.

Về Kiến Giang - Bài 2: Những con hói quê hương

Thứ Tư, 11/05/2016, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở Lệ Thủy, có một hệ thống các con hói (kênh) liền kề như các nan quạt. Lịch sử đã khoác lên vai những dòng chảy ấy những giá trị thiêng liêng mà đến hôm nay, mỗi khi nhắc về nó, thế hệ xưa cũ của người Lệ Thủy vẫn thấy nao lòng.

>> Bài 1: Những cây cầu bắc qua dòng sông Kiến

Nhưng hôm nay, nhiều người Lệ Thủy vẫn đau đáu mãi một điều: những con hói đầy ắp kỷ niệm với nhiều người đang dần bị vùi lấp bởi ngổn ngang rác thải nhưng đau đớn hơn, chúng đang bị vùi lấp bởi chính sự vô ý thức của người dân, sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

Hói quê

Mảnh đất Lệ Thủy được tạo hóa ban phú cho dòng Kiến Giang và một hệ thống các con hói chằng chịt, nhất là phía tả ngạn dòng sông. Chỉ tính riêng xã An Thủy đã có 8 con hói lớn nhỏ. Xưa, cứ mỗi độ mùa về, dòng Kiến Giang lại đông vui rộn rã với những chiếc thuyền chở lúa vàng trĩu hạt.

Những chuyến đò chở ấm no, đủ đầy ấy lại xuôi theo các con hói rẽ về các làng, neo đậu lại ở các bến bãi rợp bóng mát. Dòng Kiến Giang cứ thế bình dị đi vào thơ văn, nhạc họa và đi sâu cả vào tâm thức của bao người dân quê lúa.

Nhiều người ví những con hói chính phía tả ngạn dòng Kiến Giang như 5 ngón tay trên cùng một bàn tay, gắn bó, thiết thân và không thể tách rời. Ở đó, có con hói Xuân Lai thông với Thạch Bàn, hói Cùng thông với Văn Xá, hói Cừa thông với Phú Hòa, hói Ngay thông với Phú Kỳ, hói Thạch Bàn, hói Phú Thọ vừa thông ra phá Hạc Hải vòng lên Mỹ Đức, Ngô Xá, lên núi Cẩm Ly. Với người Lệ Thủy, họ không biết những con hói này có tự bao giờ, chỉ biết mỗi thế hệ mới được sinh ra, đã thấy chúng hiện diện trong chính mạch nguồn đời sống của làng quê mình.

Với 17 năm làm chủ tịch UBND xã An Thủy, ông Võ Đăng Tiến (73 tuổi, Lộc Thượng, An Thủy) là người hiểu khá sâu sắc lịch sử lâu đời của hệ thống các con hói lớn nhỏ chảy qua vùng quê này. Theo ông, xưa, để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, giải phóng sức lao động mỗi khi mùa lúa về và nhất là để giải quyết úng hạn, tưới tiêu nước, nhân dân An Thủy lại đào thêm những con hói mới, cải tạo những con hói cũ.

“Quá trình đó kéo dài trong nhiều năm, lặp lại nhiều lần. Vậy nên, ở An Thủy mới có một hệ thống hói chằng chịt như rứa. Tôi còn nhớ những năm đầu thập niên 80, chính quyền huyện đã huy động lực lượng triển khai đào sâu, cải tạo lại tất cả các con hói trên địa bàn huyện”, ông Tiến gật gù. Trải qua nhiều đổi thay của lịch sử, đến hôm nay, không riêng gì hói Quan mà một số con hói ở Lệ Thủy vẫn vẹn nguyên giá trị trong đời sống sinh hoạt của người dân quê lúa, trong đó, giá trị nhất là hói Cùng.

Hệ thống các con hói có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Lệ Thủy.
Hệ thống các con hói có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Lệ Thủy.

Đây là con hói chảy qua giữa hai làng Xuân Lai (Xuân Thủy) và Lộc Thượng (An Thủy). Ra đời từ lâu đời, năm 1977, hói Cùng được “nắn” lại để phù hợp với địa thế và nhu cầu của nhân dân. Anh Võ Văn Tấn, trưởng thôn Lộc Thượng cho hay: “Không chỉ phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu, thoát úng mỗi khi mưa bão, lũ lụt mà với hệ thống đê vững chắc dài hàng cây số, hói Cùng còn là con đường giao thông quan trọng phục vụ cho nhu cầu đi lại của bà con mỗi mùa thu hoạch”. 

Đang bị lãng quên?

Ông Lê Minh Tâm (Đồng Phú, Đồng Hới) - một người con của quê hương Lệ Thủy - cứ trăn trở khôn nguôi là làm sao để những con hói hàng trăm năm tuổi ấy có thể trở về vẹn nguyên hình hài như thuở trước? Ông bảo, xưa kia, con hói Xuân Lai chảy qua làng mình có dòng nước thay đổi theo thời tiết và không giống như các con hói khác ở chỗ: sông nào cũng trong xanh về mùa hè, cáu đục vào mùa mưa, duy chỉ có hói Xuân Lai thì nắng đục, mưa trong. Nhưng những năm gần đây, bất kể mưa nắng, con hói này trở nên đen ngòm, tràn ngập rác và bốc mùi tanh nồng mỗi khi nắng gắt. Cây cối hai bên bờ mọc um tùm cùng với sự lấn chiếm dần của các công trình dân sinh, chưa kể đến một thời gian dài bị lãng quên, không được nạo vét, khơi thông khiến con hói dần bị thu hẹp.

