.
Chào năm học mới 2017-2018:

Lệ Thủy: Tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho học sinh vùng biển

Thứ Ba, 05/09/2017, 08:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy đã đạt được những kết quả vượt bậc. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dạy và học trong năm học mới, cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp căn bản nhằm không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Năm học vừa qua, mạng lưới trường lớp các cấp học trên địa bàn huyện Lệ Thủy tiếp tục được điều chỉnh, sắp xếp, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của học sinh các vùng miền. Trong đó, giáo dục mầm non (MN) có 30 trường (gồm 29 trường công lập và 1 trường tư thục); ngoài ra có 3 nhóm trẻ độc lập được thành lập từ đầu năm học tại thị trấn Kiến Giang, thị trấn Lệ Ninh và xã Ngân Thuỷ. Giáo dục tiểu học (TH) có 33 trường (có 1 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật). Giáo dục THCS có 24 trường (có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú). TH và THCS có 5 trường với 3 trường phổ thông dân tộc bán trú.

Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, năm học vừa qua, nhiều trường đã xúc tiến xây dựng và hoàn thành những công trình phòng học kiên cố. Cụ thể, toàn huyện có 76 phòng học được xây dựng mới với tổng kinh phí 46 tỷ đồng; ngoài ra còn có 32 phòng nội trú được xây dựng mới với kinh phí 9,5 tỷ đồng. Cũng trong năm học vừa qua, các đơn vị đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, tài sản cố định phục vụ dạy học với số tiền trên 7,7 tỷ đồng bao gồm kinh ngân sách hơn 2,9 tỷ đồng, nguồn trang cấp 3,1 tỷ đồng... Ngoài ra, toàn huyện còn có 3 bể bơi được xây mới phục vụ công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng tại các trường tiểu học Hưng Thủy, Mỹ Thủy và Mai Thủy.

Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp của huyện Lệ Thủy được đầu tư xây dựng khang trang.
Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp của huyện Lệ Thủy được đầu tư xây dựng khang trang.

Công tác huy động trẻ vào cấp học MN và học sinh các cấp học cũng được ngành GD - ĐT huyện Lệ Thủy quan tâm đúng mức và đạt được những kết quả khả quan. 100% trẻ trong độ tuổi được huy động vào mẫu giáo và TH, 99,9% học sinh tốt nghiệp TH được vào THCS.

Có được kết quả này là nhờ toàn ngành đã chú trọng tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức tối đã tình trạng học sinh bỏ học, huy động học sinh bỏ học trở lại trường và đặc biệt là công tác tuyển sinh đầu cấp. Việc thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cũng được ngành GD-ĐT Lệ Thủy thực hiện nghiêm túc ở các cấp học.

Cụ thể, đã chỉ đạo cấp học MN duy trì và phát triển tốt loại hình bán trú, tổ chức cho các nhóm trẻ ăn dưới nhiều hình thức; thực hiện nghiêm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng chất lượng giáo dục vệ sinh dinh dưỡng... Bậc TH tập trung đẩy mạnh việc thay đổi không gian lớp học, sử dụng nhiều hình thức dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, phát huy vai trò tự quản ở trong lớp và từng nhóm học tập; đồng thời quan tâm đến công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu thông qua các hình thức thi tiếng Anh qua mạng, tài năng tiếng Anh, bồi dưỡng học sinh năng khiếu thể dục thể thao. Ở bậc THCS chú trọng các hoạt động chuyên môn như hội thảo chuyên đề, sinh  hoạt chuyên môn liên trường, thao giảng, dự giờ, thăm lớp... Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành đã đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học trên địa bàn, góp phần khắc phục tình trạng mất cân đối, thiếu đồng bộ giáo viên bộ môn ở các cấp học.

Nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn, trong năm học mới này, ngành GD-ĐT Lệ Thủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục ổn định, hoàn thiện quy mô mạng lưới, loại hình trường lớp; phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục TH - xóa mù chữ và phổ cập giáo dục THCS; đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, trong đó ưu tiên hàng đầu cho việc triển khai chương trình phòng chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn;...

Đồng chí Võ Vĩnh Hào, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy cho biết: Để tích cực hỗ trợ các em học sinh vùng bãi ngang trong mùa tựu trường, thời gian qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Lệ Thủy đã tổ chức quyên góp, ủng hộ với số tiền hơn 80 triệu đồng giúp các em mua sắm sách, vở, đồ dùng học tập... ; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ với số tiền gần 280 triệu đồng. Đây là nguồn lực không nhỏ nhằm động viên các em học sinh vùng bãi ngang huyện Lệ Thủy có thêm nghị lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới của ngành Giáo dục Lệ Thủy đã cơ bản hoàn tất.

Trên cơ sở tìm hiểu, xác định những khó khăn đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là học sinh các cấp học ở 3 xã vùng bãi ngang khi bước vào năm học mới, Phòng GD-ĐT đã ban hành công văn số 610 về việc nắm bắt tình hình năm học mới đối với các trường vùng biển. Nội dung công văn yêu cầu hiệu trưởng các trường học tích cực vận động học sinh đến lớp, chống bỏ học trong hè; tạo điều kiện hỗ trợ tối đa về học cụ cho học sinh. Trưởng phòng GD-ĐT cũng yêu cầu các trường học vùng bãi ngang trước mắt chưa triển khai các khoản thu nộp trong năm, kể cả học phí, tiền mua sắm học cụ các lớp MN...

Nguyễn Hoàng