.

Gặp lại những bông hồng thép

Thứ Sáu, 28/07/2017, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày giữa tháng 7-2017, ông Nguyễn Thanh Hoanh, nguyên trợ lý tham mưu, Ban Công binh Binh trạm 14, Đoàn 559, Bộ Quốc phòng, hiện đang là Trưởng ban liên lạc nhân chứng lịch sử vì nhiệm vụ quốc tế Lào kể lại cho chúng tôi nghe hành trình trở lại thăm chiến trường xưa của Trung đội nữ công binh thép.

Hiện tại, người cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoanh còn lưu giữ khá nhiều tư liệu về Trung đội nữ công binh thép. Ông nhớ lại: “Trung đội nữ công binh thép có phiên hiệu B3C3D33, gồm 38 chiến sĩ làm nhiệm vụ khai thông đường tại trận địa đèo Phu La Nhích.

Giữa những ngày tháng 3-1973 ác liệt, trong một chuyến thăm Bộ đội Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé thăm đơn vị. Xúc động khi biết đèo Phu La Nhích có một trung đội nữ chốt tại đây, Đại tướng đã biểu dương tinh thần kiên cường của chị em đơn vị và nói: Chỉ có ý chí gang thép mới trụ được trên trọng điểm này. Và cái tên Trung đội nữ công binh thép được Đại tướng đặt tên cho đơn vị ra đời từ lúc đó.

Năm 2002, tại Đại hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa 3, Đại tướng hỏi thăm: Trung đội nữ công binh thép bây giờ ai còn, ai mất? Còn ai, ở đâu biên thư cho Trung ương Hội Cựu chiến binh và Đại tướng biết. Nhận được thông tin, chị Dương Thị Trình đã thay mặt trung đội cầm tấm ảnh chụp chung với Đại tướng ở  đèo Phu La Nhích và vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng.

Trung đội nữ công binh thép chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Trung đội nữ công binh thép chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Tại cuộc gặp, Đại tướng đã ân cần tặng đơn vị cuốn sách: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam với dòng lưu bút: "Tặng Trung đội nữ công binh thép, tôi đã có dịp gặp cách đây 30 năm về trước. Chúc chị em và gia đình mọi sự tốt lành”...

Sau khi cho chúng tôi xem lại những kỷ vật, tư liệu liên quan đến Trung đội nữ công binh thép, ông Nguyễn Thanh Hoanh kể tiếp: Ngày đất nước được thống nhất, đơn vị có 20 liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Hòa bình lập lại, chị em Trung đội nữ công binh thép trở về với đời thường.

Phần lớn các chị sinh sống ở huyện Tĩnh Gia, (Thanh Hóa), một số chị sống ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đa phần các chị trở lại làm nghề nông, có 3 chị không lấy chồng; một số chị sau khi có gia đình phải gánh chịu nỗi đau của người mẹ có con bị tật nguyền do nhiễm chất độc hóa học.

Trong sự thiệt thòi đó, phẩm chất người chiến sĩ quân đội lại ngời sáng ở các nữ cựu chiến binh. Vì nghĩa tình đồng đội, các chị đã tự nguyện giúp đỡ nhau vượt lên khó khăn. Những chị không có gia đình tình nguyện nuôi con cho những chị có con bị tật nguyền.

Ban liên lạc đơn vị cũng đã viết đơn đề xuất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện cho chị Trần Thị Liên có nhà tình nghĩa. Chị Nguyễn Thị Thường, một thành viên của đơn vị đã tình nguyện chăm sóc đồng đội Lê Thị Lương bị mổ tim. Vượt lên khó khăn, có những cựu chiến binh của trung đội trở thành tấm gương sáng trên lĩnh vực tri thức.

Điển hình như chị Dương Thị Thanh Phúc, sau ngày hòa bình đã thi vào khoa Sử, Đại học Sư phạm Vinh. Suốt 20 năm làm giảng viên trường cao đẳng, 10 năm làm giảng viên Trường đại học Hồng Bàng, chị đã truyền dạy lòng yêu nước của thế hệ cha anh cho thế hệ trẻ từ việc trực tiếp dạy môn lịch sử.

Được trở lại thăm chiến trường xưa, được đến những nơi ghi dấu chiến công của thế hệ thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là nguyện vọng luôn ấp ủ ở những cựu chiến binh thuộc đơn vị Trung đội nữ công binh thép.

Từ nguyện vọng đó, Ban liên lạc cựu chiến binh của đơn vị như ông Nguyễn Thanh Hoanh, chị Dương Thị Trình và đồng đội của họ đã kết nối thông tin để tổ chức một số cuộc hành trình về thăm lại chiến trường xưa đầy ý nghĩa. Trong quá trình thực hiện những cuộc hành trình này, họ đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của Bộ Quốc phòng, Đoàn 559, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, Hội CCB Quảng Bình, Hội CCB tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị quân đội thuộc nước bạn Lào, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Bình, Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Trường trung học kỹ thuật công nông nghiệp Quảng Bình và nhiều cơ quan, đoàn thể khác.

Trong hành trình về thăm lại chiến trường xưa, sau ngày hòa bình lập lại đến nay, những cựu chiến binh Trung đội nữ công binh thép đã 3 lần được thắp hương tri ân tại khu mộ Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; 2 lần được vào viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; 3 lần vào viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Họ còn thực hiện chuyến hành trình sang thăm nước bạn Lào, viếng Nghĩa trang liệt sĩ hữu nghị Việt –Lào cùng nhiều địa chỉ linh thiêng khác trên tuyến đường 20 Quyết thắng. Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã có bộ phim tài liệu có giá trị về Trung đội nữ công binh thép trên hành trình thăm lại chiến trường xưa.

Trao đổi với chúng tôi sau những chuyến du lịch thăm lại chiến trường xưa để tri ân các anh hùng liệt sĩ, tri ân đồng đội, chị Dương Thị Trình, nguyên B phó đơn vị cho biết: “Mỗi lần được kính cẩn thắp hương tri ân Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tất cả chúng tôi không thể cầm được nước mắt, chúng tôi xin kính cẩn biết ơn sự quan tâm vô bờ bến của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã dành cho đơn vị lúc sinh thời. Chúng tôi nguyện sẽ vượt lên mọi khó khăn, phấn đấu giúp đỡ hỗ trợ nhau trở thành người nữ cựu chiến binh gương mẫu để xứng đáng với tình cảm Đại tướng kính yêu đã dành cho đơn vị”.

Chị Dương Thị Thanh Phúc, cựu chiến binh Trung đội nữ công binh thép, nguyên giảng viên Trường đại học Hồng Bàng xúc động nói: “Từ cương vị của mình, tôi xin nguyện tiếp tục góp phần nhỏ bé của mình, truyền dạy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam noi gương những thế hệ cha anh đã hy sinh cống hiến vì nền độc lập vững bền của Tổ quốc”.

Chị Lê Thị Sơn, thành viên cựu chiến binh trung đội  hiện đang sống cùng gia đình ở phường Linh Sơn, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh mong muốn: “Chúng tôi mong có điều kiện để trở lại thăm chiến trường xưa tại đỉnh đèo Phu La Nhích, nơi tuổi thanh xuân của bao đồng đội đã hy sinh cống hiến, nơi in dấu chân vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp đã từng đến thăm, động viên đơn vị trung đội nữ công binh thép vào tháng 3-1973”.

Phan Hòa