.

Về Kiến Giang - Bài 1: Những cây cầu bắc qua dòng sông Kiến

Thứ Ba, 10/05/2016, 15:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi nhớ cách đây gần 10 năm, khi cây cầu Kiến Giang được thông xe, cụ ông cạnh nhà dù đã ngót nghét 90 tuổi vẫn cứ năn nỉ con cháu dẫn mình lên cầu để được ngắm nhìn công trình lớn nhất huyện Lệ Thủy lúc bấy giờ. Cụ bảo: chỉ cần ngắm thôi thì dù có “ra đi” lòng cũng thanh thản. Trong ánh mắt lấp lánh nắng trên sông của cụ hôm ấy chất chứa cả niềm vui và hạnh phúc của bao đời người dân xứ Lệ.

Lần lượt, cầu Kiến Giang, rồi cầu Phong Liên đã sừng sững bắc qua dòng sông ấy, riêng cây cầu Phong Xuân cũng sắp sửa hoàn thành, vậy là ước mong của người dân quê lúa về những cây cầu vững chãi bắc qua dòng sông quê đã không còn là mơ ước xa xôi.

“Khán đài” giữa dòng sông

Nhiều năm trước, khi cây cầu Kiến Giang mới chỉ tồn tại trong ước vọng, thì đò ngang, đò dọc trở thành phương tiện lưu thông phổ biến của người dân hai bên sông. Tiếng gọi “đò ơi” vang vọng giữa bốn bề sông nước rồi lọt thỏm giữa mênh mang gió lùa. Bạn tôi – một đứa trẻ vừa lên 10 - ngày đó cũng mất mẹ trong một chuyến đò dọc định mệnh. Nỗi đau không dễ nguôi ngoai, mỗi buổi hoàng hôn về, bạn lại ra bờ sông ngóng mẹ. Không riêng gì đứa trẻ tuyệt vọng đợi mẹ về bên bờ sông lạnh lẽo mà những năm tháng ấy, người Lệ Thủy ai cũng chỉ ước mong có một cây cầu vững chãi bắc qua sông, nối gần lại đôi bờ dòng sông Kiến, để vơi đi những giọt mồ hôi nhọc nhằn trong những ngày nắng lay lắt, để bớt đi những buổi còng lưng vượt quãng đường xa ngái khi mưa bão về. Rồi ước mơ ấy đã thành hiện thực khi tháng 4-2007, cầu Kiến Giang được khánh thành trong vỡ òa niềm vui và hạnh phúc của người dân quê lúa. Cầu dài 363 m, rộng 14 m, khởi công xây dựng vào tháng 4-2004 với tổng mức đầu tư trên 77 tỉ đồng.

Với huyện Lệ Thủy, cầu Kiến Giang là một gạch nối giao thông quan trọng nằm trên tỉnh lộ 16, nối Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh, giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân trong huyện, rút ngắn khoảng cách hai bên bờ sông và làm gần lại bước chân du khách đến với lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, suối nước nóng Bang... Ngày đó, người Lệ Thủy hy vọng có cây cầu này sẽ đồng nghĩa với việc mở được một cánh tay lớn phát triển kinh tế - xã hội về phía tây huyện, có thêm điều kiện khai thác đất rừng, gò đồi, giãn dân xây dựng kinh tế mới.

Cầu Kiến Giang – “khán đài” lớn giữa dòng sông
Cầu Kiến Giang – “khán đài” lớn giữa dòng sông

Và ngót nghét 10 năm trôi qua, niềm hy vọng ấy đã thành hiện thực khi cùng với nhiều công trình trọng điểm khác, cây cầu Kiến Giang đã thực sự làm thay đổi bộ mặt của huyện Lệ Thủy. Cây cầu đã hoàn thiện huyết mạch giao thông quan trọng là tỉnh lộ 16, góp phần phát triển kinh tế của phía tây huyện, đủ điều kiện để vươn lên mạnh mẽ phát triển kinh tế đa ngành, đa nghề. Và khu tái định cư ngay dưới chân cầu Kiến Giang hôm nay (tổ dân phố 1 và tổ dân phố 7, thị trấn Kiến Giang – PV) chính là minh chứng cụ thể nhất cho sự đổi thay của mảnh đất phía bên sông khi có sự hiện hữu của cây cầu nối hai bờ thương nhớ. Khi cầu Kiến Giang mới chỉ tồn tại trong niềm mơ ước của người dân xứ Lệ, vùng đất này chỉ là một bãi ruộng mênh mang, hiu hắt mỗi khi lũ đến, mưa về. Vậy mà nay, đây có thể coi như một khu đô thị trẻ với những nhà cao tầng mọc lên san sát, với đủ hàng quán và nhiều loại hình dịch vụ. Riêng với người Lệ Thủy, trọn một thập kỷ qua, cây cầu Kiến Giang còn như một khán đài lớn để nhân dân có thể đứng trên cầu, phóng tầm mắt ra giữa dòng sông để rồi hòa vào không khí rộn rã, nô nức của hội đua thuyền truyền thống trên sông. Nhưng cao hơn cả, cầu Kiến Giang chính là món quà quý giá mà Đảng, Nhà nước tặng cho quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như một lời tri ân sâu nặng với mảnh đất đã sinh ra một người con ưu tú, một tượng đài nhân cách lớn của dân tộc.

