Những kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật lúc 05:53, Thứ Tư, 23/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - So với một số địa phương trong cả nước, tỉnh ta chính thức bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) tương đối muộn. Tuy nhiên, với sự đoàn kết chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, đến nay, tỉnh ta đã và đang gặt hái được những thành quả tích cực...

Ngay sau khi có sự chỉ đạo, hướng dẫn từ phía Trung ương, ngày 15-7-2011, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 04 NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Các huyện, thành phố trong tỉnh cũng nhanh chóng ban hành nghị quyết, kế hoạch hành động về xây dựng nông thôn mới và tổ chức quán triệt về đến tận cấp xã, thôn, bản (trừ huyện Minh Hóa đến nay vẫn chưa ban hành nghị quyết về chương trình này).

Đặc biệt, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; tích cực đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện chương trình tại nhiều địa phương; thường xuyên rà soát các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới; kịp thời ra các thông báo kết luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó, nhiều sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh để công tác chỉ đạo, ban hành văn bản ngày càng sát khớp với thực tế mỗi địa bàn...

Được xác định là một chương trình trọng điểm nên ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình MTQGXDNTM, công tác tuyên truyền được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Từ tháng 9-2011, Báo Quảng Bình mở chuyên mục “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Từ chuyên mục này, đã có rất nhiều bài viết, hình ảnh chuyển tải đến bạn đọc những thông tin rất bổ ích về chương trình MTQGXDNTM.

Phong trào người dân hiến đất, tài sản, công sức xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương.
Phong trào người dân hiến đất, tài sản, công sức xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương.

Trong đó có nhiều bài viết đề cập đến thuận lợi, khó khăn, vướng mắc tại các sở, ngành, địa phương; biểu dương những cách làm hay; kịp thời phản ánh sự bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chương trình... Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cũng chú trọng tăng thời lượng phát sóng hàng tuần, hàng tháng nhằm tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng về xây dựng nông thôn mới. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã tổ chức phát động “Bộ đội Biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mới” trong toàn lực lượng; Tỉnh đoàn phát động phong trào “Tuổi trẻ Quảng Bình chung tay xây dựng nông thôn mới”; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức triển khai làm điểm tại 9 khu dân cư “Nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới...; nhiều xã, thôn trong tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới như lồng ghép thông qua những buổi họp dân, sinh hoạt Đảng, đoàn thể...  

Ông Hồ Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, Chánh văn phòng điều phối Chương trình MTQGXDNTM tỉnh cho biết: Thời gian tỉnh ta bắt tay vào triển khai thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa nhiều, song những kết quả bước đầu mà chương trình này đưa lại cho tỉnh rất tích cực, khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bằng chứng, chương trình đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức đối với các cấp, ngành; khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới.

Đến cuối tháng 4-2012, tỉnh ta tổ chức được hàng chục lớp tập huấn, tạo điều kiện cho hơn 2.000 cán bộ từ cấp tỉnh đến huyện, xã và thôn, bản học tập, tham quan, học hỏi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới.  Nổi bật, nhiều địa phương trong tỉnh đã chọn tiêu chí giao thông và xem đây là một bước đột phá trong việc huy động nguồn lực từ sức dân. Nhờ đó, phong trào hiến đất, tài sản, công sức để giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông đang được triển khai một cách khá mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Tính đến ngày 26-4-2012, toàn tỉnh có 41 xã, với 5.755 hộ dân tự nguyện hiến tặng gần 424.000 m2 đất (bao gồm đất ở, đất vườn, đất ruộng...) và 27 xã, gần 12.000 hộ dân tự nguyện phá dỡ hàng rào, trụ cổng, cây cối các loại... để mở rộng, xây dựng đường giao thông theo đúng tiêu chí về nông thôn mới. Tổng giá trị đất và tài sản, ngày công mà người dân hiến tặng, làm lợi cho Nhà nước ước tính hơn 10 tỷ đồng.

Tiêu biểu nhất là huyện Tuyên Hóa có 13 xã, với 3.682 hộ dân tự nguyện hiến 257.380 m2 đất và 3.049 hộ tự nguyện phá dỡ cổn­g và hàng rào; huyện Quảng Trạch có 6 xã, với 897 hộ dân tự nguyện hiến tặng trên 86.400 m2 đất cùng hàng trăm hộ dân tự tháo dỡ trụ cổng, hàng rào, giải tỏa cây lâu năm... Hiện tại, tỉnh ta chọn 6 xã tiến hành làm điểm trong xây dựng nông thôn mới (2 xã được tỉnh chọn, 4 xã do cấp huyện, thành phố chọn); đã hoàn chỉnh bộ máy thực hiện chương trình theo hướng dẫn của Trung ương; hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn...

Nhìn chung, sau 1 năm toàn tỉnh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thành quả đạt được là khá nhiều và rất tích cực, nhưng những hạn chế, vướng mắc, bất cập... vẫn còn không ít. Cụ thể: Chương trình nông thôn mới là một cuộc vận động lớn nhưng công tác vận động đến nay đạt kết quả chưa cao, nội dung, đối tượng, phương pháp vận động chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; công tác quy hoạch không đạt mục tiêu đặt ra (kế hoạch tỉnh giao đến hết quý I năm 2012  phải hoàn thành phê duyệt ít nhất 70% số xã (98 xã), nhưng đến cuối tháng 4- 2012 cả tỉnh mới có 26,7% (39 xã) có đồ án được phê duyệt); đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã chưa được chú ý triển khai dẫn đến làm chậm tiến độ xây dựng kế hoạch nông thôn mới cấp huyện và tỉnh...

                                                                                                  Văn Minh





 

,
.
.
.