ quan đóng trên địa bàn xã như các trường học, trạm y tế, UBND xã, Ban quản lý cảng cá Sông Gianh và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá... đều đấu nối sử dụng nguồn nước từ công trình.

Với mục tiêu quản lý, khai thác công trình cấp nước bền vững, Trung tâm NS và VSMTNT thành lập Trạm cấp nước xã Thanh Trạch gồm 8 cán bộ, nhân viên đảm nhiệm toàn bộ các phần việc từ vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa đến thu ngân. Từ nguồn thu của Trạm cấp nước, các cán bộ, nhân viên có mức thu nhập ổn định 3,6 triệu đồng/tháng...

Những giải pháp hữu hiệu và sát thực tế

Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh khẳng định: “Chúng tôi bỏ hẳn lối tư duy về xây dựng công trình cấp nước vùng nông thôn theo kiểu xin - cho nhỏ lẻ như trước mà bây giờ muốn đầu tư thì công trình phải liên vùng, liên xã để thuận lợi trong quản lý và giảm chi phí”.

Nhằm đổi mới công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước nông thôn tập trung sau đầu tư, cuối năm 2015, UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn.

Người dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước sinh hoạt.
Người dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước sinh hoạt.

Theo đó, công trình cấp nước liên xã hoặc trong một xã có quy mô từ 500 m3/ngày, đêm trở lên, giao cho Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh quản lý, khai thác hoặc UBND tỉnh giao một đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện. Các công trình cấp nước trong phạm vi một xã công suất dưới 500m3/ngày, đêm thì UBND xã tổ chức vận hành, khai thác. Đến nay, tỉnh ta đã giao 60 công trình nước sạch cho các đơn phương, đơn vị quản lý, khai thác mang lại hiệu quả cao hơn.

Đối với các công trình đang “đắp chiếu” vì hư hỏng, sẽ rà soát lại toàn bộ để lập kế hoạch tiếp tục đầu tư, tu sửa đưa vào sử dụng lại tránh lãng phí. Trong đó, các công trình có nguồn nước ổn định, người dân thực sự có nhu cầu sử dụng thì xem xét cho lập phương án nâng cấp sửa chữa theo hướng bỏ các bể chứa nước tập trung, dẫn nước trực tiếp đến từng hộ dân; riêng công trình nguồn nước cung cấp không ổn định, người dân không có nhu cầu sử dụng thì cho chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc cho thanh lý theo quy định.

Cùng với đó, hiện nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch không nhiều nên địa phương phải tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các dự án và các tổ chức quốc tế. Do vậy, công trình phải được đầu tư nơi mà người dân thực sự có nhu cầu về nguồn nước sinh hoạt và không xây dựng công trình cấp nước nhỏ lẻ mà tập trung nguồn vốn cho dự án có quy mô, như dự án cấp nước sạch cho 22 xã vùng nam thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch; dự án cấp nước cho ba xã thị trấn Ngân Thủy, Sơn Thủy và Nông trường Lệ Ninh; dự án đưa nước về năm xã của huyện Quảng Ninh...

Nhiều ý kiến cho rằng, khi đầu tư xây dựng công trình cấp nước cần phải đồng bộ, theo hướng bền vững lâu dài. Mặt khác, công tác giám sát, kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình trong quá trình xây dựng đòi hỏi nghiêm túc và chặt chẽ. Đơn vị quản lý phải thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn xét nghiệm, kiểm tra và giám sát về chất lượng nước cho bà con yên tâm sử dụng.

Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, Nguyễn Văn Lào, công trình nước sạch được đầu tư góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nên phải huy động được nguồn đóng góp của nhân dân. Cơ chế ràng buộc người dân khi tham gia sử dụng nước từ công trình là một trong những giải pháp hữu hiệu bởi rõ ràng khi có sự đóng góp nhất định, không nhiều nhưng phải đủ kinh phí cho tổ tự quản hoạt động và sửa chữa khi công trình hỏng hóc nhỏ sẽ nâng cao được trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững công trình.

Đặc biệt, chỉ thực hiện đầu tư xây dựng công trình khi địa phương hưởng lợi có cam kết huy động đủ vốn đối ứng để thực hiện các hạng mục thuộc phần vốn do nhân dân đóng góp để thực hiện dự án đúng kế hoạch, sớm đi vào vận hành.

Hy vọng, với sự phối hợp giữa các bên, việc quản lý sử dụng các công trình cấp nước sạch tập trung sau đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ hướng đến mục tiêu tăng tuổi thọ công trình và tránh tình trạng tiền tỷ của Nhà nước bị lãng phí.

N.L