.
Kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng (16-10-1948 - 16-10-2014):

Ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Bình: 66 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ Năm, 16/10/2014, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết được nghiêm chỉnh thực hiện, đồng thời tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Có thể nói, hoạt động kiểm tra của Đảng có ngay từ khi có Đảng. Khi có chính quyền, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, hoạt động kiểm tra của Đảng cần có tổ chức tương ứng với chức năng lãnh đạo.

>> Bài học từ "Dân vận khéo"

>> Phát huy truyền thống, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra và xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, ngày 16-10-1948, tại chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) đã ra Quyết nghị số 29-QN/TƯ thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chuyên trách đầu tiên của Đảng ta. Từ đó, ngày 16-10-1948 trở thành Ngày truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng.

Cùng với sự ra đời và kiện toàn Ban Kiểm tra, sau này là Ủy ban Kiểm tra các cấp, đội ngũ cán bộ kiểm tra ngày càng phát triển. Khi mới thành lập chỉ có 3 đồng chí ở cấp Trung ương, đến nay đã có hơn 6.000 chuyên trách từ cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên và hơn 65.000 cán bộ kiểm tra kiêm chức.

Ðáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Ðảng, qua mỗi chặng đường cách mạng, Ngành Kiểm tra Ðảng không ngừng được bổ sung, hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy. Ðội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng không ngừng lớn mạnh, vững vàng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Công tác kiểm tra đã từng bước góp phần xây dựng Ðảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, các nguyên tắc tổ chức cơ bản được giữ vững.

Và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với quá trình xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Ngày 30-7-2007, Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, đã thể hiện quan điểm của Đảng: “Kiểm tra, giám sát là nội dung quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trực tiếp tiến hành”.

Từ ngày thành lập Đảng đến nay, lần đầu tiên Đảng ta đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát; điều đó khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng công tác kiểm tra, giám sát và xác định để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X thì phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát, tư tưởng; thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy giao ban công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: A.T
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy giao ban công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: A.T

Sau Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhiệm vụ của Ngành Kiểm tra Đảng càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng.

Sau khi Ban Kiểm tra Trung ương được thành lập, công tác kiểm tra của tỉnh Quảng Bình đã có những chuyển biến mới cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Bình được cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lớn mạnh về mọi mặt. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ I đến lần thứ III (1948-1958), Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí trong Tỉnh ủy phụ trách công tác kiểm tra. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (1961) mới thành lập Ban Kiểm tra cấp huyện, thị.

Và từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, nhiệm kỳ 1982-1986, Ủy ban Kiểm tra được tổ chức đến đảng bộ cơ sở. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra các cấp do Điều lệ Đảng quy định, từ nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ cấp uỷ, dần dần Điều lệ Đảng giao nhiều nhiệm vụ cụ thể, không những tăng thẩm quyền kiểm tra, thi hành kỷ luật mà Đại hội X của Đảng còn quyết định thêm nhiệm vụ giám sát cho Ủy ban Kiểm tra và tổ chức đảng các cấp.

66 năm qua, Ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Bình luôn ý thức công tác kiểm tra, giám sát xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, thường xuyên lấy đó làm mục tiêu để xây dựng phương hướng, chương tình hành động của mình. Mặc dù có nhiều khó khăn về lực lượng, năng lực, đội ngũ cán bộ kiểm tra cũng như điều kiện hoạt động, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy tỉnh, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, Ngành Kiểm tra đã từng bước trưởng thành.

Trong mọi thời kỳ cách mạng, kể cả những thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, liên tục bền bỉ phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ủy ban Kiểm tra ba cấp đã kịp thời, chủ động tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo điều 30, Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp uỷ giao, tổ chức tốt việc học tập, triển khai, quán triệt các nghị quyết, quyết định, kết luận của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng và Quy định những điều đảng viên không được làm; chủ trì tổng kết công tác kiểm tra, giám sát hàng năm; tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; việc khắc phục sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp về vai trò, vị trí và trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Cùng với việc thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra 3 cấp đã tích cực, chủ động thực hiện tương đối toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo điều 32, Điều lệ Đảng quy định.

Việc khảo sát, nắm tình hình, xác định nội dung, đối tượng kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm có trọng tậm, trọng điểm, nên qua kiểm tra kết luận đã tạo chuyển biến tích cực; xem xét, giải quyết kịp thời đơn thư tố cáo, khiếu nại kỷ luật Đảng; thi hành kỷ luật đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục; công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề đã có chuyển biến tích cực và đi dần vào nền nếp; kiểm tra tài chính cấp ủy cùng cấp và tài chính cấp ủy cấp dưới được tăng cường hơn so với năm trước. Nhiều cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra đã chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các thông báo, kết luận, quyết định của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp mình sau kiểm tra.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra ba cấp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, một số Ủy ban Kiểm tra chưa chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát; chưa chủ động trong tổ chức thực hiện và tham mưu giúp cấp uỷ tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm số lượng còn ít; giải quyết tố cáo, khiếu nại một số truờng hợp chưa kịp thời, thời gian còn kéo dài; thi hành kỷ luật một số trường hợp chưa đúng nguyên tắc, thủ tục; nhiều Ủy ban Kiểm tra chưa quan tâm đúng mức việc kiểm tra tài chính của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện các quyết định, thông báo kết luận kiểm tra, giám sát của cấp uỷ và Ủy ban Kiểm tra chưa thường xuyên, có nơi chưa chú trọng, nhất là việc thu hồi số tiền sai phạm qua kiểm tra, nên tình trạng chấp hành không nghiêm nhưng không được xử lý, hạn chế tác dụng giáo dục, gây dư luận không tốt trong nội bộ Đảng và quần chúng nhân dân.

Việc bảo vệ, khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố tích cực có thực hiện nhưng còn ít và chưa rõ nét; một số cấp uỷ, Ủy ban Kiểm tra chưa quan tâm đến việc kiện toàn, bổ sung nhân sự tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong 66 năm qua của Ủy ban Kiểm tra ba cấp tỉnh Quảng Bình luôn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng như tham mưu, giúp cấp ủy đã luôn thể hiện tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động công tác kiểm tra là “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả” với phương châm xử lý “Công minh, chính xác, kịp thời”.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng đã gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, đẩy lùi, hạn chế tệ tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên, sự đoàn kết nhất trí, có tác dụng giáo dục và hạn chế những sai phạm, khuyết điểm của các tổ chức đảng, đảng viên; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng ở địa phương.

Đinh Công Hải, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy