.

Một thời oanh liệt

Thứ Sáu, 02/10/2015, 16:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ký ức về những ngày đầu thành lập lực lượng vũ trang Quân khu 4, cùng đơn vị Nam tiến “chia lửa” tại chiến trường miền Nam vẫn còn nguyên vẹn, tràn đầy trong tâm thức đại tá Lê Lợi, nguyên Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình. Lật giở từng trang ký ức hào hùng ngày ấy, ông kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian không thể nào quên đó.

>> Xã luận: Tiếp nối truyền thống anh hùng của LLVT tỉnh trong thời kỳ mới

>> Ký ức về những "tháng ngày chưa xa"

Niềm vui thường nhật của đại tá Lê Lợi.
Niềm vui thường nhật của đại tá Lê Lợi.

70 năm về trước, người thanh niên Lê Lợi, quê gốc ở Xuân Thủy, Lệ Thủy khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra đã hăng hái tham gia vào công cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại thị xã Đồng Hới. Sau đó không lâu, tháng 10-1945, ông tình nguyện trở thành một trong những chiến sĩ của đội quân Nam tiến đầu tiên ở Quảng Bình. Sau gần 1 tháng tham gia huấn luyện quân sự tại Quảng Ngãi, ông được đảm nhiệm công tác liên lạc tại mặt trận Buôn Mê Thuột.

Ngày đó, Tây Nguyên trong đó có Buôn Mê Thuột là “miếng mồi ngon” mà bọn thực dân Pháp muốn “nuốt chửng”. Chúng huy động lực lượng, phương tiện đổ bộ hòng kìm kẹp, tiêu diệt quân chủ lực của ta. Đơn vị ông Lợi lúc đó cùng với quân dân Tây Nguyên đã anh dũng chiến đấu, bất chấp hiểm nguy, quần nhau suốt ngày đêm với kẻ thù. Vấp phải ý chí quyết tâm và khí thế tiến công của ta, địch nhanh chóng thất bại. Khi mặt trận Buôn Ma Thuột bị vỡ, đơn vị ông rút về đóng quân ở phía bắc đèo Cả, Tuy Hòa, Phú Yên.

Ông được bổ nhiệm làm thư ký Ban Quân nhu. Sau đó, trung đoàn của ông lại được điều động ra Bình Định làm nhiệm vụ. Tại đây, tháng 8-1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia thành lập chi bộ đảng đầu tiên của Trung đoàn bộ Trung đoàn 95 ở Bình Định. Nhờ nhiệt tình, năng nổ, kết hợp tốt giữa công tác chuyên môn với công tác đảng, công tác chính trị nên ông được tín nhiệm, bổ nhiệm làm Trưởng tiểu ban Chính trị Trung đoàn bộ Trung đoàn 120 Bình Định, làm Bí thư chi bộ, Liên chi ủy viên của Liên chi bộ đảng 3 cơ quan tham mưu-chính trị-hậu cần.

Suốt 9 năm trong kháng chiến chống Pháp, đơn vị Nam tiến của ông Lợi đã tham gia và giành chiến thắng vang dội ở nhiều trận đánh có ý nghĩa chiến lược với kẻ thù, trong đó tiêu biểu là các chiến dịch ở Sơn Hà, tây Quảng Ngãi, bắc Quảng Nam, tây Bình Định và đặc biệt là bắc Tây Nguyên. Bắc Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, uy hiếp trực tiếp vùng tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi của ta. Giữa tháng 2-1953 kế hoạch tiến công lên bắc Tây Nguyên được thông qua.

Đơn vị của ông Lợi lúc đó có nhiệm vụ tiến công hai cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, phá vỡ thế phòng thủ đông bắc của địch. Măng Đen và Măng Bút cách nhau 10km, là hai cứ điểm then chốt nhất, nằm trên quả đồi hình yên ngựa và được chia làm hai khu. Tại đây, ta và địch đã quần nhau ác liệt suốt nhiều ngày liền. Trong chiến dịch này, ông Lợi được điều lên làm cán bộ tổ chức, trợ lý và là liên lạc của chính ủy Trung đoàn 108. Nhiệm vụ của ông là nắm tình hình hoạt động của các đơn vị, truyền đạt chỉ thị của Chính ủy, Trung đoàn xuống các đơn vị chiến đấu.

Với tinh thần quả cảm, dù bất cứ ở cương vị nào ông Lợi cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau khi đẩy lùi được quân địch tại hai cứ điểm Măng Đen và Măng Bút, Trung đoàn của ông Lợi tiếp tục hướng mũi tiến công về Plây-cu, tiến vào sở chỉ huy địch, tiêu diệt và làm bị thương gần 200 tên. Sau 20 ngày đêm “sống mái” với kẻ thù, ngày 17-2, chiến dịch bắc Tây Nguyên kết thúc với thắng lợi trọn vẹn thuộc về ta. Đơn vị của ông Lợi được cấp trên khen ngợi vì những chiến công đã lập được.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Lợi theo đơn vị tập kết ra Bắc. Đến khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bùng nổ, ông lại một lần nữa cầm súng lên đường làm nhiệm vụ. Tháng 7-1972, khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc trở lại, ông Lợi khi đó đã được phong quân hàm trung tá, được Quân khu giao nhiệm vụ biệt phái về công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ty Thông tin Văn hóa tỉnh. Và với cương vị công tác mới, ông Lợi một lần nữa không làm phụ lòng những người tín nhiệm mình, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, cùng các đồng đội góp phần làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ vĩ đại của dân tộc.

Năm 1980, đại tá Lê Lợi về hưu sau gần 30 năm đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nơi chiến trận. Mang trong mình những phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ, ông chưa bao giờ để bản thân được nhàn hạ, sống ỷ lại. Chính vì vậy, năm 1990, khi được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh ông đã không ngần ngại đảm đương trọng trách mới. Và hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng ông Lợi vẫn tham gia vào những hoạt động của các cấp Hội CCB, của các đoàn thể ở khu dân cư, luôn là tấm gương sáng để nhiều thế hệ con cháu tự hào, noi theo.

Đ.V