.

Ký ức về những "tháng ngày chưa xa"

Thứ Sáu, 02/10/2015, 14:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Lá thư của Đại tướng Ronal R. Fogleman, cựu Chỉ huy trưởng lực lượng Không quân Mỹ gửi trung tá Trần Sự, nguyên là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, vào tháng 2-2012 có đoạn viết: “Đơn vị của tôi và lực lượng của ngài đã từng nhiều lần đụng độ nhau ác liệt cả trên không phận lẫn địa phận tỉnh Quảng Bình… Con đường từ hòa bình đến chiến tranh thường rất ngắn, trong khi con đường từ chiến tranh đến lập lại hòa bình thường dài hơn rất nhiều”.

Đồng chí Trần Sự tại nhà riêng, tháng 9-2015.
Đồng chí Trần Sự tại nhà riêng, tháng 9-2015.

Trong bức thư hồi đáp, đồng chí Trần Sự nhấn mạnh: “Tổn thất, mất mát trong chiến tranh vô cùng to lớn đòi hỏi phải có thời gian khá dài mới khắc phục được hậu quả, đặc biệt là vết thương lòng còn phải dài hơn...

Chúng tôi quyết định khép lại quá khứ, mở rộng quan hệ đa phương, hợp tác đa dạng, hướng tới tương lai, trong đó có quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi với Mỹ. Tôi tin tưởng nhân dân Quảng Bình đủ bản lĩnh nén nỗi đau thương, vượt qua thử thách cùng với cả nước tiến mạnh trên con đường đổi mới do Đảng và Chính phủ khởi xướng và lãnh đạo”. Cuộc chuyện trò cách xa nửa vòng trái đất của hai con người từng ở hai chiến tuyến ấy gợi nhắc lại cả một quá khứ với biết bao thăng trầm nhưng rất đỗi tự hào của mảnh đất và con người Quảng Bình, trong đó có sự đóng góp rất lớn của vị Chỉ huy trưởng Trần Sự những năm chống Mỹ.

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn bó sâu nặng với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh nhà. Bởi ông đã có 29 năm công tác trong quân đội, trong đó có gần 20 năm là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, kéo dài từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến cận kề ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Những năm tháng tuổi trẻ của ông đã tận hiến cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trong đó, kháng chiến chống Pháp, ông là Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Huyện đội trưởng rồi Tỉnh đội phó. Tháng 2-1955, khi vừa tròn 27 tuổi, ông đã được bổ nhiệm làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, sau là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Chủ tịch Mặt trận Quảng Bình.

Từ năm 1955 đến 1974, gần 20 năm trên các cương vị đó cũng là giai đoạn gian khổ và nhiều thử thách nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông. Những năm tháng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, mảnh đất Quảng Bình và chiến trường đường 9-Nam Lào trở thành túi bom khổng lồ, đau thương và mất mát không thể nào kể xiết. Giữa đạn bom hủy diệt của kẻ địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các lực lượng vũ trang Quảng Bình cùng với các tầng lớp nhân dân nơi mảnh đất “chang chang cồn cát” này vẫn quyết tâm sản xuất giỏi, xây dựng hậu phương vững chắc và giữ gìn từng con đường - mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường.

Chiến công bắn rơi 704 máy bay Mỹ trên địa phận Quảng Bình, trong đó có ngày quân dân cả tỉnh bắn rơi tới 11 chiếc; thành tích bắn cháy 86 tàu chiến và tàu biệt kích Mỹ; đợt tiếp nhận và giải phóng 12 vạn tấn hàng của miền Bắc chuyển vào miền Nam... đều có sự chỉ đạo trực tiếp của ông. Cho đến hôm nay, hình ảnh vị chỉ huy trưởng xông xáo, lăn lộn trên các tuyến đường, các chiến hào, trận địa để điều chỉnh lực lượng, bảo đảm lương thực, đạn dược, cứu chữa thương binh, an táng liệt sĩ, cỗ vũ tinh thần chiến đấu các lực lượng vũ trang... còn in đậm trong lòng mọi người.

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm. Vị chỉ huy trưởng năm xưa nay đã bước vào tuổi 88 nhưng với ông, những năm tháng gian khó nhưng quá đỗi hào hùng ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Phải một thời lăn lộn, gần gũi lắm với quân và dân tỉnh nhà thì hôm nay, ông mới có thể kể tường tận từng chiến công, từng trận đánh như việc quân dân Lý Ninh (Đồng Hới) bắt sống được tên giặc lái đầu tiên trên đất Quảng Bình, hay sự kiện bắn rơi chiếc máy bay thứ 500 ở Quảng Bình (1968), chiến dịch Hòn La (1972)...

Trong cuốn hồi ức Tháng ngày chưa xa của ông, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã dành những lời lẽ trân trọng cho người đồng chí, đồng đội và đồng hương của mình: “Đồng chí Trần Sự là một cán bộ lãnh đạo chỉ huy tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, mưu trí, dám nói, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trung thực, liêm khiết. Về quân sự là một chỉ huy xuất sắc trong chiến đấu”.

Cuộc trò chuyện với người lính già kéo dài với những chuỗi hoài niệm. Ông kể nhiều về những trận đánh, về cả những đau thương mà các lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Bình đã phải nếm chịu. Hy sinh, mất mát trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi nhưng vị chỉ huy trưởng mạnh mẽ, quyết liệt trong mỗi trận đánh vẫn đớn đau khôn tả mỗi lúc chứng kiến đồng đội mình ngã xuống.

Ông nói: “là người chỉ huy, trước mỗi trận đánh, phải quyết đoán, mạnh mẽ, đồng thời dự kiến nhiều phương án thực hiện khác nhau để chủ động trong trận đánh, bảo đảm chắc thắng”. Trong thẳm sâu ký ức của ông, những chiến công, những trận đánh, cả những đau thương quá khứ vẫn sẽ luôn sống mãi, vẹn nguyên như thể những “tháng ngày chưa xa”...

Diệu Hương

--------------------------------------------------------------------------------

(*) Tên cuốn hồi ức của đồng chí Trần Sự, xuất bản năm 2008.