.

Chuyện "lạ" ở Trường Xuân

Thứ Ba, 06/10/2015, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Cũng như bao bản làng đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi, hẻo lánh khác, đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh đã và đang từng ngày loại bỏ dần những ngáng trở có từ tập quán sản xuất tùy tiện, lạc hậu trước đây, để vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Để rồi từ đó, trong cách nghĩ, cách làm giàu của bà con nơi đây đã xuất hiện những câu chuyện tưởng chừng "quen" mà "lạ"...

Đối với người dân miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, trong muôn vạn cái khó riêng, thì có lẽ trình độ nhận thức hạn chế và tập quán sản xuất lạc hậu chính là cản trở lớn nhất, khiến cho đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn thấp. Mà muốn xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho bà con không còn cách nào khác là phải loại bỏ dần những tồn tại, hạn chế đó. Làm sao để nơi đây phát triển, đó là bài toán không phải là dễ dàng và nhất thiết cần một thời gian không phải là ngắn để thực hiện.

Ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho chúng tôi biết mấy hạn chế cố hữu, mà thoạt tiên nghe thì có vẻ như tất cả các địa phương hay bản, làng miền núi nào cũng vấp phải và na ná giống nhau: trình độ nhận thức; phong tục tập quán canh tác; sự cách biệt về mặt địa lý và thông tin; thiên tai, hạn hán... 

Khó khăn là vậy, nên khoan vội nói những chuyện to lớn như thực hiện các kế hoạch, chương trình mũi nhọn và dài hạn như phát triển kinh tế rừng, bởi với đồng bào, "bắt tay chỉ việc" phải bắt đầu từ cái nhỏ, đơn giản rồi mới đến cái lớn, phải "đi từ làm vườn đến trồng rừng kinh tế".

Người Vân Kiều ở bản Khe Ngang tự giác tổ chức sản xuất, chăn nuôi ngay chính trên khu vườn của mình.
Người Vân Kiều ở bản Khe Ngang tự giác tổ chức sản xuất, chăn nuôi ngay chính trên khu vườn của mình.

Nói cụ thể hơn là, phải làm sao cho đồng bào tự giác tổ chức sản xuất và chăn nuôi có hiệu quả ngay chính trên mảnh vườn nhà mình. "Cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật, cùng chính sách giao đất giao rừng và nhiều kênh ưu đãi về vốn khác của Nhà nước, giờ chỉ còn việc đồng bào có tự giác, chịu khó phát triển sản xuất nữa hay không mà thôi?", ông Anh trăn trở. Riêng chuyện này, một yếu tố quan trọng nữa cần được nói đến là sự vào cuộc một cách thiết thực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ địa phương trong công tác tuyên truyền vận động.

Bản Khe Ngang cách trung tâm xã gần 5 cây số. Hơn 80% dân số ở đây là người Vân Kiều. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt như đường giao thông về thôn bản, trường học, điện đã được đầu tư. Vậy là cơ bản rồi. Nhưng có điều lạ là những khu vườn được đồng bào ở đây vun vén, chăm bón, khoanh bao kỹ lưỡng, khác hẳn với cái cảnh "vườn không, nhà trống" thường thấy ở những bản làng miền núi khác.

Ghé vào nhà Hồ Học, chúng tôi thấy vợ con anh đang lum hum cắt cỏ cho bò ăn ngay chính trong khu vườn nhà mình. Cất tiếng gọi mấy lần, chị mới chỉ vào ngôi nhà 2 tầng khang trang, vững chãi bên cạnh ngôi nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều, ngụ ý bảo chúng tôi vào đó. Hồ Học kể: "Nhà miềng có 6 con bò và 7 con trâu, nên phải trồng cỏ cho nó ăn. Hồi trước, trâu bò nhà miềng không có chuồng trại gì cả, mà toàn thả rông trong rừng, cứ dăm ba ngày mới đi thăm một lần. Mùa nắng cũng như mùa mưa rét. Năm nào, cũng có con bị chết. Có năm chết đến 3 con.

