.

Đình Cao Lao Hạ và những dấu ấn lịch sử

Thứ Sáu, 04/09/2015, 10:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Tọa lạc trên một khu đất khá bằng phẳng, hướng nhìn về phương Bắc, nơi ngã ba hội tụ của nguồn Son, nguồn Nậy và dòng sông Gianh lịch sử, đình Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch) là một trong những ngôi đình linh thiêng, cổ kính mà cho đến nay chưa có nguồn tài liệu nào cho biết chính xác thời gian xây dựng. Đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình Cao Lao Hạ trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, tiêu biểu của địa phương và tỉnh nhà trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Đình Cao Lao Hạ, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.
Đình Cao Lao Hạ, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu

Trong công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Cao Lao Hạ gắn liền với các phong trào yêu nước của địa phương, góp phần cùng quân và dân Hạ Trạch anh dũng chiến đấu, chiến thắng kẻ thù.

Sau “sự biến kinh thành Huế” (1885), vua Hàm Nghi xuất bôn ra vùng Tân Sở (Quảng Trị) xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi văn thân sĩ phu yêu nước cùng nhân dân đứng lên chống Pháp. Ở Quảng Bình, nhiều quan lại, sĩ phu yêu nước đã tập hợp lực lượng, chiêu mộ dân binh, lập căn cứ chống Pháp rộng khắp ở vùng miền núi phía Tây.

Ở địa bàn huyện Bố Trạch có ông Lê Mô Khởi, người làng Cao Lao Hạ vốn là mệnh quan triều đình, từng giữ chức Án sát tỉnh Hải Dương. Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước bán nước (1883) với Pháp, ông xin từ quan về quê dạy học. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Lê Mô Khởi đã đứng lên kêu gọi sự góp sức đồng lòng của nhân dân trong vùng, trước hết là người Cao Lao Hạ, rồi đến các làng phụ cận, tập hợp thành nghĩa quân. Lúc đầu, ông chọn đình Cao Lao Hạ và Thiềng Kẻ Hạ làm nơi huấn luyện và hội quân.

Tại đình, Lê Mô Khởi đã tổ chức làm lễ tế cờ, chính thức phát động nghĩa quân và nhân dân vũ trang chống Pháp. Nghĩa quân cũng tổ chức đại hội, cử ra một bộ chỉ huy tối cao, trong đó Lê Mô Khởi giữ chức Chánh tướng. Ông cùng nghĩa quân đã đánh thắng nhiều trận quan trọng, bắt và tiêu diệt nhiều tên địch, tiêu biểu là chiến thắng rừng Sác, nằm cách đình không xa, đã mở đầu cho sự bùng nổ phong trào chống Pháp, khiến cho quân Pháp hoang mang, hoảng sợ. Về sau, căn cứ chống Pháp được chuyển vào đóng ở khu vực Trại Nái (Ba Trại) nhưng đình làng vẫn là nơi luyện tập võ nghệ của nghĩa quân.

Năm 1933, ông Lê Nguyên Phong, đảng viên Đảng Cộng sản thuộc chi bộ Lũ Phong (Quảng Trạch), người làng Cao Lao Hạ, đã về tại làng hoạt động cách mạng. Ông chọn đình làng làm cơ sở hoạt động, tuyên truyền giáo dục đường lối, chính sách của Đảng cho các thầy giáo, thanh niên trí thức, dân nghèo tiến bộ... trong vùng để xây dựng phong trào cách mạng tại địa phương.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình là nơi tập trung dân làng để nghe diễn thuyết; nơi diễn ra cuộc mít tinh của Mặt trận Việt Minh kêu gọi nhân dân nổi dậy giành chính quyền.  Ngày 4 tháng 9 năm 1945, chính phủ phát động  xây dựng quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng nhằm huy động nguồn tài chính trong nhân dân phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đợt quyên góp này đã  diễn ra rộng khắp, liên tục sôi nổi khắp các làng quê, ngõ xóm, đã thu hút được sự tham gia của hàng chục vạn nhân dân Quảng Bình.

