.

Phát huy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trong tình hình mới

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 28-5-2003, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 23 CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo (viết tắt Chương trình hành động số 23). Qua 15 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 23 của Tỉnh ủy, công tác quản lý Nhà nước (QLNN) về tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác tôn giáo, đặc biệt để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 23, Ban Tôn giáo tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác tôn giáo, trong đó nổi bật như Quyết định số 16/2005/QĐ-UB ngày 23-3-2005 về việc ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1-3-2005 của Chính phủ; Chương trình hành động số 1715/CTr-UBND ngày 24-8-2007 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo giai đoạn 2007-2010; Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 30-1-2013 về tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh; các chỉ thị, quyết định về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo...

Ban Tôn giáo tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã, thành phố quan tâm giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo nhân các lễ Noel, lễ Phục sinh, lễ tấn phong linh mục; lễ Phật đản, lễ khánh thành chùa, các kỳ đại hội Phật giáo; các hoạt động tôn giáo lớn, mang tầm Quốc gia và của tỉnh như lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc, lễ cung đón Phật ngọc hòa bình thế giới; việc thành lập tổ chức tôn giáo, việc bố trí, thuyên chuyển các chức sắc, nhà tu hành về mục vụ trên địa bàn...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 32 giáo xứ, 94 giáo họ, 41 chức sắc Công giáo, 1 Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, 4 Ban trị sự giáo hội Phật giáo cấp huyện, 1 Ban trụ trì chùa, 11 cơ sở Phật giáo.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu GHPGVN tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2017-2022.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu GHPGVN tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2017-2022.

Vấn đề đất đai, xây dựng các công trình liên quan đến tôn giáo được các cấp, các ngành quan tâm hướng dẫn, xem xét giải quyết, từng bước đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ làm tôn giáo các cấp, các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng.

Tính từ năm 2003-2016, Ban Tôn giáo tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 110 cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác tôn giáo cho cán bộ làm tôn giáo các cấp và chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo với hơn 15 ngàn lượt người tham dự...

Đối với những đề xuất của các tổ chức tôn giáo có yếu tố nước ngoài được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết theo quy định, như cho phép đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican đến hoạt động tại địa bàn các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch; chấp thuận cho đoàn chức sắc, nhà tu hành Ấn Độ đến thăm và tổ chức lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc; đoàn Phật giáo nước ngoài đến hoằng pháp tại chùa Hoằng Phúc...

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác QLNN về tôn giáo ở cơ sở, chính quyền địa phương cấp huyện, xã cũng đã vận dụng linh hoạt, mềm dẻo vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa bàn; công khai, hướng dẫn, giải thích các vấn đề liên quan đến tôn giáo; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện việc sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật và theo đúng hiến chương, điều lệ của tổ chức giáo hội...

Đối với những vụ việc tôn giáo có tính chất điểm nóng, nhạy cảm, phức tạp, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành và chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, truyền đạo trái phép, tập trung đông người, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Do đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong những thời điểm nhạy cảm cơ bản được giữ vững, tạo được sự tin tưởng trong quần chúng nhân dân và tín đồ...

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt ccông tác QLNN về tôn giáo trên địa bàn; cấp ủy chính quyền cần đề cao trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tham mưu, nhất là đối với cấp xã, phường, thị trấn nơi có đồng bào tôn giáo. Các địa phương, đơn vị... cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo, Chương trình hành động số 23 của Tỉnh ủy cho cán bộ làm công tác QLNN về tôn giáo các cấp, chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo.

Toàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ các tín đồ và chức sắc tôn giáo nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tham mưu công tác QLNN về tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở phải chủ động nắm chắc tình hình, dự báo tình hình tôn giáo ở địa phương, với phương châm “hướng về cơ sở, sát với cơ sở”; mọi hành vi vi phạm chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo phải được phát hiện xử lý kịp thời từ cơ sở (thôn, xóm, tổ dân phố...)...

Các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng có liên quan cần quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác QLNN về tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chuyên sâu, đủ năng lực, tạo sự thống nhất và tính "liên hoàn" cao nhằm phát huy sức mạnh và hiệu quả, hiệu lực công tác QLNN về tôn giáo trong tình hình mới.

Trung Chính
           (Ban Tôn giáo tỉnh)