Nông dân lao đao vì tôm rớt giá

Cập nhật lúc 14:06, Thứ Năm, 20/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, người nuôi tôm trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ nguồn con giống khan hiếm, các đợt tôm bị dịch bệnh gây chết hàng loạt... và đến bây giờ nhiều hộ gia đình nuôi tôm lại đang lâm vào cảnh khốn khó vì tôm rớt giá liên tục trong những tháng qua. Trong khi đó, mọi chi phí đều tăng cao khiến người nông dân và doanh nghiệp đều lỗ vốn...

Người nuôi tôm "dở khóc, dở cười"

Vụ vừa qua, toàn tỉnh đã thả nuôi được gần 4.500 ha, trong đó tôm trên 1.500 ha. Tổng lượng giống thả nuôi được kiểm dịch là 86%. Bước vào giữa vụ, nhiều vùng nuôi ở Đồng Trạch (Bố Trạch), Quảng Phong (Quảng Trạch) đã xuất hiện rải rác tình trạng tôm chết do bị bệnh đốm trắng và hội chứng gan tụy với diện tích trên 54 ha.

Tuy nhiên, các địa phương đã làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh và dập dịch kịp thời nên đã ngăn ngừa dịch bệnh lây lan diện rộng. Có thể nói, vụ nuôi năm nay khá suôn sẻ từ khâu thả giống, đến khâu chăm sóc. Song vào mùa thu hoạch tôm thì nhiều hộ nuôi trong tỉnh đã phải “dở khóc, dở cười” vì giá tôm bị giảm xuống mức quá thấp.

Theo nhiều người nuôi tôm, thời điểm năm ngoái, bình quân giá tôm bán hơn 120.000 đồng/kg (loại 100con), có thời điểm lên đến 150.000 đồng/kg. Thế nhưng, đến vụ thu hoạch năm nay, giá tôm giảm chỉ còn 50.000-70.000 đồng/kg. Hiện nay, giá tôm tươi 80.000 -95.000 đồng/kg và 70.000- 80.000 đồng/kg đối với tôm ướp đá. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái thì 1kg tôm thấp hơn 40.000 - 50.000 đồng. Vừa bán xong 4 tấn tôm với giá 92.000 đồng/kg (loại 1: 70 con/kg), anh Hoàng Viết Huynh, ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) vẫn tiếc rẻ: “Chưa bao giờ giá tôm rớt thê thảm như vụ này”.

Nhiều hộ thả nuôi tôm cầm chừng vì đầu vào quá cao mà đầu ra thấp.
Nhiều hộ thả nuôi tôm cầm chừng vì đầu vào quá cao mà đầu ra thấp.

Trong khi đó, giá thức ăn cho tôm tăng thêm 20.000- 40.000 đồng một bao. Thuốc thủy sản, các sản phẩm xử lý nước, môi trường nuôi đều tăng từ 10-15% trở lên, chưa kể điện, xăng cũng đã tăng.

Theo anh Huynh, tiền đầu tư mua tôm giống đã hết gần 100 triệu đồng, chưa kể tiền đầu tư ao hồ, nhân công, tiền thức ăn đã ngốn vài triệu/ngày. Giá bán tôm phải được 150.000 đồng/kg mới có lãi, còn giá thấp như hiện nay thì lỗ nặng, chứ đừng nói đến chuyện huề vốn. Vì vậy, dù diện tích trang trại nuôi đạt 3 ha nhưng với đầu vào quá cao mà đầu ra quá thấp nên anh Huynh không thể duy trì nuôi 100% diện tích hiện có mà chỉ đủ vốn nuôi cầm chừng trong vẻn vẹn gần 1 ha (tương đương với 2 hồ).

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh. Cá biệt, có nhiều hộ nuôi đã vào lứa thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được, bởi tôm đang rớt giá mạnh. Nhiều nông dân cho biết, với mức giá này họ cầm chắc thua lỗ, bởi vụ tôm này chi phí nuôi tăng cao, cộng thêm nợ ngân hàng, vay nóng bên ngoài, tiền mua thức ăn, thuốc men... vây tứ phía. Vậy là đến một mùa thu hoạch, nông dân trong tỉnh lại phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”!.

Từ người "bán" thành người "nuôi" bất đắc dĩ

Phụ thuộc trực tiếp vào tình hình sản xuất của những người chăn nuôi chính là các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Chính vì vậy, rõ ràng là khi người nuôi lao đao vì thua lỗ thì doanh nghiệp cũng bị “chới với” theo người nuôi.

Theo chị Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc DNTN Tĩnh Phương, đóng ở địa bàn phường Phú Hải (Đồng Hới), là một trong những doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi có quy mô trên địa bàn tỉnh cho biết, trong ba năm trở lại đây, một thực tế đang diễn ra là chi phí sản xuất tăng cao, tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, trong khi tình hình “đầu ra” bấp bênh nên nông dân không dám đầu tư nuôi nhiều.

Đáng kể nhiều hộ nuôi đã phải bỏ nghề vì không theo nổi. Một trong những nguyên nhân chủ quan chính là do người nuôi thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn vốn nên dẫn đến tình trạng thua lỗ, từ đó không có nguồn vốn để tái sản xuất. Cũng vì lý do đó mà các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi nói chung và thức ăn thủy sản nói riêng cũng bị kéo theo buộc phải đóng cửa hoặc kinh doanh trong tình trạng bấp bênh.

Đơn cử tại doanh nghiệp Tĩnh Phương, mặc dù khởi nghiệp từ nghề kinh doanh thức ăn chăn nuôi phục vụ cho các trang trại và hộ gia đình có nhu cầu,  nhưng sau hơn 10 năm kinh doanh, doanh nghiệp đã kiêm thêm nghề nuôi tôm “bất đắc dĩ”. Nói như vậy bởi lẽ, nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ, không có khả năng thanh toán tiền nợ thức ăn và thuốc thú y, đành sang nhượng diện tích nuôi cho doanh nghiệp để trừ nợ, mà con số đó không nhỏ.

Cụ thể, doanh nghiệp của chị Phương đã phải nhận gán nợ của nhiều hộ nuôi tôm với gần 20 ao, hồ, có diện tích bình quân 3.000m2/hồ (tương đương tổng diện tích gần 7 ha), nằm rải rác chủ yếu ở  huyện Bố Trạch và Lệ Thủy.

Cũng theo anh Huynh, hầu hết các hộ nuôi tôm trên địa bàn đều phải phát triển sản xuất theo hình thức gối nợ và các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các hộ nuôi với số tiền nợ thức ăn có khi lên đến 1- 1,5 tỷ đồng. Nếu việc chăn nuôi thuận lợi và thu được lợi nhuận thì việc trả nợ cho các doanh nghiệp cũng dễ dàng. Tuy nhiên, với giá bán tôm như hai tháng trước (tháng 7, 8) và duy trì như hiện nay thì người nuôi phải gối nợ doanh nghiệp dài dài...

Qua tìm hiểu tại một số doanh nghiệp chế biến thủy sản cho thấy, hiện nay giá các loại nguyên liệu sử dụng trong chế biến tôm thành phẩm, chi phí vận chuyển, sản xuất đều tăng lên nên doanh nghiệp không thể mua tôm nguyên liệu với giá cao như trước. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn lại bị khống chế mức vay nên... tình hình tiêu thụ khó khăn khiến tôm càng rớt giá.

                                                                                           N. L



 

,
.
.
.