.

Con chữ cắm bản An Bai

Chủ Nhật, 10/09/2017, 12:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Nếu không có chuyến thiện nguyện cùng Nhà Thiếu nhi tỉnh giúp đỡ học sinh Trường tiểu học Kim Thủy, (huyện Lệ Thủy), chắc chắn bản An Bai sẽ vẫn xa vời đối với tôi. Cũng chắc chắn, chuyện dạy và học ở điểm trường An Bai ít ai biết đến. Con chữ cắm sâu ở An Bài đầy nhọc nhằn nhưng lắm ân tình.

Từ khu vực trường chính gần trung tâm xã Kim Thủy vào điểm trường An Bai mất hơn 7 cây số đường rừng. Càng đến gần ngày khai giảng, trời mưa dấm dẳng không ngớt. Nhìn con đường đang thi công dang dở trộn lẫn bùn đất sền sệt với nước đục, cô giáo Nguyễn Thị Phương ái ngại: “Vất vả lắm không anh?”. Tôi tự tin: “Cô giáo lên với học sinh được, anh ngại gì”. Phương có thâm niên 7 năm làm giáo viên cắm bản, 3 năm nay neo lại bản An Bai.

 Con đường vào bản An Bai đầy bùn, đất, nước, lầy lội.
Con đường vào bản An Bai đầy bùn, đất, nước, lầy lội.

Thầy giáo Nguyễn Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Thủy cho chúng tôi biết sơ qua về tình hình: “Năm học 2017-2018 này, toàn trường có 163 học sinh từ lớp một đến lớp năm. 87% tỷ lệ học sinh là con em dân tộc Vân Kiều. Ngoài điểm trường chính điều kiện dạy và học tương đối thuận lợi thì điểm trường An Bai còn rất gian nan, đặc biệt đường sá đi lại, bụi mù mắt vào mùa khô; lầy lội khi mưa xuống. Giáo viên cắm bản gần như là nữ độc thân, thương lắm mà chẳng biết làm sao. Ban Giám hiệu nhà trường chỉ biết động viên, ổn định tư tưởng để các cô hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, ưu tiên ở điểm trường chính cho những giáo viên đã có gia đình, con còn nhỏ dại”.

Sau gần một tiếng đồng hồ ngồi trên xe máy “làm xiếc” giữa con đường lầy lội đâm xuyên giữa bạt ngàn rừng núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến bản An Bai. Cảm giác vui vui khi đặt chân lên bản là An Bai đã có điện lưới quốc gia, thứ ánh sáng văn minh mà rất nhiều bản làng đồng bào dân tộc thiểu số phía tây Quảng Bình đang khát khao chờ đợi. Mừng hơn khi điểm trường An Bai tương đối khang trang với 5 phòng học cấp bốn tường xây lợp ngói. “Cũng nhờ cả vào các chương trình, dự án Nhà nước thôi anh, trong đó có dự án Plan Quảng Bình” - thầy giáo Nguyễn Quang Hùng chia sẻ thêm.

 Điểm trường tiểu học An Bai (Kim Thủy, Lệ Thủy).
Điểm trường tiểu học An Bai (Kim Thủy, Lệ Thủy).

Điểm trường An Bai có 73 học sinh dân tộc Vân Kiều ở hai bản Hà Lẹc và An Bai. Cắm bản dạy học gồm 6 giáo viên, năm cô, một thầy. Thầy giáo Mai Văn Việt, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Thủy được “biệt phái” vào phụ trách điểm trường An Bai. Tính tuổi đời, tuổi nghề, những giáo viên nữ ở đây còn rất trẻ, ngoài cô giáo Phương tôi gặp trên đường vào An Bai thì một số cô như Lê Thị Thúy Hằng mới vào An Bai hai năm, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 gồm 14 học sinh. Cô giáo Hoàng Thị Thảo trẻ hơn, bắt đầu làm quen học sinh An Bai năm học 2017-2018 này.

