Triển vọng hợp tác đầu tư Quảng Bình với các tỉnh đông bắc Thái Lan

Cập nhật lúc 07:39, Thứ Năm, 08/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Vừa qua, đoàn công tác của tỉnh ta do đồng chí Trần Văn Tuân, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đến thăm, làm việc về lĩnh vực xúc tiến đầu tư tại các tỉnh đông bắc Thái Lan.

Tại đây, đoàn công tác của tỉnh đã phối hợp với hai tỉnh Nakhonphanom và Udonthani cùng Hội Việt kiều tại Nakhonphanom, Udonthani và Bang Kok (Thái Lan) tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giới thiệu những tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Bình trên các lĩnh vực du lịch, thương mại, nông nghiệp, đánh bắt chế biến thuỷ hải sản, phát triển năng lượng và giáo dục, đào tạo.

Đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nakhonphanom. Sau khi nghe báo cáo giới thiệu về tiềm năng cơ hội đầu tư vào Quảng Bình, lãnh đạo và đại diện hai tỉnh đã trao đổi phân tích nhiều lĩnh vực liên quan đến thực trạng và triển vọng hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của hai tỉnh.

Những nội dung chủ yếu được hai tỉnh quan tâm thảo luận là khai thác tiềm năng thế mạnh của tuyến đường 12 qua cầu Hữu Nghị III nối Thái Lan-Lào với Việt Nam; nâng mối quan hệ hợp tác giữa Quảng Bình với Nakhonphanom lên tầm cao mới. Trên thực tế mối quan hệ này đã được hình thành từ lâu và gần đây là qua các diễn đàn tại các Hội nghị cấp cao 8 tỉnh ba nước sử dụng chung đường 8 và 12.

Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Udonthani. Ảnh: P.V
Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Udonthani. Ảnh: P.V

Nhưng đây là lần đầu tiên đoàn cán bộ cao cấp tỉnh Quảng Bình đến thăm và làm việc với tỉnh Nakhonphanom từ khi cầu Hữu nghị III qua sông Mêkong nối tỉnh Nakhonphanom - Vương quốc Thái Lan với Khăm Muộn - Lào  khánh thành. Với mục tiêu là xúc tiến đầu tư, hai bên đã thảo luận, tháo gỡ những tồn tại và tìm tiếng nói chung trên một số lĩnh vực.

Hai bên cùng khẳng định việc xây dựng và đưa cầu Hữu Nghị III vào hoạt động là sự kiện quan trọng làm thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác phát triển giữa hai tỉnh vốn đã có lịch sử quan hệ hợp tác đã lâu đời. Con đường từ Nakhonphanom về Quảng Bình qua cửa khẩu Cha Lo theo đường 12A về cảng nước sâu Hòn La là con đường ngắn nhất để Nakhonphanom nói riêng và nhiều tỉnh đông bắc Thái Lan mở cửa ngõ ra biển Đông.

Tiềm năng có thể khai thác ngay và tốc độ tăng trưởng nhanh của Quảng Bình là du lịch, dịch vụ và thương mại, hai bên cần có giải pháp tích cực để phát huy một cách có hiệu quả hơn về tiềm năng này. Trước hết cần tập trung vào một số nội dung quan trọng bao gồm: giảm những loại thuế cần thiết tạo điều kiện giao lưu hàng hóa, tăng thời gian làm việc của các trạm  cửa khẩu, bàn phối hợp cơ chế làm việc không chỉ giữa cửa khẩu Cha Lo với Nakhonphanom mà cả cửa khẩu Khăm Muộn - Lào, khắc phục tình trạng tay lái nghịch ô tô giữa Việt Nam và Thái Lan...

Theo kiến nghị của Chủ tịch hiệp hội Công nghiệp Nakhonphanom là, nên thiết lập tuyến xe buýt Nakhonphanom - Quảng Bình và ngược lại trong ngày trên cơ sở liên doanh 3 tỉnh (Quảng Bình - Khăm Muộn và Nakhonphanom). Để xe ô tô được lưu hành thuận lợi giữa hai tỉnh, trong lúc chờ đợi quyết định của cấp có thẩm quyền, 2 tỉnh có thể  tổ chức dẫn đoàn, nghiên cứu sản xuất loại ô tô đồng thời có cả tay lái nghịch và thuận.

Lãnh đạo tỉnh ta đã thông báo kế hoạch về đầu tư trong khu vực cửa khẩu Cha Lo,  đầu tư mở rộng những cơ sở hạ tầng quan trọng thu hút đầu tư như: mở rộng cảng Hòn La giai đoạn II, xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch giai đoạn II, nâng cấp đường 12A...; đồng thời mời tỉnh Nakhonphanom tham dự Hội chợ quốc tế 8 tỉnh 3 nước sử dụng đường 8 và 12 trong tháng 6 năm 2012 tại Quảng Bình.

Tỉnh ta đề xuất cần tổ chức những chương trình làm việc sâu, cụ thể hơn giữa các sở, ngành chức năng. UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa để sự hợp tác hai bên cùng phát triển, đạt mức cao hơn. Quảng Bình mong muốn hai tỉnh kết nghĩa với nhau để nâng tầm cao hơn về sự hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, giao thông, giáo dục đào tạo, đầu tư...