Tại đình Cao Lao Hạ, chính quyền và nhân dân Hạ Trạch đã tổ chức các đợt quyên góp, nhiệt tình hưởng ứng tham gia cách mạng, cùng nhau đóng góp sức người, sức của, góp phần cùng quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến.

Tháng 9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành sắc lệnh thành lập “Nha bình dân học vụ”. Ở tỉnh ta đã thành lập “Ty bình dân học vụ”, phong trào bình dân học vụ được phát động sôi nổi ở khắp nơi. Tại làng Cao Lao Hạ, ban “Bình dân học vụ” của địa phương cũng được thành lập do ông Lưu Đức Dõng làm trưởng ban. Đình Cao Lao Hạ được chọn làm nơi mở lớp dạy học, xóa mù chữ cho bà con trong xã, góp phần nâng cao dân trí, đẩy lùi các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan... tạo nên cuộc sống vui tươi, lành mạnh trong nhân dân.

Đặc biệt, đình Cao Lao Hạ là một trong những địa điểm được chọn để tổ chức bầu  cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước (1946).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Hạ Trạch với vị trí nằm ở nam bến phà Gianh, là tuyến vận tải chiến lược cực kỳ quan trọng của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Chính vì vậy, vùng đất này trở thành tọa độ lửa mà máy bay địch ngày đêm tập trung đánh phá, hòng cắt đứt mạch máu giao thông, cắt đứt sự chi viện vào chiến trường miền Nam.

Mặc dù bị giặc Mỹ bao vây, đánh phá ác liệt nhưng chính quyền và nhân dân Hạ Trạch vẫn sát cánh cùng với lực lượng cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám trụ, vững chắc tay súng, anh dũng chiến đấu, bảo đảm thông đường, thông bến, thông phà để vận chuyển hàng hóa, vũ khí và sức người vào chiến trường, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Đi qua các cuộc chiến tranh, kiến trúc đình Cao Lao Hạ xưa đã bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn của quân thù, đình Cao Lao Hạ đã bị đánh sập, dấu tích còn lại khá nguyên vẹn là hai trụ biểu cổng đình. Trụ biểu cao khoảng 4m, có bốn cạnh, mỗi cạnh rộng 1,2m, được trang trí viền hoa văn hình long, lân, quy, phượng xen kẽ hình tùng cúc, trúc, mai. Bốn mặt mỗi trụ biểu có đắp nổi bằng sành sứ khá tinh xảo theo hàng dọc bốn câu đối bằng chữ Hán.

Trên mỗi đỉnh trụ có gắn hình một con nghê đắp nổi uy nghiêm. Căn cứ vào hai trụ biểu còn lại của đình, có thể khẳng định rằng, đình Cao Lao Hạ trước đây được xây dựng khá bề thế theo lối kiến trúc triều Nguyễn. Tuy rằng, hiện đình chỉ còn lại dấu tích của một thời nhưng hình ảnh đình làng vẫn in đậm trong ký ức của mỗi người dân.

Với tâm nguyện để có nơi thờ tự Thành Hoàng làng và có một trung tâm sinh hoạt văn hóa tại địa phương, cuối năm 2008, đình Cao Lao Hạ được khởi công xây dựng lại với sự góp công, góp của của con em Hạ Trạch đang sinh sống ở khắp mọi miền Tổ quốc. Tháng 4-2011, việc xây dựng đình được hoàn thành.

Đình làng là một biểu tượng công trình kiến trúc văn hóa cộng đồng lớn nhất của làng, xã, là một di sản văn hóa với tổng thể nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo. Tình yêu quê hương, đất nước của con người một phần được nuôi dưỡng và lớn lên ở đó, góp phần định hình cho mỗi chúng ta nhận ra được gốc tích của mình. Đình Cao Lao Hạ là một trong số ít đình làng ở Quảng Bình được phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị, đã thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Để có cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngày 27-7-2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2041/QĐ-UBND, xếp hạng di tích lịch sử đối với đình Cao Lao Hạ. Trên bước đường đổi mới hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân Hạ Trạch đã biết trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, biến những giá trị đó thành sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp phát triển kinh tế-văn hóa, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ quê hương.

Lê Mai-Minh Đức