“Cách sông, trở núi”, nhưng chuyện học chữ, dạy chữ ở điểm trường An Bai rất nề nếp, chất lượng. Tôi từng đi rất nhiều bản làng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng các bản Hà Lẹc, An Bai, người Vân Kiều yêu cái chữ Bác Hồ lắm, trọng gánh chữ cô thầy dưới xuôi cõng nặng trên lưng lên với con em mình lắm! Thế nên cái bụng người Vân Kiều lúc nào cũng tâm niệm, phải cho con em mình đến trường học chữ. Hồ Văn Quynh, Chi hội trưởng chi hội phụ huynh điểm trường An Bai phấn khởi khoe: “Gia đình tao có 3 con, một cháu nhỏ đang học mẫu giáo, hai đứa lớn học tại An Bai. Các cô thầy thương chúng nó, xem chúng như con cái trong nhà. Và dân bản cũng rất thương các cô, các thầy. Mùa mưa bão, lũ về chia cắt đường sá, thầy cô không ra được ngoài xã, ở lại với trường, với bản. Bà con chia sẻ lon gạo, củ sắn, củ khoai. Nói chung đồng bào ăn gì thì thầy cô ăn”.

Theo lời Hồ Văn Quynh, nhờ phối hợp tốt giữa cô thầy cắm bản với chi hội phụ huynh, tình trạng học sinh bỏ học hầu như không còn. Bản An Bai có 47 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều thì ở phía bên kia con suối đầu nguồn sông Kiến Giang hơn một nửa. Vào mùa mưa lũ, vừa để việc học con em mình không bị gián đoạn, vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ, đồng bào gửi con qua bên này sông ở nhà người quen. Con nước rút đi, đồng bào sang sông đón con em mình về, nhờ thế tỷ lệ đến trường luôn duy trì đều đặn.

Giờ học đầu năm học mới của cô và trò tại điểm trường tiểu học An Bai.
Giờ học đầu năm học mới của cô và trò tại điểm trường tiểu học An Bai.

Cô giáo Lê Thị Thúy Hằng tâm sự: “Thời gian đầu lên cắm bản An Bai, thú thực cảm giác rất buồn, chúng em là phụ nữ mà, phần lớn quê dưới xuôi, xa nhà, không hiểu tiếng đồng bào, cảm giác lạc lõng ghê gớm. Chính tình yêu thương học trò, sự động viên của Ban Giám hiệu nhà trường đã giúp chúng em sớm ổn định tư tưởng. Bây giờ thì không rứt ra được, xa bọn trẻ con Vân Kiều lại thấy nhớ. Các em được nuôi dưỡng từ mạch nguồn văn hóa khó có nơi nào giữ vẹn nguyên như ở đây: tình cảm, thủy chung, trước sau như một”.

Ở điểm trường An Bai, tôi bắt gặp những đôi mắt trẻ nhỏ Vân Kiều bâng khuâng, trong veo, lay láy đen lay động lòng người. Tấm áo sờn vai, rách tà; đôi dép rách quai, sứt mũi; đầu tóc khen khét cháy nắng, không mũ... vẫn vô tư, rạng rỡ đến trường học buổi học đầu tiên của năm học mới. Tôi thấy trong số các em có cô bé Hồ Thị Cam, lớp trưởng lớp 5. Hồ Thị Cam tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, huyện, em đoạt giải nhì bơi 50m cấp huyện; huy chương đồng cấp tỉnh. “Từ mẫu giáo đến bây giờ, cháu được tặng 12 cái giấy khen. Cô giáo chủ nhiệm khen cháu học giỏi, chăm ngoan. Cháu tự hứa không phụ lòng thầy cô, học giỏi hơn nữa sau này trở thành cô giáo trở về dạy học tại quê hương mình”, Hồ Thị Cam mơ ước.

Tôi gói trọn niềm vui của cô và thầy điểm trưởng An Bai mang về xuôi. Trong hành trang ấy có lời cô bé Hồ Thị Hiệp, học sinh lớp 4 hồn hậu: “Hồ Thị Lan, chị gái cháu năm nay vào học lớp 10, cháu sẽ cố gắng phấn đấu học cao như chị Lan”. “Học cao lên để làm gì?”. Giòn tan nụ cười vang xa giữa rừng. “Ơ hay, chú hỏi lạ. Sau này cháu sẽ làm bác sỹ!”.

Ngô Thanh Long