.

Gặp người trở về từ cõi chết

Thứ Tư, 01/11/2017, 14:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 31-7-2017, tàu cá QB91465TS của anh Nguyễn Quốc Huy (sinh 1969),  ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới cùng 20 thuyền viên, đang đánh bắt tại tọa độ 17,15o vĩ độ Bắc, 110,00o kinh độ Đông thì một sự cố xảy ra. Trong bữa cơm chiều hôm đó, thuyền trưởng và thuyền viên bỗng phát hiện ra anh Trương Văn Kỳ (sinh 1982) quê thôn Hiển Trung, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh lao động hợp đồng trên tàu bỗng vắng mặt.

Giữa biển trời mênh mông thế này, sự cố trên xảy ra chỉ có thể là đã rơi xuống biển. Bữa cơm dọn ra không ai ăn hết. Mọi người đổ lên boong để cấp tốc kéo thu mẻ lưới đang còn đánh dỡ. Tàu quay 180o trở lại lối đi cũ để tìm kiếm anh Trương Văn Kỳ. Hoàng hôn buông xuống rất nhanh. Mọi đèn pha các cỡ trước và xung quanh con tàu đều được bật lên. Tất cả thủy thủ đoàn đứng cả lên hai bên boong tàu, phóng tầm mắt để phát hiện vật nổi. Nhưng tất cả đều vô vọng.

Suốt 6 ngày ngừng đánh bắt cá, tàu cá QB91465TS quần thảo trên một vùng biển bao la, nhưng vẫn không tìm thấy thuyền viên Trương Văn Kỳ. Hết dầu và lương thực, tàu phải quay vào cửa biển Nhật Lệ rồi lại cấp tốc ra khơi để may ra tìm được bạn tàu. Lại 5 ngày nữa trôi qua, tất cả đều nghĩ đến điều bất hạnh đã đến với anh Trương Văn Kỳ.

Thuyền đánh cá đành trở về. Gia đình chủ tàu Nguyễn Quốc Huy trước đó đã nhận được điện báo tin dữ, liền mang một số tiền lớn xuống gặp gia đình anh Trương Văn Kỳ, gọi là góp phần để làm tang lễ cho anh. Chị Nguyễn Thị Thuyên (sinh 1984) nức nở nghẹn ngào chốc lát rồi lau nước mắt, ngẩng lên, quả quyết trong một niềm tin rắn rỏi: “Không! Chồng tui chưa chết, chưa chết mô! Gia đình tui không nhận tiền lo tang lễ mô ”...

Một tin vui bất ngờ, sáng 14-8-2017, sau hai tuần tưởng như vô vọng, gia đình chị Thuyên bỗng nhận được công văn của Sở Ngoại vụ Quảng Bình, báo tin anh Trương Văn Kỳ đã được các lực lượng chức năng trên biển của Trung Quốc vớt được. Lúc đó anh đang điều trị tại Bệnh viện nhân dân thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Công văn còn thông báo thêm gia đình phải chuyển gấp 50.000.000 đồng tiền Việt Nam theo địa chỉ được hướng dẫn, để chi phí cho việc nằm viện của anh Kỳ mà phía bệnh viện Trung Quốc yêu cầu chi trả. Sau đó, ngày 18-8-2017, Sở Ngoại vụ Quảng Bình lại có công văn tiếp, chuyển công điện của Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam số 758/ĐSQ-LS báo tin, phía Trung Quốc đòi số tiền phải trả (kể cả tiền máy bay về nước) là 13.900 nhân dân tệ (tương đương 198 triệu đồng Việt Nam). Tiền phải nộp theo số tài khoản được hướng dẫn thì anh Kỳ mới có thể được trao trả. Số tiền 80 triệu đồng đã gửi đi (có sự hỗ trợ của chủ tàu) kèm theo lời cam kết sẽ trả tiếp đủ sau khi anh Kỳ được hồi hương.

Anh Kỳ, vợ, mẹ và con gái út trước ngôi nhà cấp 4 xập xệ.
Anh Kỳ, vợ, mẹ và con gái út trước ngôi nhà cấp 4 xập xệ.

Nhờ những cố gắng ấy và sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan chức trách, sau 2 tháng 13 ngày rơi xuống biển, vào ngày 11-10-2017, anh Trương Văn Kỳ đã trở lại Việt Nam. Phút gặp nhau tại sân bay Nội Bài – Hà Nội, vợ chồng anh Kỳ vỡ òa trong niềm vui giàn giụa nước mắt...

Sau 2 tháng 13 ngày kể từ khi rơi xuống biển mới trở lại quê hương, anh Trương Văn Kỳ đã kể lại với chúng tôi: “Khoảng 13h00’ ngày 31-7-2017, khi đang ngủ trên mái che buồng lái tàu, thì tôi tụt xuống, ra phía sau để đi tiểu tiện. Bỗng đầu tôi bị choáng, trong nhịp đưa lắc lư theo sóng của con tàu, tôi không kịp níu giữ liền bị rơi nhào xuống biển. Những người trên tàu không biết tôi bị rơi và cứ thế tàu xa hút dần....

