Thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản:

Tạo nguồn vốn vay phù hợp cho người dân

Cập nhật lúc 08:37, Thứ Năm, 20/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 15- 10- 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 63/2010/QĐ- TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Tiếp đó ngày 2- 12- 2011, có Quyết định 65/2011/QĐ- TTg sửa đổi một số điều của Quyết định 63/2010/QĐ- TTg. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) có Thông tư 28/2012/TT- BNN và PTNT ngày 28- 6- 2012 ban hành danh mục các loại máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 22/2012/TT- NHNN hướng dẫn thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ- TTg và Quyết định 65/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Theo các quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được vay vốn và hỗ trợ lãi suất bao gồm: HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có địa chỉ cư trú hợp pháp được UBND cấp xã xác nhận là cá nhân trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất; các doanh nghiệp có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân.

Việc vay vốn và hỗ trợ lãi suất được thực hiện với các loại máy móc, thiết bị: các loại máy làm đất, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía, máy sấy, vật liệu cơ bản đề làm sân phơi diện tích đến 1.000m2; máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất giống thủy sản, vật tư, thiết bị xây dựng, cải tạo ao hồ nuôi thủy sản, thiết bị, phương tiện phục vụ nuôi trồng, thu hoạch và vận chuyển thủy sản; thiết bị làm lạnh, cấp đông, thiết bị sản xuất nước đá trên tàu cá, hầm bảo quản phục vụ khai thác dài ngày trên biển. Các loại máy móc, thiết bị trên do các tổ chức, cá nhân sản xuất có giá trị sản xuất trong nước trên 60%; có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp, một trong những lĩnh vực được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo Quyết định 63/2010/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp, một trong những lĩnh vực được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo Quyết định 63/2010/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, theo Quyết định 63/2010/QĐ- TTg thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho các trường hợp: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua giống để áp dụng thử nghiệm lần đầu đối với các giống lúa, ngô tiến bộ kỹ thuật, có năng suất, chất lượng cao; tổ chức cá nhân mua bằng sáng chế để tự sản xuất hoặc phối hợp với các tổ chức, cá nhân khác sản xuất các loại máy móc, thiết bị có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; đăng ký sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm sáng tạo của nông dân có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước được Bộ NN - PTNT hoặc Bộ KH- CN quyết định công nhận. Các dự án ứng dụng khoa học công nghệ về giảm tổn thất sau thu hoạch được đưa vào hạng mục được hưởng cơ chế hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Theo Thông tư số 28/2012/TT-BNN và PTNT của Bộ NN và PTNT thì danh mục các loại máy móc, thiết bị  nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63/2010/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm 8 nhóm; 11 nhóm máy móc, thiết bị và dây chuyền thiết bị khác được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển. Thông tư số 22/2012/TT- NHNN quy định mức cho vay theo chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản như sau: mức cho vay được hỗ trợ lãi suất do khách hàng và ngân hàng cho vay thỏa thuận, tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa; lãi suất áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất; được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 50% lãi suất vay. Người có nhu cầu vay vốn theo chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản có thể vay tại Ngân hàng NN và PTNT và các ngân hàng thương mại nhà nước khác.

Thực hiện chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ngày 28- 7- 2012, Sở NN - PTNT  có công văn số 92/SNN- PTNT gửi Chi cục PTNT, UBND các huyện, thành phố; các ngân hàng thương mại nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gấp rút triển khai nhanh chóng, bắt đầu từ ngày 10- 8- 2012 trở đi. Mục đích giúp các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi hỗ trợ của chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản được tiếp cận nguồn vốn vay.

Có thể khắng định rằng, nếu thực hiện có hiệu quả Quyết định 63/2010/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân tỉnh ta có thêm một kênh vốn vay ưu đãi để ổn định và phát triển sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

                                                                                    Thanh Long

 

,
.
.
.