.

Thực hiện nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng và vai trò đại diện của Hội đồng nhân dân

Thứ Hai, 21/10/2013, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Được sự tác động mạnh mẽ từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, với vai trò đại diện của cử tri và nhân dân, hoạt động của HĐND đã có những chuyển biến tích cực. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ ở cơ quan dân cử, bước đầu đạt được mục tiêu: “Củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân” như Nghị quyết đã đề ra.

Bằng những kinh nghiệm được rút ra từ nửa nhiệm kỳ hoạt động và động lực to lớn từ Nghị quyết TW 4 (khóa XI), cơ quan dân cử ở địa phương đã có nhiều đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình hoạt động và ngày càng tiến bộ thể hiện sâu sắc vai trò đại diện của nhân dân để thực hiện Nghị quyết theo phương châm: “Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất” hiện nay.

Để nắm bắt đầy đủ khách quan những vấn đề bức xúc nổi cộm trong nhân dân, trước hết buộc HĐND phải thay đổi phong cách tiếp cận, thực hiện nhiều hình thức TXCT theo giải pháp của Nghị quyết đặt ra: “Phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân”. Ý thức rõ điều đó, nên trong thời gian gần đây HĐND không những chỉ TXCT trước và sau kỳ họp thường lệ mà còn tăng cường gặp gỡ cử tri nơi công tác và ở khu vực cư trú.

Ngoài ra Thường trực HĐND còn tổ chức nhiều hội nghị TXCT theo chuyên đề ở các cơ quan, đơn vị. Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri và nhân dân, không còn tình trạng diễn ra  một chiều mà đã trở thành những cuộc đối thoại thực sự. Đại biểu HĐND không chỉ nghe mà còn trả lời, giải thích trực tiếp, rừ ràng, nhất khoát những vấn đề cử tri nêu lên. Do đó số ý kiến, kiến nghị của cử tri còn lại đã giảm hẳn. Đối thoại trực tiếp với dân không những ở các cuộc TXCT mà quan trọng hơn còn diễn ra tại nơi tiếp đón công dân. Dù chỗ làm việc chưa được khang trang, rộng rãi lắm, nhưng các cơ quan dân cử ưu tiên bố trí nơi tiếp công dân thuận tiện, thân thiện, tạo điều kiện tốt nhất để người dân tin tưởng tiếp cận và thể hiện hết tâm tư, nguyện vọng của mình với Thường trực và lãnh đạo các ban của  HĐND.

Những trao đổi, đối thoại chân tình cởi mở, tạo cho nhân dân gần gũi, phấn khởi, yên tâm với cơ quan đại diện cho mình. Ngoài tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở của mình, đại diện Thường trực, các ban của HĐND còn tham gia tiếp dân chung với UBND, UBMTTQ và các ngành liên quan, để mong muốn cùng các cơ quan hữu quan giải quyết được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Đồng thời qua đó tiếp nhận được nhiều thông tin phản ánh tham gia xây dựng chính quyền từ những người dân. Tuy nhiên, hoạt động TXCT và tiếp công dân của HĐND vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Nhìn chung việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri không được đầy đủ, có nơi còn thiếu chính xác và không kịp thời. Đại biểu HĐND sau TXCT thiếu báo cáo kết quả lên Thường trực HĐND.

Trong tiếp dân có những cán bộ vẫn còn ngại đối thoại, trao đổi, giải thích; thường chỉ tiếp thu, hứa hẹn chung chung rồi chuyển tiếp đơn thư. Còn đại biểu HĐND ở các ngành và cơ sở rất ít có cơ hội để tiếp công dân.

Đặc biệt thẩm quyền giải quyết của Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND chưa có chế tài cụ thể mà chỉ kiểm tra, giám sát, kiến nghị; cùng lắm cũng chỉ yêu cầu UBND và các ngành liên quan giải quyết trả lời mà thôi. Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương cần nghiên cứu để: “Hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật” liên quan, theo tinh thần Nghị quyết; tạo cơ sở pháp lý cho việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri và nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo thiết thực, thoả mãn kỳ vọng từ người dân nhiều hơn.

Giải pháp có tính đột phá, tạo ấn tượng lớn trong nhân dân lần này mà Nghị quyết  đã đặt ra: “Sớm thực hiện quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn”.

Ngay sau Nghị quyết của BCH Trung ương, QH kịp thời ban hành Nghị quyết: 35 và liền sau đó UBTVQH có Nghị quyết số: 561 Hướng dẫn về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Nghị quyết của QH nhanh chóng thực hiện ngay tại kỳ họp thường lệ vừa qua ở tất cả HĐND ba cấp các địa phương. Lần đầu đại biểu HĐND thực hiện vai trò đại diện cử tri và nhân dân, để thực thi trách nhiệm chính trị của mình, đánh giá mức độ hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao và phẩm chất đạo đức của những chức danh do mình lựa chọn bầu ra.

Từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát thường xuyên, xem xét tất cả các báo cáo và thảo luận, chất vấn trực tiếp tại kỳ họp; đại biểu HĐND công tâm, trách nhiệm, đánh giá tín nhiệm những người giữ chức vụ do HĐND bầu với kết quả khá khách quan. Và, kết quả to lớn hơn, tốt đẹp hơn đó là ngay sau lấy phiếu tín nhiệm những “Công bộc” của dân tự soi xét lại bản thân và hiểu mình một cách đúng đắn hơn.

Từ kết quả đó, bước đầu các chức danh của HĐND, UBND đã có những chuyển biến tích cực trong công việc và chắc chắn tạo tiền đề để chính quyền địa phương ngày càng thực sự vì dân hơn. Lấy phiếu tín nhiệm những chức vụ do HĐND bầu rất mới mẽ, nên không thể tránh hết những hạn chế và còn những băn khoăn suy nghĩ. Đã lường trước những phát sinh cần tiếp tục thực hiện. Nghị quyết TW 4 (khóa XI) đã đề cập: “Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng”.

Thực tế ở địa phương, đối tượng cần được lấy phiếu tín nhiệm là Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, người thường xuyên bị chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp trước HĐND. Những chức vụ chỉ đạo, điều hành trực tiếp hàng ngày những công việc chuyên môn cụ thể, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển KT-XH của mỗi địa phương.

Hơn nữa, Nghị quyết TW 4 (khóa XI) cũng đề ra giải pháp: “Quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị”. Như vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chuyên môn cần phải được đại biểu HĐND đánh giá thẩm quyền, trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ như các thành viên khác của UBND. Từ đó địa phương sẽ có cơ sở, tiền đề phát triển vượt bậc, nâng cao đời sống của nhân dân.

Nên chăng, cơ quan có thẩm quyền cần quy định cho mở rộng đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm ở địa phương. Còn lâu dài nên sửa đổi Luật tổ chức HĐND và UBND theo hướng: “HĐND phê chuẩn chức danh Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND” thì đương nhiên đối tượng này được lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết số: 35 của QH. Hơn nữa, Luật sửa đổi bổ sung như thế cũng sẽ tăng cường thực quyền của HĐND các địa phương.

Với khoảng hơn một năm thực hiện, Nghị quyết BCH Trung ương lần thứ tư đã tác động tích cực đến hoạt động của HĐND ba cấp ở tất cả các địa phương. Đặc biệt với vai trò đại diện của cử tri và nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước, hoạt động của HĐND đã có nhiều đổi mới và tiến bộ rõ rệt. Đúng như phương châm của Nghị quyết đã xác định: “Làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, cũng chính là để thúc đẩy nhiệm vụ chính trị” của cơ quan dân cử.

Trần Đình Huề