Khai thác tiềm năng rừng trồng ở Bố Trạch

Cập nhật lúc 08:49, Thứ Ba, 29/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Với diện tích vùng gò đồi rộng lớn, Bố Trạch là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển diện tích rừng trồng. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của huyện, nhiều xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu rừng trồng, hình thành các vùng rừng có năng suất, chất lượng cao.

Nhận thấy vai trò quan trọng của rừng trong đời sống của con người và hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng mang lại, những năm gần đây các lâm trường trên địa bàn huyện Bố Trạch như Lâm trường Bố Trạch, Lâm trường Bồng Lai, Lâm trường rừng thông Bố Trạch, Lâm trường Vĩnh Sơn... đã không ngừng phát triển diện tích rừng trồng.

Lâm trường Bố Trạch hiện đang sở hữu hơn 1.455 ha rừng trồng, chủ yếu là cây thông, keo lá tràm, trầm hương, huynh... Trong những năm gần đây, nhận thấy những ưu thế vượt trội của cây keo như thời gian sinh trưởng nhanh, có tác dụng cải tạo đất, hiệu quả kinh tế cao lại thích hợp với mọi địa hình (kể cả địa hình  có độ dốc lớn, đất xấu)..., Lâm trường Bố Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu rừng trồng, tập trung chủ yếu vào cây keo. Trung bình 1 ha keo khai thác sẽ thu về 47 triệu đồng, lượng dăm gỗ tận dụng từ việc khai thác keo có thể xuất ra thị trường với giá 1,1 triệu đồng/tấn. Hiện nay, thị trường có nhu cầu thu mua keo rất lớn, giá cả lại ổn định nên trồng keo được coi là hướng đi đem lại nhiều hiệu quả kinh tế. Trong năm 2012, Lâm trường Bố Trạch xây dựng kế hoạch phấn đấu trồng hết diện tích đất sẵn có với khoảng 1.700 - 2.000ha.

Khai thác mủ cao su ở Hoà Trạch.
Khai thác mủ cao su ở Hoà Trạch.

Cùng với Lâm trường Bố Trạch, Lâm trường rừng thông Bố Trạch được giao quản lý gần 3.200 ha đất rừng, chủ yếu là rừng thuần loài, cây thông nhựa và cây keo. Trong đó có 1.012ha rừng thông nhựa đang khai thác 356ha rừng cây cao su 4 - 5 năm tuổi và 1.700ha rừng thông và keo non đang độ tuổi điều chế và chăm sóc. Nhờ biết khai thác tiềm năng rừng trồng hiện có, lâm trường đã tạo việc làm thường xuyên và nâng cao giá trị thu nhập cho 143 cán bộ công nhân viên lâm trường và 324 hộ nhân dân nhận rừng sản xuất.

Để phát triển bền vững tiềm năng rừng trồng vốn có, việc chuyển đổi các loại cây lâm nghiệp khác sang cây cao su đang là lựa chọn được địa phương ưu tiên hàng đầu. Trong những năm gần đây, thực hiện chương trình trồng cây cao su tiểu điền của huyện, một phần diện tích đất rừng sản xuất của các xã vùng gò đồi sử dụng không hiệu quả nay chuyển sang đất trồng cây lâu năm (tập trung nhiều ở các xã Phú Định, Tây Trạch, Hoà Trạch, Vạn Trạch...). Bên cạnh đó, một số diện tích đất chưa sử dụng đã được người dân khai hoang phục hoá đưa vào trồng cây cao su. Hiện toàn huyện có 53.356,8ha đất rừng sản xuất, trong đó diện tích cây cao su gần 7.000ha.

Trong số 30 xã, thị trấn của huyện Bố Trạch, Tây Trạch là xã có diện tích cây cao su lớn thứ hai trong toàn huyện (chỉ sau Công ty Việt Trung). Trước đây diện tích đất rừng sản xuất ở Tây Trạch chủ yếu được sử dụng để trồng thông, keo lá tràm, tràm hoa vàng..., nhưng từ năm 1993 trở lại đây, địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất trồng thông, tràm hoa vàng sang trồng cây cao su.

Ban đầu, người dân địa phương không thực sự mặn mà với việc chuyển đổi cơ cấu rừng trồng nhưng từ khi những diện tích cao su đầu tiên đến tuổi khai thác và cho thu nhập khá cao, người dân nơi đây mới thực sự gắn bó với loại cây này và từng bước mở rộng diện tích trồng. Hiện toàn xã có 1.200ha cây cao su, diện tích khai thác là 873ha, sản lượng ước tính đạt trên 1.000 tấn. Nguồn thu nhập từ cây cao su đã giúp nhiều hộ dân ở Tây Trạch không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, trong đó ông Dương Đình Duật (ở thôn Võ Thuận 2) là một ví dụ điển hình. Ông Dương Đình Duật cho biết gia đình ông bắt đầu trồng cây cao su từ năm 1995, đến nay diện tích trồng cao su đã được mở rộng gần 10 ha. Ngoài việc mua sắm thêm nông cụ, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 4 lao động, mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 150 triệu đồng từ loại cây này.

Sau Tây Trạch, Hoà Trạch cũng là xã có diện tích cây cao su khá lớn với 980ha (chiếm ½ diện tích đất tự nhiên), đã đưa vào khai thác 460 ha. Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã Hoà Trạch thì toàn xã hiện có 70% hộ gia đình có trồng cây cao su, doanh thu là 16 tỉ đồng. Trong số những hộ gia đình thoát nghèo và làm giàu từ cây cao su, anh Trần Văn Hiệp ở thôn Sen là một minh chứng. Hiện gia đình anh trồng được gần 10ha cao su, thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Nhờ cây cao su gia đình anh xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái có nhiều điều kiện học hành.

Toàn huyện Bố Trạch hiện có 172.365 ha đất lâm nghiệp, trong đó Thượng Trạch với 71.959 ha và Tân Trạch với 36.231 ha là 2 xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất. Tuy nhiên, tại hai xã này do người dân chưa thực sự hiểu được những giá trị kinh tế từ rừng đem lại, chưa tận dụng được thế mạnh đất rừng nên chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, chưa có rừng sản xuất. Trong năm 2011, huyện đã xây dựng mô hình trồng thí điểm 50 ha keo tại xã Thượng Trạch và bước đầu cho thấy kết quả tốt. Tiềm năng rừng trồng của huyện phải kể đến Lâm Trạch với 2.246 ha và Liên Trạch với 1.949 ha bởi đây là hai xã nằm khá tách biệt, không thuộc hệ thống các xã vùng đệm, người dân nơi đây chủ yếu canh tác nông nghiệp và sống nhờ vào rừng.

Trong những năm gần đây, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều thôn bản trở thành những đơn vị văn hoá tiêu biểu nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế rừng. Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và thế mạnh về diện tích đất rừng, trồng rừng đang mở ra hướng đi bền vững, nhiều tiềm năng cho huyện Bố Trạch.

                                                                                             Thanh Hải



 

,
.
.
.