.

Về một lễ hội bảo vệ thiên nhiên

Thứ Tư, 07/10/2015, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bối cảnh sự mất cân bằng sinh thái đang trở thành mối đe dọa lớn của loài người, nhiều loài động thực vật đang dần dần đi đến con đường tuyệt chủng, thì mối quan hệ giữa con người và tự nhiên lại càng cần được xem xét dưới nhiều góc độ hơn bao giờ hết.

Từ trước đến nay, chúng ta đã quá quen thuộc với cảnh con người thường xuyên tác động, khai thác và thậm chí là tận diệt môi trường tự nhiên, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Tuy vậy, ít ai biết rằng, trước đây, ở một ngôi làng nhỏ Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) gần phá Hạc Hải, một lễ hội đuổi chim độc đáo đầy ý nghĩa nhân văn, bảo vệ môi trường sinh thái đã từng diễn ra. Ở đó, chim chóc được xem như người bạn của con người, cùng gắn bó, sẻ chia, đồng cam cộng khổ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng, lễ hội đuổi chim làng Quảng Xá xuất phát từ thực tế, do làng nằm ngay ở phía tây bắc con phá Hạc Hải phong phú nguồn hải sản vô tận-nơi trú ngụ của nhiều loại chim trời.

Các lễ hội xưa tuy mai một nhưng các hệ giá trị văn hóa vẫn luôn còn mãi với hậu thế.
Các lễ hội xưa tuy mai một nhưng các hệ giá trị văn hóa vẫn luôn còn mãi với hậu thế.

Người dân Quảng Xá vốn dĩ canh tác ở ruộng sâu, trồng loại lúa chiêm là chính. Lúa chiêm trổ bông vào dịp tháng hai âm lịch và cũng là mùa chim ở phá Hạc Hải sinh sôi nảy nở mạnh mẽ. Vậy là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay bỗng chốc trở thành “bữa ăn” ngon cho chim, không ít năm, bà con mất trắng bao công sức, tâm huyết.

Lễ hội đuổi chim ra đời với mục đích là giữ gìn tài sản mồ hôi nước mắt của người nông dân, và sâu xa hơn, họ không tận diệt hết loài chim, mà chỉ muốn chúng bay đi nơi khác và quay trở lại khi mùa màng đã gặt hái xong xuôi. Lễ hội chính là cách ứng xử với tự nhiên rất văn minh của cha ông ta thuở trước, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái-điều mà hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được. Đồng thời, qua đó, cũng khẳng định tính cộng đồng, gắn kết của người dân nơi làng quê.

Cuốn “Quảng Bình-Ẩn tích thời gian”, tập III đã có những miêu tả rất chi tiết về lễ hội có một không hai này. Hàng năm, cứ đến tháng 3 âm lịch khi mùa lúa chín sắp về, bà con Quảng Xá lại tất bật, khẩn trương chuẩn bị cho lễ hội đuổi chim. Mỗi gia đình có suất đinh nhận quân điền đều phải có một mâm cỗ cúng Thần Nông.

Ngoài sản phẩm chính là xôi nếp, mâm cỗ không thể thiếu gà, cá, tôm, cua hoặc trứng gà, trứng vịt. Khi nghe một hồi trống lệnh, người dân lần lượt theo nhau đưa mâm cỗ cúng đến khu đền thờ Thần Nông. Các mâm cỗ được xếp theo 3 bậc, bậc thượng dành cho quan tiên chỉ làng, lão nông tri điền; bậc trung dành cho các tráng đinh có cấp suất quân điền; bậc hạ dành cho dân ngụ cư cùng những tráng đinh vừa kết nạp, đúng tuổi 18 được cấp ruộng. Đúng giờ Ngọ, phần lễ chính thức bắt đầu với những nghi thức trang nghiêm, thành kính, như: thắp hương, đọc văn tế...

Trước đó, trai đinh trong làng tay cầm sẵn các dụng cụ tạo tiếng động (trống, mõ tre, phèng la...) đứng chờ sẵn ở các cánh đồng. Sau khi phần lễ kết thúc, một hồi trống chiêng giục giã vang lên, báo hiệu phần hội bắt đầu.

Vậy là một cảnh huyên náo “mỗi năm một lần” bỗng chốc diễn ra, các trai đinh gõ dụng cụ liên hồi náo động, kèm theo là tiếng gọi, tiếng hú, tiếng hét rền vang khắp chốn. Khung cảnh ồn ào, náo nhiệt khiến lũ chim dù ẩn mình kỹ trên những cánh đồng lúa cũng phải vội vàng đập cánh bay xa, không dám quay trở lại. Cảnh huyên náo kéo dài đến hết giờ Ngọ mới thôi, sau đó, ai về nhà nấy, bưng mâm cỗ của mình về và cùng ăn uống trong gia đình.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng khẳng định, đây là một trong những lễ hội dân gian vô cùng độc đáo không chỉ ở Quảng Bình, mà còn ở khắp đất nước Việt Nam, bởi cách thức tổ chức và ý nghĩa nhân văn riêng có của lễ hội. Giờ đây, lễ hội đuổi chim ở làng Quảng Xá đã không còn được duy trì nữa, chỉ xuất hiện trong ký ức của các bậc cao niên xưa.

Điều đọng lại lớn nhất của lễ hội và là bài học lớn cho con cháu ngày nay có lẽ chính là phần hồn cốt của cách thức ứng xử với tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái của cha ông đi trước, có như vậy, mẹ Trái đất mới đủ sức để sống bền lâu với các thế hệ mai sau.

P.V