Đổi thay phố thị

Được khởi công từ năm 2011, cầu Phong Liên có tổng mức đầu tư hơn 82 tỷ đồng, nối liền hai bên bờ nhánh chính của sông Kiến Giang. Đây là công trình được thiết kế dạng cầu vòm bê tông cốt thép, gồm 5 nhịp dài, có bề dài 111,5m, rộng 15,1m, trọng tải là 93 tấn và quy mô tuyến theo tiêu chuẩn đường đô thị loại II. Đến tháng 8-2014, người Lệ Thủy tự hào đặt những bước chân đầu tiên lên cây cầu vững chãi, vun vén lên đó bao ước vọng về sự đổi thay của quê hương mình.

Cầu Phong Liên được xây dựng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần chỉnh trang đô thị của thị trấn Kiến Giang, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông thương để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của huyện Lệ Thủy. Ông Lê Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang vui vẻ chia sẻ cho chúng tôi những đổi khác của thị trấn kể từ ngày cây cầu ý nghĩa ấy được thông xe. Đó không chỉ là sự thúc đẩy cung cầu trong thương mại, dịch vụ, trong phát triển các ngành nghề kinh tế khác, không chỉ nối liền các tuyến đường giao thông quan trọng mà đã khoác áo mới lên bộ mặt vùng quê này. Và đúng như lời ông chủ tịch UBND thị trấn, khi bước lên tòa nhà cao tầng ngay phía chân cầu, phóng tầm mắt nhìn xuống, cầu Phong Liên sang trọng và lịch lãm, xe cộ rộn rã qua về. Ở một góc nhìn khác, ngay dưới dòng sông nhìn lên, cây cầu đẹp như một bức tranh nên thơ với những nhịp vòm mềm mại soi xuống dòng sông. Sẽ không hề khập khiễng nếu nhìn cầu Phong Liên với đôi mắt mơ mộng để rồi thấy thấp thoáng dáng dấp của cây cầu Pont Neuf – cây cầu vòm cổ nhất bắc qua dòng sông Seine của thủ đô Paris, nước Pháp. Phải chăng mọi cây cầu bắc qua sông đều mang đến cho con người ta cảm giác bình yên?

Cũng mang kiến trúc dạng cầu vòm, cầu Phong Xuân đang được xây dựng thay thế cây cầu cũ – vốn là một công trình giao thông nằm ngay giữa trung tâm hành chính của huyện Lệ Thủy. Khởi công từ tháng 7-2015, công trình cầu Phong Xuân có tổng mức đầu tư 49,8 tỷ đồng, được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và có chiều dài toàn cầu là 79,1m, bề rộng cầu 16m, thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị loại II. Trên công trường giữa mênh mang sông nước Kiến Giang, những kỹ sư, công nhân của Công ty cổ phần công trình đường sắt đang gấp rút hoàn thành công trình mang ý nghĩa quan trọng này. Anh Dương Đức Nghĩa, Giám đốc BQL các dự án huyện Lệ Thủy cho biết: “theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành vào tháng 12-2016 nhưng đơn vị thi công họ hiểu, với người Lệ Thủy, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là linh hồn của quê hương nên họ hứa sẽ hoàn thành trước dịp lễ hội 2-9, để hội đua thuyền vẫn diễn ra bình thường, tất nhiên là vẫn đảm bảo chất lượng công trình”.

Vậy là lễ hội năm nay, người Lệ Thủy có thể tự hào đi trên 3 cây cầu rộng rãi, vững chãi, cùng hòa vào tiếng hò reo cổ vũ, cùng náo nức theo tiếng hò hụi và tiếng gõ mõ giữa mênh mang sông nước. Qua bao chìm nổi của phận người, đời sông và lịch sử quê hương, những cây cầu ấy đã, đang và sẽ mãi hiện diện sừng sững như thế giữa sông nước Kiến Giang và cũng sẽ mãi vững chãi trong chính tâm hồn, trái tim của bao người dân xứ Lệ.

Diệu Hương

Bài 2: Những con hói quê hương