.

Xứng danh "Xê" gái Ngư Thủy anh hùng

Thứ Sáu, 02/10/2015, 21:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Mang theo niềm tự hào, xúc động được chứng kiến hình ảnh các o dân quân vai mang súng rầm rập hành quân tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9, tôi tìm về với các o dân quân pháo binh Ngư Thủy hào hùng của thời đánh Mỹ. Ngày ấy, các o, các chị cũng mười tám, đôi mươi căng tràn sức sống...

>> Xã luận: Tiếp nối truyền thống anh hùng của LLVT tỉnh trong thời kỳ mới

>> Ký ức về những "tháng ngày chưa xa"

Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy - Đơn vị Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ. Ảnh: TƯ LIỆU
Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy-Đơn vị Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

...Ngày ấy, trước thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ tăng cường hoạt động quân sự chống phá miền Bắc. Sau hàng loạt hành động khiêu  khích phá hoại có hệ thống, chúng dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc bộ” để đánh lừa dư luận thế giới và trong nước Mỹ, chính thức dùng không quân và hải quân đánh phá, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại với quy mô lớn và tàn bạo đối với miền Bắc.

Chúng thực hiện mưu đồ ngăn chặn sự chi viện của bạn bè quốc tế vào miền Bắc và sự tiếp tế từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam mà Quảng Bình được xác định là địa bàn trung chuyển chiến lược. Chúng đã dội xuống Quảng Bình hàng ngàn tấn bom đạn, không làng mạc, đồng quê nào là không có đầu rơi, máu chảy. Ngư Thủy - một xã ven biển ở cực nam tỉnh Quảng Bình cũng là một trong những làng quê phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát.

Giữa những ngày ác liệt đó, quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân, động viên mọi thành phần tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước và đưa nam giới ra chiến trường, Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Bình quyết định thành lập Đại đội dân quân gái pháo binh Ngư Thủy. Ngày 21 tháng 11 năm 1967, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy chính thức thành lập. Đại đội được biên chế 37 chiến sỹ tuổi đời từ 16 đến 22, được trang bị 4 khẩu pháo 85 ly. Đồng chí Ngô Thị The phụ trách đại đội trưởng, đồng chí Trần Thị Thản làm chính trị viên. 

Sau hai tháng huấn  luyện, ngày 7 tháng 2 năm 1968, toàn đại đội đánh trận đầu tiên. Bằng 48 viên đạn, chiếc tàu khu trục mang số hiệu 013 của Mỹ đã bốc cháy dữ dội trên vùng biển quê hương. Phát huy chiến thắng, chỉ trong vòng 100 ngày, đại đội đã bắn cháy 3 tàu khu trục của hải quân Mỹ, góp phần bảo vệ vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Những tấm gương chiến đấu ngoan cường, dũng cảm đã xuất hiện.

Đại đội trưởng Ngô Thị The, chính trị viên Trần Thị Thản, trận nào cũng bình tĩnh, mưu trí chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi; trung đội trưởng Ngô Thị Khá, pháo thủ số 1 Trần Thị Quyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Mặc dù bom đạn đại bác địch nổ xung quanh khẩu đội, chiến sỹ quyết thắng Trần Thị Trẫm vẫn bình tĩnh lao đạn cho đồng đội, dội bão lửa xuống đầu giặc Mỹ. Có trận, Trẫm lao đạn gấp 5 lần mức luyện tập ngày thường. Các đồng chí Ngô Thị Mãi, Ngô Thị Cái, Nguyễn Thị Bé, Trần Thị Gắng,... bị thương vẫn không rời trận địa.

Ghi nhận những chiến công oanh liệt và những hành động ngoan cường dũng cảm của chị em, ngày 25 tháng 8 năm 1970, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy vinh dự được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng LLVTND”. 37 chị em đều được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người. Đại đội được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy hiệu “3 đảm đang”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “2 giỏi”, “Vì an ninh Tổ quốc”, đoàn đại biểu phụ nữ Ba Lan tặng đại đội 10 huy chương vàng...

