.

Quảng bá hình ảnh Quảng Bình qua phim ảnh: Để tiềm năng không bị bỏ lỡ...

Thứ Sáu, 13/11/2015, 16:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Mới đây, khi bộ phim bom tấn Hollywood “Pan và vùng đất Neverland” với trị giá hơn 150 triệu USD được công chiếu trên toàn thế giới, chúng ta mới biết rằng có nhiều cảnh quay đẹp, hoành tráng, hấp dẫn được lấy từ Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh. Đặc biệt, hình ảnh Hang Én với sự hoang sơ, kỳ bí vốn có của tỉnh ta được sử dụng làm bối cảnh cho một trong những phân cảnh quan trọng và ấn tượng nhất của cả bộ phim. Tuy vậy, trong khâu tuyên truyền, quảng bá cho bộ phim này vẫn không có dòng nào giới thiệu về các địa danh của Việt Nam, điều mà lẽ ra cần phải có để hỗ trợ chúng ta phát triển du lịch, kích cầu lượng khách đổ về...

Trên thực tế, không riêng gì các bộ phim nước ngoài, ngay cả các bộ phim trong nước khi mượn bối cảnh ở tỉnh ta, cơ hội quảng bá cũng “dễ dàng” bị trôi đi nhẹ nhàng...

N
Phim “Bến đò xưa lặng lẽ” lấy bối cảnh từ khu du lịch văn hóa-sinh thái-lịch sử Vực Quành, Nghĩa Ninh, TP.Đồng Hới.

Năm 2015 là năm “cơ hội vàng” cho du lịch Phú Yên. Bởi, sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt công chúng, các cảnh đẹp nên thơ của Phú Yên xuất hiện đã tạo một sức hấp dẫn lớn đối với du khách.

Nắm bắt cơ hội này, một mặt các đơn vị kinh doanh du lịch Phú Yên đẩy mạnh khâu quảng bá, mở thêm các tour lấy tên của bộ phim để thu hút du khách, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đã có sẵn, mặt khác, UBND tỉnh cũng vào cuộc khi mời đoàn làm phim trở lại Phú Yên để giao lưu với khán giả, thăm lại các địa điểm quay phim, tạo thêm điểm nhấn cho chương trình quảng bá du lịch của tỉnh.

Chưa dừng ở đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh này còn đề xuất để các hãng hàng không tăng thêm chuyến bay đến Phú Yên để đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo thống kê sơ bộ, sau khi bộ phim được công chiếu, lượng khách đổ về Phú Yên tăng nhanh, chưa kể đến các nhóm du khách tự túc hay đi theo hình thức phượt. Có thể nói, nắm bắt mọi cơ hội để quảng bá, kích cầu du lịch đang là xu hướng hiện nay của nhiều địa phương. Và sự bắt tay giữa du lịch và phim ảnh lẽ ra cần phải được đề cập đến từ lâu chứ không phải đến tận bây giờ mới được quan tâm. Còn ở tỉnh ta, không ít cơ hội “vàng mười” đã bị lãng phí như thế.

Khu du lịch văn hóa-sinh thái-lịch sử Vực Quành (Nghĩa Ninh, TP.Đồng Hới), một “bảo tàng chiến tranh” thật và sống động, cách đây mấy năm, chính là phim trường cho bộ phim truyền hình 21 tập “Bến đò xưa lặng lẽ”. Đây là bộ phim được đạo diễn bởi nghệ sĩ Trần Vịnh-người có thâm niên chuyên làm về phim chiến tranh và kịch bản được dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Xuân Đức. Bộ phim khắc họa cuộc chiến đấu khốc liệt, bi thương của người dân Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Số phận con người thông qua từng nhân vật đã được hiện lên chân thực, sống động, gần gũi với những cung bậc của cảm xúc trong sự kề cận giữa sự sống-cái chết, giữa cái cao thượng, lớn lao và sự ích kỷ, mưu toan.

