.

Vận động học sinh ra lớp ở Thượng Trạch - Bài 3: Vì những mầm xanh giữa đại ngàn

Thứ Năm, 11/09/2014, 07:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngược từ miền xuôi, những thầy giáo, cô giáo Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch mỗi người một cảnh, nhưng cùng chung lòng yêu nghề cháy bỏng. Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn họ vẫn ngày đêm miệt mài “gieo” con chữ, ươm những mầm xanh giữa đại ngàn...

>> Bài 2: Những người thầy khéo làm dân vận

>> Bài 1: Cuộc "vật lộn" đầu năm học

Đinh Miệt, người Ma Coong đầu tiên làm thầy giáo.
Đinh Miệt, người Ma Coong đầu tiên làm thầy giáo.

Ước mơ của thầy giáo người Ma Coong

Từ bản Cồn Roàng ra lại trường, dưới cái nắng như thiêu như đốt, đoàn thầy trò vừa đi vừa nghỉ cũng mất hơn 4 giờ đồng hồ. Ra đến trường, cũng là lúc những chuyến xe “tăng bo” học sinh ở các bản xa như Cờ Đỏ, 61, Aki về tới.

Sân trường trở nên náo nhiệt bởi tiếng cười đùa sau mấy tháng nghỉ hè không gặp nhau. Các thầy cô nhanh chóng kiểm tra số lượng học sinh sau đó bố trí chỗ ngủ và bàn ăn cho các em. Năm nay, mới ra quân đợt đầu đã vận động được hơn 70% các em ra lại lớp là một thắng lợi đối với tập thể giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch.

Thầy cô ai cũng tỏ ra phấn khởi vô cùng như dân bản được mùa rẫy vậy. Nhưng vui nhất có lẽ là Đinh Miệt, người Ma Coong đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại làm thầy giáo. Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, Miệt thấm thía được cái đói, cái nghèo của đồng bào, dân bản mình. Cái ăn còn thiếu thốn thì nghĩ gì đến chuyện học hành, phần lớn học sinh Ma Coong chỉ biết tí mặt chữ là bỏ ngang về đi làm nương, làm rẫy.

Từ ngày được học con chữ đầu tiên, Miệt luôn phấn đấu học tập thật tốt và ước mơ được trở thành thầy giáo, đem cái chữ giúp cho người Ma Coong. Bằng nỗ lực hết mình, năm 2011 Miệt ra trường với tấm bằng loại khá và quyết tâm đưa cái chữ về dạy cho bà con dân bản. Nhiều năm qua, Miệt luôn là người xung phong đi đến những bản xa xôi, cách trở nhất để vận động người Ma Coong cho con em đến trường.

Năm nay, Miệt nhận trách nhiệm vận động học sinh ra lớp ở bản Aki, bản xa trường nhất, có số lượng học sinh đông nhất và nhận thức về chuyện học hành của bà con cũng mơ hồ nhất. Nhưng bằng sức thuyết phục của thầy Miệt, học sinh bản Aki đều ra lớp đầy đủ cả.

Thầy Miệt tâm sự: “Bà con mình còn nghèo lắm, đói lắm mà muốn thoát ra được cái vòng luẩn quẩn ấy chỉ có con đường học thôi. Thời còn đi học mình ước mơ được làm thầy giáo và đã làm được. Bây giờ đã làm thầy mình muốn người Ma Coong ai ai cũng được học cái chữ, học để thoát đói nghèo”.

Với thầy Miệt những học sinh Ma Coong ai cũng là người em trai, em gái vậy. Và ngày ngày thầy Miệt vẫn miệt mài vun đắp ước mơ đưa cái chữ về cho đồng bào, dân bản mình.

Ươm những mầm xanh giữa đại ngàn

Về đến bản Cà Roòng sau gần một ngày vượt rừng, lội suối, chúng tôi lả người vì mệt. Nhưng với những thầy cô Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch dù có mệt bằng mấy cũng phải lo cho học sinh trước rồi mới nghĩ tới bản thân mình.

Bữa cơm của các em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch.
Bữa cơm của các em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch.

Học sinh vừa về đến trường, cơm đã chuẩn bị sẵn, các thầy cô giáo tập trung học sinh lại để rửa tay sạch sẽ rồi dẫn các em xuống nhà ăn. Muốn học tốt phải để các em no cái bụng trước đã. Chờ các em ăn xong, thầy cô lần lượt dắt về phòng nghỉ ngơi. Lúc đó các thầy cô mới về phòng ở, lục cục nấu cơm.

Thầy Tuấn tâm sự: “Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tình nguyện lên công tác tại xã miền núi Thượng Trạch, khi đó trường cũng vừa mới thành lập được hơn một năm. Hồi đó, đường lên vất vả lắm đi cả ngày trời mới tới.

Những ngày đầu không khỏi ngỡ ngàng trước cuộc sống và tập tục của người dân. Ngôn ngữ cũng bất đồng, thầy trò không hiểu nhau. Mọi nhu cầu sinh hoạt đều thiếu thốn trăm bề. có khi 2 -3 tháng mới về nhà được một lần. Nhiều lúc cũng có ý định bỏ trường, bỏ lớp mà về.

Biết là học trò mình nhận thức còn nhiều hạn chế nhưng cũng vì thấy các em quá hồn nhiên mà thương đến lạ. Những lúc đó, lòng yêu nghề lại trỗi dậy. Vậy là quyết định ở lại. Mấy năm công tác tại trường, vui buồn đều có cả, cảm giác như cuộc sống của mình gắn liền với đồng bào nơi đây. Biết học trò mình còn thua thiệt nhiều điều nhưng không vì thế mà nặng lời hay quát mắng các em. Trái lại càng phải ân cần chỉ bảo, giúp các em học tập nên người”.

Còn thầy Hiếu, vốn là người Nghệ An mới chuyển công tác lên được hai năm nhưng cũng có nhiều kỷ niệm gắn bó với bà con nơi đây. Thầy Hiếu kể: “Có lần vào bản vận động các em học sinh trở lại lớp, gặp mưa rừng bị lên cơn sốt phải nằm lại mất mấy ngày. Bà con dân bản thấy thầy giáo ốm, chủ động hái lá thuốc về đắp, chăm sóc như người trong nhà...”. Những tình cảm được bồi đắp theo thời gian ấy, các thầy cô nơi đây vẫn ngày ngày cống hiến sức lực, trí tuệ của tuổi trẻ để “ươm” nên những mầm xanh hi vọng giữa đại ngàn...

Chính nhờ sự miệt mài không biết mệt mỏi của các thầy cô Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch mà giờ đây nhận thức người Ma Coong đã phần nào thay đổi. Học trò của các thầy, các cô giờ nhiều em đã con bồng con bế nhưng bù lại đều học được cái chữ. Nhận thức về chuyện học hành của các em cũng khác xa với bố mẹ trước đây. Em Y  Cần, học lớp 6A ở bản 61 chia sẻ: “Có các thầy cô nhiệt tình giúp đỡ, em sẽ cố gắng học thật tốt để trở thành một cô giáo về dạy chữ cho dân bản mình”.

Ở xã miền núi Thượng Trạch, ngoài thầy Đinh Miệt hiện còn nhiều con em người Ma Coong đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học và trong tương lai gần sẽ là những người đi “truyền” chữ cho đồng bào mình.

Xuân Phú