Ngày nay, kế tục xứng đáng truyền thống anh hùng bất khuất của thời đánh Mỹ, các o lại xông pha trên trận tuyến mới, đó là trận tuyến chống đói nghèo. Ngoài một số chị tham gia các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội ở cơ sở, nhiều chị em trong Đại đội pháo binh Ngư Thuỷ đã chia nhau thành nhiều nhóm, tổ sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Trong số họ, “tiếng tăm” nhất là các o cựu dân quân pháo binh Ngư Thuỷ Nam.

Ở thôn Liêm Bắc, o Nguyễn Thị Sánh, nguyên là pháo thủ khẩu đội 1, Trung đội 2, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ, sau ngày đất nước thống nhất, o lấy chồng, sinh được 5 người con. Không cam chịu đói nghèo, o đã bàn bạc và cùng chung sức với chồng, các con lập trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá nhằm tăng thu nhập cho gia đình. O Sánh mạnh dạn vay vốn xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn khá quy mô, bảo đảm thường xuyên duy trì đàn lợn trên 100 con lớn, nhỏ khác nhau và duy trì đều  3-5 lợn nái.

O Hoàng Thị Vé bên “trận địa” mới.
O Hoàng Thị Vé bên “trận địa” mới.

Ngày xã Ngư Thuỷ Nam còn ít hộ chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại nuôi lợn của o Sánh mỗi năm thu nhập bình quân 60-70 triệu đồng. Nhờ số tiền đó, o đã xây cất nhà cửa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt trong gia đình và nuôi các con ăn học, trưởng thành. Giờ tuy đã ở tuổi 60 nhưng trông o hãy còn nhanh nhẹn, tháo vát lắm, nhất là khi nhìn o chăm sóc, tắm táp cho đàn lợn đang lớn. Nhìn o, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh nữ pháo thủ hôm nào - bằng sức xuân phơi phới, thoăn thoắt trên mâm pháo, nã đạn khiến kẻ thù phải kinh hồn bạt vía...

Ở thôn Liêm Tiến, o Hoàng Thị Vé, nguyên là chiến sỹ thông tin của đại đội, lại chọn cho mình con đường làm ăn khác. O tập hợp 10 chị em (trong đó có 5 người là cựu dân quân gái pháo binh) thành lập Tổ chế biến nước mắm truyền thống. O bảo, mặc dù chị em trong tổ chế biến cũng như bản thân o cũng đã được Hội Phụ nữ xã cho tập huấn kỹ thuật chế biến nước mắm, cách pha chế phụ gia nhưng sau bao năm làm thử, các o vẫn theo đuổi cách làm nước mắm truyền thống. Cá tươi, muối được các o trộn, ướp theo tỷ lệ rồi đem phơi dưới nắng hè cho đủ tháng khẳm ngày chứ không hề có một thứ phụ gia thực phẩm nào khác. Nước mắm của tổ chế biến o làm ra tuy có mặn hơn chút đỉnh nhưng lại cất giữ được lâu, không bị mất đi hương vị mặn mòi của biển...

Lợi thế của các o là tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, lại tươi, ngon nên chất lượng sản phẩm bao giờ cũng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Năm nào được mùa, các o thu mua, chế biến khoảng từ 3-4 tấn cá tươi, bình quân mỗi tấn cá, các o lọc được 700-800 lít nước mắm loại 1; trên 300 lít nước mắm loại 2.

Như vậy, mỗi vụ, trừ vốn liếng, các o thu lãi bình quân từ 30-50 triệu đồng. Số tiền trên được các o chia đều để trang trải cuộc sống. Với các o, mỗi năm chỉ tập trung chế biến khoảng 1-2 tháng hè (theo mùa vụ) nên thu nhập như thế đã là niềm mơ ước của nhiều hộ gia đình ở vùng biển bãi ngang Ngư Thuỷ Nam... Và điều quan trọng hơn nữa là “thương hiệu” của các o “Xê” gái pháo binh nhờ thế mà vang danh mãi đến tận bây giờ.

Lan Anh