Chung sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cắm mốc biên giới Việt Nam -Lào

Cập nhật lúc 10:04, Thứ Sáu, 23/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã hơn 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, tỉnh ta cùng với các tỉnh của nước bạn Lào có chung tuyến biên giới đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện dự án và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Sau đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên Báo Quảng Bình với ông Nguyễn Vinh, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ.

Vận chuyển cột mốc và vật tư lên vị trí cắm mốc. Ảnh: Văn Hoàng.
Vận chuyển cột mốc và vật tư lên vị trí cắm mốc. Ảnh: Văn Hoàng.
* P. V: Có thể nói rằng Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia của mỗi nước. Sau hơn ba năm thực hiện, xin ông đánh giá khái quát về kết quả của công tác cắm mốc trên đoạn biên giới đi qua tỉnh ta?

- Ông Nguyễn Vinh: Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Uỷ ban Liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào và được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, ba năm qua công tác cắm mốc trên tuyến biên giới tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng, bảo đảm chính xác, hiện đại, bền vững, thống nhất trên toàn tuyến biên giới, góp phần tăng cường công tác quản lý biên giới và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước nói chung và tỉnh Quảng Bình với hai tỉnh Khăm Muộn, Savannakhet nói riêng.

Đến tại thời điểm này đã cắm được 48 cột mốc/61 cột mốc, trong đó trên tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Savannakhet đã hoàn thành toàn bộ số lượng mốc phải cắm (9 cột mốc); công tác chuẩn bị cho việc cắm số mốc còn lại đang được tiến hành khẩn trương... Chất lượng hệ thống mốc bảo đảm các tiêu chí mà Uỷ ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam- Lào đã đề ra.

* P. V: Để có những kết quả trên, Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh ta đã có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn Khăm Muộn và Savannakhet, xin ông cho biết cụ thể?

- Ông Nguyễn Vinh: Trong những năm qua kể từ ngày khởi động dự án, Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo cắm mốc hai tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet (CHDCND Lào); tổ chức đầy đủ các cuộc họp song phương theo quy định. Cụ thể, với tỉnh Khăm Muộn, đã có 6 cuộc họp song phương định kỳ, với tỉnh Savanakhet đã tổ chức 2 cuộc họp song phương để đánh giá kết quả phối hợp triển khai công tác cắm mốc thời gian qua và bàn giải pháp triển khai kế hoạch thời gian tiếp theo.

Trong quá trình cắm mốc, Ban chỉ đạo cắm mốc hai tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo Đội liên hợp cắm mốc triển khai công tác cắm mốc trên thực địa đáp ứng tiến độ đề ra, đúng với các quy định pháp lý- kỹ thuật...

* P. V: Số lượng mốc phải cắm còn lại không phải ít, hơn nữa, phần lớn lại ở những vị trí hiểm trở, vậy trong thời gian tới nhiệm vụ trọng tâm là gì?

- Ông Nguyễn Vinh: Để hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống  mốc quốc giới Việt Nam - Lào đúng kế hoạch, trong thời gian tới Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trong chỉ thị số 631/CT-TTg ngày 10-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ và  để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc thực hiện nhiệm vụ nặng nề và rất khó khăn này, Ban chỉ đạo cũng sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và cán bộ, nhân dân nhất là ở vùng biên giới nhận thức sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biên giới; các văn bản về quản lý biên giới, về công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam- Lào...

Đặc biệt, là làm cho mọi tổ chức, cá nhân thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Với nhiệm vụ cụ thể, để tiếp tục hoàn thành số lượng cột mốc còn lại phải tổ chức các cuộc họp song phương với Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Khăm Muộn để triển khai các giải pháp thực hiện công tác cắm mốc trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, có biện pháp chỉ đạo thật tốt, sát thực tế để khắc phục khó khăn, xác định vị trí các mốc còn lại, nhất là những cột mốc nằm trên khu vực núi đá vôi, vị trí hiểm trở...; đồng thời,  tổ chức tổng kết công tác cắm mốc với Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Savannakhet. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh để cùng chung sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cắm mốc biên giới theo kế hoạch đề ra.

* P. V Xin cảm ơn ông!

                                                                          Văn Hoàng (thực hiện)

,
.
.
.