.
Kỷ niệm 65 năm ngày Dân vận Việt Nam (15-10-1949 - 15-10-2014):

Bài học từ "Dân vận khéo"

Thứ Tư, 15/10/2014, 07:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 15-10-1949, trên báo Sự Thật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận”, lấy bút danh là “X.Y.Z”. Đến nay, tròn 65 năm trôi qua, những câu chữ ngắn gọn nhưng ý nghĩa trong bài báo của Người vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của công tác dân vận. Thấm nhuần lời dạy của Bác, cả hệ thống chính trị của tỉnh ta đã học tập và làm theo lời Bác trong công tác dân vận để đạt được những kết quả thiết thực.

>> Phát huy truyền thống, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới

Nhiều năm qua, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị ở tỉnh ta đã được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đạt kết quả tốt, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng trong tình hình mới.

Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục có các giải pháp đổi mới trong công tác dân vận, tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân, nổi bật như: Thành ủy Đồng Hới có đề án tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận chính quyền; Huyện ủy Tuyên Hoá có đề án lãnh đạo các cấp đối thoại với nhân dân; Huyện ủy Quảng Ninh chỉ đạo ổn định tình hình liên quan đến Nhà máy Xi măng Áng Sơn II; Huyện ủy Minh Hoá phân công cán bộ cấp huyện về dự sinh hoạt với chi bộ ở cơ sở...

Nổi bật lên là mô hình bảo đảm an ninh trật tự, thôn, xóm, tổ dân phố không có tội phạm do Ban Dân vận Thành ủy Đồng Hới phối hợp với Công an thành phố chỉ đạo tiến hành áp dụng điểm tại phường Hải Đình và Phú Hải. Sau một năm nhìn lại, mô hình này đã thực sự phát huy hiệu quả nhờ tính chủ động, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, UBND các cấp, các ngành tiếp tục có các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện công tác dân vận, đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa những bức xúc trong quần chúng, từ đó, có những kế hoạch và chính sách phù hợp.

Thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 1 đòi hỏi chính quyền các cấp phải thực sự sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó, vận động người dân bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch, tích cực vận dụng những chính sách hỗ trợ cao nhất, không để người dân bị thiệt thòi. Các huyện, thành phố có quốc lộ đi qua đã tăng cường cán bộ chỉ đạo, kiểm tra, đối thoại, giải quyết những vướng mắc trong nhân dân. Thành phố Đồng Hới là đơn vị đi đầu trong việc vận động người dân giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ.

Xây dựng nông thôn mới tại xã Lộc Thủy (Lệ Thủy). Ảnh: Hoàng An
Xây dựng nông thôn mới tại xã Lộc Thủy (Lệ Thủy). Ảnh: Hoàng An

Đẩy mạnh công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới theo Chỉ thị 18/2014/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện, vận động nhân dân xây dựng hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ngoài xã Quang Phú (Đồng Hới) đã cán đích thành công, toàn tỉnh hiện có 11 xã về cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, một số hạng mục đang gấp rút xây dựng và sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2014.

Chỉ sau thời gian ngắn phát động xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) đã xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông với tổng kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 1,5 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, hiến vườn mở rộng đường giao thông. Đánh giá những kết quả trong công tác dân vận xây dựng nông thôn mới tại đây, đồng chí Ninh Thị Hòa, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lệ Thủy khẳng định: “Có được những thành quả đó là nhờ rất lớn ở đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã nhà trong công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng và làm theo”.

Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới đã chỉ rõ: Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động nhân dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân.

Trong năm qua, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo ở xã, phường thị trấn giai đoạn 2013-2016; ban hành quy chế công khai thủ tục hành chính trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều nỗ lực của UBND các cấp đã góp phần nâng cao trách nhiệm, đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, bãi bỏ nhiều văn bản không cần thiết để giảm phiền hà cho nhân dân. Đó cũng là cách làm dân vận hiệu quả để mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho người dân.

Trở lại bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Người, để công tác dân vận thực sự đem lại hiệu quả thì người làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.

Chứ không phải chỉ nói xuông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, họ phải thật sự bắt tay vào việc, “nói đi đôi với làm”. Và rõ ràng, chỉ khi những người cán bộ của Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở các cấp thực hiện theo đúng lời dạy của Bác, thực sự gần dân, hiểu dân mới có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân. Từ đó, nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhiều cuộc vận động, như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... mới thực sự gặt hái được những kết quả thành công.

Các tổ chức đoàn thể ở các cấp, ngành cũng đã không ngừng nâng cao vai trò của công tác dân vận, từ đó, hoàn thành tốt nhiều phong trào, mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên: Hội Nông dân đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 5 sạch”; Đoàn Thanh niên các cấp đẩy mạnh phong trào tuổi trẻ “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp”...

Tận mắt nhìn thấy những nỗ lực của các cán bộ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn, hội cơ sở, chúng tôi mới hiểu được rằng để có được những kết quả tốt đẹp từ các cuộc vận động, các phong trào, họ phải thực sự là những cán bộ dân vận “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Từ những bản làng nghèo khó trên dãy Trường Sơn, đến những thôn xóm trải dài trên vùng bãi ngang đầy nắng cháy và cát bỏng, đâu đâu cũng có dấu chân của những cán bộ dân vận. Họ “nghe dân nói”, nhìn dân làm, hiểu dân nghĩ rồi mới tìm những cách làm hay để tuyên truyền, vận động, “nói dân hiểu, làm dân tin”.

Chị Nguyễn Thị Quyên, một cán bộ Hội Phụ nữ ở xã miền núi Trường Xuân (Quảng Ninh), nhiều năm qua, một mình chị đảm nhận hơn 10 vị trí, chức trách khác nhau tại thôn bản. Miệng nói, tay làm, chị vừa là cán bộ phụ nữ, cán bộ tín dụng, lại vừa là cán bộ truyền thông dân số, y tế, đại biểu hội đồng nhân dân. Tiền lương trả cho các vị trí chức trách không nhiều nhưng với cái tâm của người cán bộ làm công tác dân vận, chị tận tụy với bà con dân bản. Với chị, đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng chính là niềm vui.

Nhờ những cán bộ dân vận xông xáo, nhiệt tình như chị Quyên, mà nhiều điển hình “Dân vận khéo” đã được nhân rộng. Ở tất cả các địa phương đều dấy lên phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Thi đua yêu nước”, với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Như đánh giá của đồng chí Bùi Quang Cảnh, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy thì “ngành ngành, nhà nhà đều hướng đến phong trào thi đua.

Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 2.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, đóng góp đó là quá trình chuyển biến nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Và quan trọng là góp phần ổn định tình hình ở từng địa phương, cơ sở thông qua việc giải quyết những vấn đề thuộc về quyền lợi, lợi ích của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận xã hội, ổn định chính trị từ cơ sở”.

Diệu Hương