.
Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2017):

Giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công: Quyết tâm hoàn thành trong năm 2017

Thứ Ba, 25/07/2017, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những mất mát, hy sinh vẫn còn hằn sâu trên mảnh đất tuyến lửa ngày nào. Là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, nên việc giải quyết chính sách thời hậu chiến gặp không ít khó khăn; đến thời điểm này Quảng Bình vẫn là một trong những địa phương có hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công nhiều nhất trong cả nước. Để tri ân những người đã hy sinh, cống hiến máu xương cho Tổ quốc, những ngày này các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn tỉnh đang cùng với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đẩy nhanh quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành trong năm 2017.

Ngày 20-3-2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã ký Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, với mục tiêu giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng tại các địa phương (gọi là hồ sơ tồn đọng); phấn đấu trong năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LĐ-TB-XH, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên.

Thực hiện Quyết định 408 của Bộ LĐ-TB-XH, Quảng Bình đã nhanh chóng triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể: ngày 31-3-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 524/KH-UBND về việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng.

Đồng thời, Sở LĐ-TB-XH có Công văn số 347 đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày) cử cán bộ tham gia ban chỉ đạo, tổ xác minh xác nhận người có công cấp tỉnh. Ngày 24-4-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1368/QĐ-UBND về thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) xác nhận người có công tỉnh và Quyết định số 1385/QĐ-UBND thành lập Tổ xác minh người có công tỉnh.

Ngay sau đó, Sở LĐ-TB-XH có Công văn số 743 kèm danh sách phân theo nơi xác lập đề nghị ban đầu gửi các sở, đơn vị và các địa phương để rà soát, báo cáo thông tin đối tượng trong hồ sơ về tình hình còn sống hay từ trần và tình hình cư trú của đối tượng.

Đến ngày 31-5-2017, UBND tỉnh tổ chức hội nghị BCĐ xác nhận người có công mở rộng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ xác nhận người có công tỉnh chủ trì và đã kết luận: Thống nhất thực hiện quy trình xem xét xác nhận người có công theo Quyết định 408 đối với 180 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách như thương binh và 8 hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ.  Chuyển 81 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách như thương binh tồn đọng đến UBND cấp huyện để hướng dẫn lập lại hồ sơ theo Thông tư 28/2013/TT-BLĐTBXH-BQP.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm sóc chu đáo người có công với cách mạng. (trong ảnh: đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cùng đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Đít, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới).
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm sóc chu đáo người có công với cách mạng. (trong ảnh: đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cùng đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Đít, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới).

Ngày 1-6-2017, BCĐ xác nhận người có công đã có Công văn số 01/BCĐ về hướng dẫn giải quyết chính sách tồn đọng theo quy định tại Quyết định 408 gửi các sở, đơn vị và địa phương, trong đó đưa ra các mốc thời gian quy định gấp rút cho mỗi cấp, phấn đấu giải quyết cơ bản và sớm báo cáo BCĐ xác nhận người có công tỉnh để trình Bộ LĐ-TB-XH xem xét.

Đến thời điểm này, Sở LĐ-TB-XH đang tích cực đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện quy trình theo đúng quy định tại Quyết định 408, phấn đấu xác nhận đúng thời gian, đúng đối tượng theo chỉ đạo của Bộ. Đồng chí Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Tổ trưởng Tổ xác minh người có công tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong những năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực rất lớn trong việc giải quyết các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng.

Nhưng trên thực tế, trong những năm đánh Mỹ, Quảng Bình là địa phương vừa sản xuất vừa trực tiếp chiến đấu (mỗi người dân là một chiến sĩ), là cửa ngõ chi viện cho các chiến trường, nên đối tượng người có công đông, vì vậy cũng thuộc một trong những tỉnh, thành có hồ sơ tồn đọng nhiều nhất, nên việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn...