Tiếp thu những đề xuất của tỉnh ta, lãnh đạo tỉnh Nakhonphanom đã giao cho các sở ngành liên quan chuẩn bị chương trình làm việc cụ thể. Tỉnh Nakhonphanom đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thống kê và thông báo lượng khách Thái Lan qua lại giữa hai tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương phối hợp làm việc với các công ty chế biến thủy sản tỉnh Nakhonphanom, tỉnh Mục Đa Hán và Tổ chức Thủy sản Trung ương Thái Lan đến làm việc với tỉnh Quảng Bình vào ngày 15/3/2012; Sở Giao thông - Vận tải nghiên cứu đề xuất sáng kiến sản xuất ô tô hai tay lái, đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải 2 nước để có chủ trương cho phép triển khai.

Sau hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Nakhonphanom,  đoàn cán bộ tỉnh ta đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình tại tỉnh Udonthani. Tham dự hội nghị có ông Sảrột Sẻng Arun, Phó Tỉnh trưởng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Khỏn Kèn và nhiều tổ chức kinh tế, cùng 70 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đầu tư: du lịch, bất động sản, chế biến thực phẩm, sản xuất ô tô... thuộc các tỉnh Udonthani, Nongkhai, Khỏn Kèn, Băngkok...

Sau khi nghe báo cáo các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, những tiềm năng cơ hội và những chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh ta, các tổ chức, nhà đầu tư Thái Lan hết sức quan tâm đến lĩnh vực du lịch, thương mại, phát triển nông nghiệp và đánh bắt nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản... phù hợp với chủ đề xúc tiến đầu tư mà tỉnh đã xác định là: "Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình - từ Biển Đông đến Biển Tây:  phát triển du lịch dịch vụ, thương mại, nông nghiệp và đầu tư".

Các tỉnh Đông Bắc Thái Lan hiện tại chưa có khả năng đầu tư vào Quảng Bình nhưng sẽ  có nhiều triển vọng để thu hút làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư có tiềm năng từ Bangkok, vì Chính phủ Thái Lan đã có chủ trương mạnh để phát triển kinh tế vùng đông bắc Thái Lan. Ngoài hệ thống giao thông hiện có, Chính phủ Thái Lan đã quyết định xây dựng và thông tuyến đường xe lửa từ Băngkok đến cầu Hữu Nghị III tỉnh Nakhonphanom. 

Cửa khẩu quốc tế Khăm Muộn, nối cầu Hữu nghị III  với tỉnh Nakhon Phanom. Ảnh: P.V
Cửa khẩu quốc tế Khăm Muộn, nối cầu Hữu nghị III với tỉnh Nakhon Phanom. Ảnh: P.V

Nhu cầu du lịch từ các tỉnh đông bắc Thái Lan qua Quảng Bình có xu hướng tăng nhanh. Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng cần ưu tiên phát triển du lịch, thông qua du lịch để mở rộng thương mại và quảng bá đầu tư. Những khó khăn hiện tại làm cản trở tiềm năng phát triển du lịch từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan đến Quảng Bình cũng tương tự như ý kiến của lãnh đạo tỉnh Nakhonphanom đã đề cập như: thủ tục hành chính, chính sách thuế, giao thông đi lại... đồng thời hệ thống vệ sinh môi trường tại khu vực cửa khẩu Cha Lo, tính chuyên nghiệp và cách tổ chức du lịch của các đơn vị du lịch của  Quảng Bình còn hạn chế.

Về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, Thái Lan có kinh nghiệm và có khả năng chuyển giao cho Quảng Bình công nghệ sản xuất giống trồng trọt và chăn nuôi đặc biệt là giống cây ăn quả. Lĩnh vực đánh bắt, chế biến, xuất khẩu thủy sản, nhu cầu các tỉnh đông bắc Thái Lan cần số lượng lớn cho tiêu dùng. Sản phẩm thủy sản đánh bắt và nuôi trồng của Quảng Bình khá lớn nhưng chưa vào được thị trường đông bắc Thái Lan do giá sản phẩm thủy sản nội đại hiện tại thấp hơn Quảng Bình, dù biết chất lượng thủy sản Quảng Bình cao hơn. Khả năng đầu tư của các nhà đầu tư Thái Lan vào lĩnh vực này chỉ có thể là, đầu tư nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ, sản xuất lưới, ngư cụ, liên doanh chế biến để xuất khẩu. Phía các doanh nghiệp Thái Lan kiến nghị Quảng Bình cần thiết tăng cường gửi đào tạo lưu học sinh Quảng Bình tại Thái Lan và ngược lại.

Trong thời gian lưu lại Thái Lan, đoàn đã đi thăm Nhà máy sản xuất phân vi sinh (Thaifamer), Nhà máy sản xuất mô tơ điện AMC (giám đốc nhà máy là con em người Quảng Bình tại Thái Lan); những tấm gương vượt khó, thành đạt, áp dụng sản xuất với công nghệ tiên tiến, có số lượng tiêu thụ lớn tại khu vực Asian trong đó có Việt Nam. Đoàn cũng tham quan một số trung tâm văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Bangkok, Thái Lan.

                                                                                                                    P. V



,
.
.
.