Có dịp gặp gỡ, trao đổi với đạo diễn Trần Vịnh khi ông và đoàn làm phim về quay ở Vực Quành, ông chia sẻ, đã đi điền dã nhiều nơi, nhưng Vực Quành là khu vực ông ưng ý và ưa thích nhất. Nơi đây hầu như lưu giữ vẹn nguyên nhiều bối cảnh và hiện vật rất có giá trị cho bộ phim, như: bản sao một ngôi làng Quảng Bình thời chống Mỹ với hầm hào giao thông, hầm chữ A, trạm y tế, lớp học, cầu phà, suối... “Phim trường” Vực Quành vừa góp phần tiết kiệm chi phí cho đoàn làm phim trong tạo dựng bối cảnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi khi không phải di chuyển nhiều trong suốt quá trình quay.

Ông Nguyễn Xuân Liên, chủ nhân của Khu du lịch văn hóa-sinh thái-lịch sử Vực Quành cho biết, xây dựng phim trường chính là một trong những mục tiêu mà Vực Quành hướng đến, do đó, đoàn làm phim “Bến đò xưa lặng lẽ” được hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa trong quá trình quay phim. Sau khi bộ phim hoàn thành và ra mắt vào năm 2009, từ đó đến nay, không có bộ phim nào sử dụng Vực Quành để làm phim trường nữa.

V
Phim bom tấn Hollywood “Pan và vùng đất Neverland” với bối cảnh ở Hang Én, Quảng Bình.

Cơ hội để quảng bá cho một điểm đến văn hóa-lịch sử du lịch hấp dẫn cứ trôi tuột dần trong quên lãng. Và giờ đây, sau một thời gian dài thiếu nguồn kinh phí đầu tư, Vực Quành đang ngày một hoang phế và chờ đợi những cơ hội để “thức tỉnh”. Ông Nguyễn Xuân Liên chia sẻ, một số đoàn làm phim cũng từng ngỏ ý, như phim “Bí thư Tỉnh ủy”... Nhưng do phim thiếu kinh phí, điều kiện xa xôi cho nên “giấc mơ phim trường” với Vực Quành càng xa ngái.

Trong bối cảnh phim truyện lịch sử cách mạng vẫn còn có sức hút lớn với công chúng, giá như có sự hỗ trợ tích cực hơn từ nhiều phía và tăng cường sự quảng bá, giới thiệu, biết đâu Vực Quành sẽ vừa trở thành một phim trường chiến tranh thực sự, vừa là một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách?

Còn nhớ cách đây chưa lâu, vào tháng 8 vừa qua, video clip “Say you do” của một người con đất Quảng Bình-Trương Nhật Hoàng-chơi đàn violon trong hang Tiên và tại nhiều cảnh đẹp khác của tỉnh ta, như: Bến phà Long Đại, rừng, biển... đã tạo một sức hút mạnh mẽ với gần 200.000 người xem tên trang mạng chia sẻ video trực tuyến youtube.

Sau video clip này, giới trẻ trong nước và quốc tế biết nhiều hơn về Quảng Bình với không chỉ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng mà còn bởi nhiều di tích, thắng cảnh đặc sắc khác, đồng thời, cũng thôi thúc, giục giã họ ghé thăm và khám phá vùng đất còn nhiều hấp dẫn này. Như vậy, rõ ràng kênh phim ảnh đang là một trong những phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả nếu chúng ta biết chớp lấy thời cơ, biến cơ hội thành những kết quả thực tiễn. Sắp tới, chắc chắn với sự tích cực giới thiệu hình ảnh Quảng Bình như hiện nay, nhiều điểm đến nổi tiếng của tỉnh ta sẽ được chọn làm bối cảnh cho không ít bộ phim trong nước và quốc tế.

Đã đến lúc, Quảng Bình cần có một chiến lược, bước đi cụ thể, chi tiết để mối quan hệ giữa du lịch và điện ảnh cùng thăng hoa, phát triển, tránh thời cơ đi qua, mà tiềm năng vẫn cứ mãi là tiềm năng như quãng thời gian vừa qua.

Mai Nhân