Nhưng với quyết tâm chính trị cao nhất, toàn tỉnh đang tập trung cao độ nhằm cơ bản giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng trong năm 2017; trên tinh thần  xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, đồng chí cùng hoạt động, ý kiến của cộng đồng nhân dân, đồng thời phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong minh bạch kết quả giải quyết hồ sơ. Hiện tại hồ sơ đang được gửi về giải quyết ở cấp xã.

Các xã đang công khai tại xã, phường thông tin nơi nguyên quán của các đối tượng trước khi ra đi tham gia cách mạng để lấy ý kiến nhân dân và thông qua hội đồng xét duyệt cấp xã; sau đó chuyển lên xét duyệt ở hội đồng cấp huyện và hội đồng cấp tỉnh; báo cáo Bộ để xét duyệt từng hồ sơ và sẽ công bố công khai trên các phương tiện truyền thông, như Báo Nhân Dân, Báo Lao Động, Báo Quảng Bình, trang web của Sở LĐ-TB - XH.

Trong vấn đề này, Sở LĐ-TB-XH cũng mong muốn có sự tham gia giám sát của người dân, vì cộng đồng nhân dân nơi cư trú là sát thực, chính xác nhất. Đặc biệt các hội đoàn thể, như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi và các tổ chức đoàn thể khác cần tích cực tham gia giám sát, góp ý và phát hiện những tiêu cực trong khai man hồ sơ (nếu có).

Đồng chí Hồ Tân Cảnh cũng chia sẻ: Vấn đề khó khăn nhất trong xác minh hồ sơ tồn đọng hiện nay, đó là chiến tranh đã lùi xa, đa số đối tượng tuổi đã cao, trí nhớ giảm sút, thậm chí có người không biết chữ; các nhân chứng ngày càng ít đi, giấy tờ gốc các đối tượng không còn giữ, mai một theo thời gian, hoặc mất mát do chiến tranh, thiên tai bão lũ, hoặc đơn vị giải thể, các cơ quan quản lý không nắm được... việc tìm lại rất khó khăn; những lần bị thương của các đối tượng không còn người làm chứng, không có chứng cứ... Rồi tình trạng man khai hồ sơ cũng đã diễn ra trong một vài trường hợp... nên rất khó khăn trong việc xác minh.

Là huyện có hồ sơ tồn đọng nhiều nhất tỉnh, đồng chí Ninh Thị Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lệ Thủy trao đổi: Thực hiện kế hoạch giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng của UBND tỉnh, huyện Lệ Thủy đã nhanh chóng tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn cụ thể cho cán bộ chính sách của các xã, thị trấn để triển khai thực hiện. Trong số 66 hồ sơ tồn đọng do Sở LĐ-TB-XH chuyển về, các xã đang triển khai các bước theo hướng dẫn tại địa bàn dân cư theo đúng tiến độ của tỉnh đề ra.

Riêng huyện Lệ Thủy hiện đang gặp khó khăn với vấn đề thờ phụng liệt sĩ của trên 140 trường hợp. Những trường hợp này đều có tên trong nhà bia tưởng niệm của các xã, thị trấn, nhưng lại không có giấy tờ liên quan, cũng không có mộ phần tại nghĩa trang. Hiện chưa có văn bản nào của Sở và Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn cụ thể về các trường hợp này. Huyện đang chỉ đạo các xã lập danh sách niêm yết công khai ở khu dân cư, nếu không có ý kiến phản hồi thì lập danh sách gửi Sở LĐ-TB-XH, để xin chủ trương giải quyết của tỉnh.

“Toàn huyện đang nỗ lực, tập trung giải quyết vấn đề hồ sơ tồn đọng cũng như các chế độ chính sách liên quan đến người có công trên địa bàn với thời gian nhanh nhất có thể, để tri ân những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc hôm nay”, đồng chí Ninh Thị Hòa khẳng định.

Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, quy định đối tượng:

1. Trong năm 2017, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Đã lập trước ngày 1-7-2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

b) Đang lưu trữ tại cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, công an, quân đội cấp tỉnh trở lên.

2. Không xem xét đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận người có công với cách mạng (không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định pháp luật).

Nội Hà