Biết cái chết có thể đến, anh Kỳ lấy lại bình tĩnh và bơi để kiếm vật nổi trên biển. Độ 1 giờ sau, một tấm xốp nhỏ như cái khay đựng cốc uống nước, theo mé nước trôi tới, anh vồ lấy rồi cẩn thận xé cái quần cọc đang mặc ra làm dây. Một đầu dây buộc vào cổ, đầu kia buộc vào tấm xốp nhỏ. Làm như thế, anh Kỳ nghĩ: Nếu mình có chết thì tàu trên biển đi ngang có thể vớt được xác. Là dân biển anh biết rõ, nếu hoạt động mạnh trong nước, người sẽ mất sức. Chỉ bằng cách nhờ con nước định mệnh đưa mình đi, gặp tàu thì sẽ sống.

Một đêm trên biển thật hãi hùng. Sáng sớm, anh Kỳ bỗng vớ được một vỏ chai nhựa. Anh liền tiểu tiện vào chai rồi nút kín lại để mình có thể uống. Một con rạm biển ở đâu bỗng bơi tới, bám vào tấm xốp, anh bắt lấy và ăn để nhai ngon lành. Chất tanh của con rạm khiến anh đỡ đói chút xíu. Đến khoảng 15 giờ, một con cua biển bám lên tấm xốp nhỏ của anh. Anh lần lượt bóc mang, vặt càng ăn chóng đói. Chai nước tiểu của anh thành chai giải khát hiệu quả ở thời khắc này.

Sáng ngày thứ ba sau khi rơi xuống biển, anh Kỳ bỗng vớ được một tấm xốp khác lớn hơn do dòng nước mang tới. Tấm xốp to bằng nửa chiếc chiếu, anh có thể ngã mình trên đó và để dòng nước mang đi. Quá giữa trưa thì anh phát hiện một dàn khoan trên biển cách chỗ mình hơn 500m. Sự sống quyết liệt trỗi dậy, anh quyết bơi tới. Dàn khoan giữa biển, cọc sắt chằng chịt. Anh lách mình cùng tấm xốp vào giữa những cọc sắt. Ngẩng lên, anh thấy người phía trên dàn khoan, liền đưa tay vẫy gọi. Người trên dàn khoan phát hiện được anh liền thòng dây xuống. Phía dưới dây là cái lốp cao su, anh hiểu ý và leo vào rồi được người trên dàn khoan kéo lên. Khi đứng phía trên dàn khoan anh mới biết, đây là dàn khoan của người Trung Quốc.

Một người Trung Quốc đến hỏi chuyện anh, sau khi nói tiếng Trung Quốc rồi chuyển sang nói tiếng Anh anh Kỳ đều không hiểu, họ liền đưa đến một tờ giấy trắng và cây bút để anh viết nhằm nhận ra anh là người nước nào. Hiểu ý, anh liền vẽ bản đồ chữ “S” và vẽ một hình chữ nhật giữa là ngôi sao năm cánh, hình ảnh của Quốc kỳ Việt Nam. Những người trên dàn khoan ồ lên: “Ruê nán! Ruê nán” (Việt Nam! Việt Nam!) và nhờ thế mà anh được tàu của họ chở vào đất liền của Trung Quốc. Anh Kỳ được điều trị và đợi chờ tại bệnh viện Tam Á hơn 2 tháng 13 ngày, dằng dặc nỗi lo và nỗi buồn. Cuối cùng anh đã được trở về.

Suốt mấy ngày này không khí trong ngôi nhà nhỏ của anh Kỳ và chị Thuyên không khi nào vắng khách. Bà con xóm giềng lần lượt đến thăm hỏi, chúc mừng vợ chồng, cha con anh lại đoàn tụ bên mâm cơm đầy tình nghĩa.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Thuyên trong ánh mắt vui nhưng cũng chất chứa bao nỗi buồn: “Anh ấy trở về là phúc đức cho gia đình tôi. Nhưng mùa đông đến rồi, mưu sinh khó khăn, tiền đâu để nuôi sống gia đình với ba con nhỏ và mẹ già, tiền đâu mà trả cho khoản vay để chuộc anh Kỳ trở về”. Tác giả bài viết xin ghi lại số điện thoại của chị Thuyên là 01648249472 (địa chỉ thôn Hiển Trung, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để những nhà hảo tâm biết, của ít lòng nhiều giúp đỡ cho gia đình anh Kỳ vượt qua những khó khăn chồng chất.

Hồ Ngọc Diệp