Cải cách hành chính:

Hiệu quả nhờ... ISO

Cập nhật lúc 10:11, Thứ Hai, 26/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Với mục đích xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp hóa và hoạt động thật sự có hiệu quả theo mục tiêu chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, năm 2007, tỉnh ta đã triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Qua gần 5 năm thực hiện đã góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước, bước đầu tạo được niềm tin của nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 21 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận phù hợp yêu cầu tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và 3 đơn vị đang triển khai đánh giá nội bộ (gồm: UBND huyện Lệ Thủy, UBND huyện Quảng Ninh và UBND huyện Bố Trạch).

Trong đó, có một số đơn vị như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư Pháp, Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải...đã được cấp giấy chứng nhận chỉ sau hai năm triển khai thực hiện chương trình. 
Khi triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, bước đầu, cán bộ, công chức được đào tạo, tập huấn nâng cao về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tạo được thói quen làm việc khoa học, hiệu quả thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đã xây dựng. Tổ chức, thu thập, sắp xếp và lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn các cơ quan cấp trên, hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực nên tạo được sự thống nhất, đồng bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức được phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình xử lý công việc và thực hiện trách nhiệm, quyền lợi của mình đúng nơi, đúng người có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, thông qua áp dụng ISO, lãnh đạo các ngành, đơn vị đã điều hành công việc có hiệu quả hơn nhờ cơ chế giải quyết công việc rành mạch và thống nhất. Đồng thời, qua đó có thể theo dõi được quá trình giải quyết công việc, xác định được những khâu chậm tiến độ để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời và đánh giá được trách nhiệm của cán bộ của từng khâu trong chuỗi giải quyết công việc.

Bộ phận giải quyết hành chính
Bộ phận giải quyết hành chính "Một cửa" tại UBND T. P Đồng Hới. Ảnh: N. L

Một điều đáng nghi nhận, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO làm giảm đáng kể hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức đối với người dân. Các thủ tục hành chính đều có quy trình xử lý công việc, được niêm yết công khai, minh bạch. Người dân đến các cơ quan nhà nước được cán bộ hướng dẫn tận tình và trả kết quả xử lý đúng hẹn.

Nhờ vậy, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao, tạo lòng tin và đem đến sự hài lòng của người dân. Tại UBND huyện Quảng Trạch, khi bắt tay vào triển khai áp dụng hệ thống ISO, huyện đã đầu tư hệ thống trang, thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc như: máy vi tính, máy photo, máy xếp hàng tự động, bảng điện tử tra cứu, hướng dẫn thủ tục hồ sơ, hệ thống quét mã vạch kiểm tra kết quả giải quyết hồ sơ, hệ thống máy tính nối mạng sử dụng các phần mềm tác nghiệp được chuẩn hóa bằng các quy trình ISO 9001:2008. UBND huyện đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa với mục tiêu 100% hồ sơ phải giải quyết đúng hẹn và bảo đảm chất lượng dịch vụ công theo hướng nhanh gọn, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, có thể thấy việc áp dụng hệ thống ISO trong những năm qua vẫn còn nhiều bất cập, đó là nhận thức trong cán bộ, công chức về ISO còn mới mẻ nên khi thực hiện theo một quy trình mới bắt buộc cần có thời gian dài mới đi vào nền nếp và vận hành theo đúng quy định. Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thay đổi liên tục khiến các thủ tục hướng dẫn, biểu mẫu cũng phải thay đổi nên vừa áp dụng, vừa phải bổ sung, cải tiến để hoàn thiện các quy trình của hệ thống làm ảnh hưởng quá trình thực hiện.

Vì vậy, để việc triển khai thật sự có hiệu quả và không chỉ dừng lại ở yếu tố hình thức thì trước tiên cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, các đơn vị để thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và mọi người hiểu và tham gia vào các giai đoạn của quy trình trong việc áp dụng hệ thống ISO.

                                                                                               N. L

,
.
.
.