.

Ngôi làng mang tên ngày sinh nhật Bác

Thứ Năm, 26/05/2016, 13:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Mang cái tên thật đặc biệt, nằm dọc theo Quốc lộ 1, dưới chân dãy Hoành Sơn, phía Nam xã Quảng Đông (Quảng Trạch), hơn 55 năm qua các thế hệ ở làng “19 tháng 5” luôn tự hào, nguyện sống xứng đáng là người dân của ngôi làng mang tên ngày sinh Bác Hồ kính yêu.

Hưởng ứng chủ trương của huyện, một số hộ dân 2 xã Cảnh Dương, Quảng Tùng đã đến vùng đất hoang sơ này xây dựng vùng kinh tế mới. Không thể nói hết sự gian nan, thiếu thốn, bệnh tật mà những người mở đất từng trải qua. Họ vừa vào rừng lấy gỗ, dùng thuyền nan ra biển khai thác đá san hô để nung vôi xây nhà, vừa ra sức khai hoang, gieo trồng...

Từ vài chục hộ, ít năm sau đã hình thành một ngôi làng. Họ vui mừng ngắm những ruộng lúa trên đất mới, đàn bò, đàn lợn tăng nhanh. Lưới xăm, thuyền nghề, cá cơm, cá nục đêm về mọi người vui gồng gánh. Nhịp sống mới thêm vui sức trẻ, làng mang tên chính thức làng 19 tháng 5.

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, do địa hình gần biển, quốc lộ và nhiều cầu cống, nơi đây trở thành trọng điểm bắn phá của máy bay, tàu chiến địch. Tháng 10-1966, làng 19-5 trở thành một thôn của xã Quảng Đông.

Thực hiện quyết tâm bám trụ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, trung đội dân quân 19-5 được thành lập, gồm thanh niên, phụ nữ và cả các cụ phụ lão tình nguyện tham gia. Vừa tuần tra bảo vệ bờ biển, trung đội còn tổ chức trực phòng không, bắn máy bay Mỹ.

Ngoài khơi, tàu chiến địch vẫn ngày đêm nhòm ngó, với ý định dùng thuyền cao su, liều lĩnh đổ bộ, tung gián điệp biệt kích phá hoại phong trào của ta. Ngày 15-7-1967, âm mưu của chúng đã bị dân quân làng 19-5 đánh bại. Khoảng 21 giờ, tiểu đội tuần tiễu thấy có dấu hiệu khả nghi, phương án chiến đấu được triển khai kịp thời, một tên đền tội ngay phút đầu tiên đặt chân lên bãi biển làng 19-5, chúng hoảng hốt bỏ lại xác đồng bọn vội vã quay thuyền tháo chạy.

Tiếp đến, Đội thiếu niên quân 19-5 ra đời gồm 17 đội viên từ 14-17 tuổi, do Đậu Văn Kế làm đội trưởng, Nguyễn Văn Lộc làm đội phó. Ngoài canh gác và liên lạc, đội còn tham gia trực chiến, phối hợp bắn máy bay Mỹ.

Chỉ trong vòng 5 tháng, dân quân và thiếu niên quân 19-5 đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Đặc biệt, vào lúc 12 giờ ngày 1-8-1968 có sự chỉ huy của đồng chí xã đội phó Mai Quyến, đội thiếu niên quân đã bắn rơi tại chỗ một máy bay F4H của Mỹ. Tổng kết 4 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ 1964-1968, chi bộ 19-5 có 11 đảng viên, được tặng danh hiệu “Chi bộ thép”.

Bước vào Chiến dịch Đảo La năm 1972, toàn xã Quảng Đông và làng 19-5 trở thành nơi chia lửa đặc biệt của tuyến lửa Quảng Bình. Người dân sẵn sàng nhường hầm trú ẩn làm nơi cấp cứu thương binh; nhà dân thành nơi cất giấu vũ khí, lương thực... Nhân dân làng 19-5 cùng các lực lượng đã bất chấp hiểm nguy, vượt qua từ trường, thủy lôi của địch, vận chuyển hàng ngàn tấn gạo vào bờ để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam...

Mặc dù bom đạn kẻ thù cày đi xới lại, người dân làng 19-5 vẫn kiên cường bám trụ, các thế hệ nối tiếp nhau lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong quá trình mở đất cho đến ngày đất nước thống nhất. Bước vào đổi mới, nhân dân phấn khởi cải tạo đất đai, đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất vôi, gạch, ngói và phát triển khai thác hải đặc sản, thế mạnh tài nguyên biển. Vùng biển 19-5 bốn mùa êm ả, hải lưu thuần túy, là một bãi tắm đẹp thu hút du khách, lại có nhiều đặc sản quý như yến sào, hải sâm, tôm hùm...

Với hơn 80 tàu thuyền, hàng năm bà con thu về từ 300-500 triệu đồng mỗi tàu. Hiện tại làng có hơn 250 hộ, gần 850 nhân khẩu, được công nhận Làng văn hóa giai đoạn 2013-2014. Làng 19-5 là một trong những điển hình của xã thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Với 30 cựu chiến binh (CCB), chi hội 19-5 được thành lập sớm nhất trong xã (năm 1992). Đến nay chi hội có 96 đồng chí, 100% là hội viên gương mẫu, quỹ hoạt động trên 80 triệu đồng, là chi hội vững mạnh tiêu biểu, có nhiều thành tích về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, được Hội CCB tỉnh tặng bằng khen.

Học tập và làm theo Bác, các anh chị luôn nòng cốt trong mọi hoạt động của làng, từ công tác giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, vùng biển; khắc phục hậu quả bão lụt, tai nạn giao thông, chữa cháy rừng, quản lý vườn phi lao ven biển... Chi đoàn 19-5 trở thành chi đoàn vững mạnh xuất sắc, được Tỉnh đoàn tặng bằng khen. Các tổ chức, đoàn thể đều là chi hội vững mạnh, hoạt động tích cực...

Chi hội trưởng CCB Trịnh Văn Ngọ cho biết: Từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời và yên nghỉ tại Vũng Chùa-Đảo Yến, các CCB của làng vinh dự được tham gia đón tiếp các đoàn đại biểu cấp trên về viếng mộ Đại tướng. CCB tham gia trồng cây xanh và giữ gìn môi trường luôn sạch sẽ. Vào các ngày lễ lớn, chi hội thường tổ chức cho hội viên dâng hương viếng mộ Đại tướng.

Đồng chí Trịnh An Toàn, Bí thư chi bộ 19-5 tâm sự: “Với ý chí tự lực tự cường, quyết tâm vượt qua đói nghèo, nhân dân, cán bộ làng 19 tháng 5 luôn đoàn kết, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Từ ngày Đại tướng về với đất mẹ và an nghỉ tại Vũng Chùa Đảo Yến, nhân dân làng 19-5 thêm một vinh dự được thay mặt cả tỉnh, cả nước góp phần chăm sóc phần mộ Đại tướng. Đã từ lâu, người dân 19-5 thường giành một vị trí tôn nghiêm trong gia đình để lập bàn thờ Bác Hồ. Từ khi Đại tướng qua đời, mỗi gia đình lại có thêm bức chân dung Đại tướng bên chân dung của Bác”.

Phấn khởi trước những đổi thay của quê hương, cán bộ nhân dân làng 19-5 luôn phát huy quá khứ tự hào và thành quả hôm nay, đoàn kết xây dựng khu dân cư giàu đẹp, vững mạnh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, mãi xứng đáng là người dân của ngôi làng được mang tên ngày sinh của Bác Hồ kính yêu.

Nguyễn Tiến Nên