Đến khi tham dự các lớp tập huấn chăn nuôi của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã, cùng với Dự án Plan hỗ trợ mấy hộ trong bản trồng cỏ nuôi bò, miềng mới học theo làm chuồng trại, lấy cỏ giống về trồng, đến nay được hơn 1ha. Giờ có cỏ sẵn rồi, khỏe hơn trước nhiều, trâu bò được tiêm phòng thường xuyên nên không bị chết nữa. Hơn nữa, lại tận dụng được nguồn phân chuồng đem bón cho 2ha cao su mới trồng năm ngoái".

Hồ Học còn hồ hởi cho biết thêm, hiện gia đình anh còn có 8 ha keo được 3 năm tuổi. Những thứ mà Hồ Học kể cho tôi nghe không đơn giản chỉ là những "con số biết nói", mà đằng sau nó là câu chuyện khác. Khác ở cách suy nghĩ và ý thức tự giác. Khác bởi bà con đã dần dần nhận thức được những lợi ích do sự thay đổi trong cách làm kinh tế.

Song, nếu như thay đổi tập quán, phương thức sản xuất để rồi từ đó, nâng cao đời sống cho đồng bào là chuyện trước mắt, thì chuyện tiến lên phát triển kinh tế để làm giàu còn cần thêm những điều kiện khác, mà yếu tố đầu tiên phải kể đến là việc nuôi con chữ. Nói sự học ở đây, không thể không nói đến gia đình Hồ Xoa cũng ở bản Khe Ngang. Nhà Hồ Xoa có 5 người con thì có 3 người con đã qua đại học (ĐH). Hồ Văn Quý (SN 1983) học ĐH Y khoa Huế, hiện là bác sĩ tại Trạm y tế xã. Hồ Thị Mão (SN 1987) học ĐH Thủy lợi, giờ là công chức xã, phụ trách giao thông, thủy lợi. Còn cô em út là Hồ Thị My (SN 1993) đang là sinh viên năm cuối, khoa Lý-Tin (Trường ĐH Quảng Bình).

Hồ Xoa kể: "Miềng thường nói với con rằng, đời cha mẹ thất học là do chiến tranh, giờ đất nước đã thanh bình, các con gắng mà học tập. Lúc đó đói lắm, phải vào rừng kiếm măng, củ nâu để ăn, kiếm củi để đổi gạo. Mấy hôm trời mưa lạnh, thấy con phải cuốc bộ mấy cây số ra ngoài xã học mà không có được tấm áo mưa mặc, miềng rơi nước mắt. Nhưng dù cực mấy mà thấy con cái siêng năng đến trường và yêu cái chữ, miềng cũng sướng cái bụng rồi. Như bữa ni, kinh tế phát triển, lại được Nhà nước quan tâm, nên không lo đói khổ và học hành vất vả như trước nữa".

Tại điểm trường Khe Ngang (Trường Dân tộc nội trú tiểu học Trường Xuân), thầy giáo Trần Đình Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách điểm trường tâm sự, thâm niên gần 10 năm cắm bản dạy học ở đây, chưa khi nào giáo viên sướng như những năm gần lại đây. Lúc trước phải đến nhà vận động, rồi dẫn học sinh đến lớp. Còn giờ thì cô thầy đến trường, các em cũng đến trường. Khi mà cất được gánh nặng về số lượng, thì chúng tôi sẽ hướng đến đầu tư vào chất lượng dạy và học.

Tuy không đầy đủ điều kiện như dưới xuôi, nhưng chỉ cần nhìn khuôn mặt sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, áo quần khá tươm tất của các em học sinh, tôi cũng đã cảm nhận được nhiều điều. Nghĩa là với việc học của các em luôn luôn có bàn tay chăm chút, quan tâm của chính gia đình, bố mẹ mình. Đó cũng chính là niềm vui, niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt của thầy Trung khi trò chuyện với tôi. 

Tuy nhiên, nói như Trưởng bản Khe Ngang Hồ Văn Nam, trong tổng số 105 hộ hiện nay, vẫn còn hơn 50% hộ nghèo. Nhưng là một trưởng bản trẻ (sinh năm 1981), anh có niềm tin rằng, thêm vài năm nữa, cuộc sống của người dân trong bản sẽ khác.

Dương Công Hợp