Hầu hết các con hói lớn nhỏ ở Lệ Thủy cũng đang cùng chung số phận bị bỏ mặc khi có nơi thì nước đục ngầu, cáu bẩn, có nơi bị ngăn dòng chảy đến cạn khô và nghiễm nhiên trở thành một hố rác khổng lồ ngay giữa khu dân cư. Phía hữu ngạn sông Kiến Giang, con hói Đợi chảy qua giữa hai làng Đại Phong (Phong Thủy) và Tuy Lộc (Lộc Thủy) cũng trong tình trạng tương tự.

Nơi đây xưa kia vốn là địa điểm diễn ra lễ hội tát vung nổi tiếng, được tổ chức vào dịp tháng hai âm lịch vào những năm lúa chẹn đồng để cầu mưa, mong mùa màng bội thu. Có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, mang giá trị văn hóa tâm linh thiêng liêng nhưng điều đáng buồn là hiện nay con hói này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bị chặn dòng nước nên hói Đợi cạn đáy và ngổn ngang rác thải.

Dọc theo phía tả ngạn sông Kiến Giang đoạn qua địa phận xã An Thủy, việc bị bồi lấp, ô nhiễm trong lãng quên vẫn là thực trạng chung của cả 8 con hói lớn nhỏ. Có những con hói bề ngang nhiều đoạn chưa tới 1 mét. Mùa mưa còn đỡ, ngày nắng gắt thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đem những điều “mắt thấy, tai nghe” ấy thắc mắc với ông Võ Đình Thanh, Chủ tịch UBND xã An Thủy, chúng tôi cũng nhận được cái lắc đầu bất lực. Ông bảo, vẫn biết rằng hệ thống các con hói có ý nghĩa rất lớn nhưng nhiều năm gần đây, chính quyền xã cũng chưa thể có những nỗ lực để nạo vét, khơi thông bởi vẫn tại lý do muôn thuở: thiếu kinh phí. Tất cả đều trông chờ vào chính ý thức của người dân, nhưng điều này có vẻ khó!

Xe cộ thay cho thuyền bè, hệ thống nước sạch thay cho nước sông, hói, cùng với đó là việc xây dựng một số các công trình thủy lợi trên địa bàn gây ảnh hưởng đến dòng chảy sông Kiến Giang nên giá trị sử dụng của các con hói đang dần bị thu hẹp.

Trở lại với hói Xuân Lai (Xuân Thủy), cứ đến dịp lễ hội, chính quyền địa phương mới huy động khơi thông phía đầu con hói để dễ dàng cho thuyền bơi qua lại, còn quanh năm, con hói bị bỏ quên trong ô nhiễm và ứ đọng. Thêm nữa, hầu hết các con hói hai bên bờ sông Kiến Giang đều nằm giữa hai thôn hoặc hai xã nên việc “cha chung không ai khóc” cũng là một thực tế đáng buồn. 

Theo ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, do điều kiện kinh phí nên thời gian tới, huyện chỉ có thể tiến hành cải tạo một vài con hói chính. Theo đó, kế hoạch trung hạn của UBND huyện Lệ Thủy, trong năm 2017 sẽ tiến hành nạo vét 1,5 km đầu tiên của hói Xuân Lai, với mức đầu tư 1 tỷ đồng. Con số này có vẻ khá khiêm tốn với một hệ thống dày đặc các con hói lớn nhỏ ở hai bên bờ sông Kiến Giang và càng “như muối bỏ bể” với nhu cầu bức thiết của người dân hiện nay.

Trò chuyện với tôi, ông Đặng Ngọc Tuân, một người con của quê hương Lệ Thủy hiện đang sinh sống tại Thủ đô Hà Nội cứ trăn trở mãi: “Làm sao cũng phải quyết giữ lại những con hói này, bởi đó là môi trường sinh thái, là văn hóa, lịch sử và còn là ký ức. Việc làm cần thiết và cũng dài lâu nhất là tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường sống cho chính người dân.

Trước mắt, các địa phương phải huy động các hội, đoàn thể tổ chức dọn dẹp vệ sinh và coi đó là hoạt động thường niên. Đừng để các con hói trở thành hói chết”.

Có lẽ như lời ông nói, từ việc bảo vệ những con hói nhỏ đến việc giữ gìn nguồn nước mát trong của dòng Kiến Giang đều cần nhiều lắm sự quyết liệt của chính quyền các cấp và quan trọng hơn cả là ý thức của từng người dân.

* * *

Về Kiến Giang hôm nay, sải bước trên những cây cầu vững chãi, cảm nhận cuộc sống chảy trôi đôi bờ sông Kiến, tôi chợt nhớ câu thơ cuối trong bài thơ "Những con sông" của Bế Kiến Quốc: "Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?/ Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông". Bao thế hệ người Lệ Thủy tự hào đã được sinh ra và đi qua những năm tháng cuộc đời mình cùng dòng sông quê hương ngọt mát. Với họ, dòng Kiến Giang sẽ mãi là suối nguồn tha thiết, mật ngọt, tưới tắm bao mảnh đất, bao tâm hồn người.

Diệu Hương